Phóng to |
Cát Tiên và Huỳnh Thật - Ảnh: T.K. |
Kỳ 1: Hát theo nhịp buồn
Xuất thân là một cô giáo ở trường tiểu học, Cát Tiên vẫn hay hát nghêu ngao những giai điệu nào vẳng lên trong đầu như một thói quen sau các buổi dạy. Và thật lạ, cái ngày mà Cát Tiên nhận ra những bài hát mình thích và hay hát luôn là những câu hát của dòng bolero.
Không phải hằng năm mà là hằng tháng, hằng tuần vẫn có những cô gái, chàng trai... rụt rè tìm đến một nơi nào đó để gửi niềm tin, hi vọng có được một ngày cất tiếng hát theo mơ ước của mình.
Những ngày hoa mộng
Hát cho mình, và hát cho người là ngàn câu chuyện của các tín đồ bolero từ khi dòng nhạc này khởi sự ở miền Nam. Trong bài Đập vỡ cây đàn, tác giả Tùng Vân và Tuyết Sơn có ghi lại hết sức cô đọng: “Em bảo tôi rằng, anh đi học đàn. Để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta...”.
Sài Gòn vào thập niên 1950-1960, những lò luyện “gà” ca hát thường là những thầy nhạc và thầy đờn có kinh nghiệm, biết cách bẻ giọng hát theo những kiểu luyến láy đặc biệt mà chỉ bolero mới có. Những cách thả chữ, xuống câu... luôn là phương thức để đánh giá trình độ hát và năng khiếu của người ca sĩ. Do đó Sài Gòn mới hình thành những cái tên khó ai quên như “nữ hoàng sầu muộn Giao Linh”, đã hát là như níu tim người vò xé; hay “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, tiếng hát bay bổng và dìu dặt khó quên.
Phương thức của các danh ca bolero ngày xưa là tập hát các bài thành danh của các đàn chị và mài cho bén một bài hát để đóng đinh sự nghiệp của mình. Một bài hát, các ca sĩ ngày xưa hát đi hát lại, hát đến muốn xỉu mà thầy chưa cho nghỉ, rồi lại phải tìm cách hát cho ngọt, cho khác lạ... để có được cái riêng, mở đường cho đời mình. Bởi vậy, đã nghe Nỗi buồn hoa phượng thì phải nhớ Thanh Tuyền, giọng hát như con ve khóc hờn; mà nghe Thành phố buồn thì phải nhớ Chế Linh, hát như thở lần cuối, rụng rời.
Nhiều chục năm sau, Sài Gòn vẫn cứ vậy, những cô gái như Cát Tiên lại tìm đến ánh đèn màu, lơ ngơ và cất tiếng hát, chất chứa muôn ngàn hi vọng. “Những bài hát ở miền Nam này cứ ám ảnh, làm tôi thích vô cùng mà không hiểu tại sao mình thích, dù tôi sinh ra ở miền Bắc”, Cát Tiên kể. Cô gái này cũng nói nhiều người khuyên cô nên hát nhạc trẻ hoặc tiền chiến sẽ dễ “lên” hơn, nhưng thật khó nói, trái tim của cô đã theo nhịp bolero mất rồi.
Phóng to |
Lệ Quyên - Ảnh: GIA TIẾN |
Học một nghề và đợi một cơ hội
Tương tự Cát Tiên, Huỳnh Thật - một giọng ca nam đến từ Long An - cũng mày mò tìm đường đến bolero theo kiểu cất tiếng hát cầu may. Và họ là những người hết sức may mắn trong hằng hà sa số ca sĩ trẻ đang mộng làm nghệ sĩ. Một phòng trà ở quận 3, TP.HCM, với ông chủ trẻ cũng là một người mê bolero, đã nhận thấy chất ngọt ngào và thu hút rất đặc biệt từ hai giọng ca này và ký độc quyền với họ trong một thời gian dài.
Có thể tạm gác lại những ngày mơ hồ và mong manh với công việc, đôi bạn trẻ đang dành toàn thời gian để trau chuốt cho sự nghiệp của mình giữa một thị trường nan giải với bài toán khó trước ưu thế của các nghệ sĩ phấn son nhảy múa, quần áo và ngôn từ đẹp hơn là khả năng chinh phục người nghe bằng tiếng hát lời ca. “Tôi giữ tên mình là Thật, như là nghệ danh, vì chỉ muốn mình hát thật, tình cảm thật để sống với nghề”, Huỳnh Thật nói, giọng vẫn “bẹt” và chơn chất như của bao người miền Tây.
Đó là cách vào nghề đầy tính truyền thống của một lớp ca sĩ phía Nam, chọn một nơi để đầu quân, chọn một nơi để học nghề và đợi một cơ hội.
Cách thức đó từng làm nên không biết bao nhiêu tên tuổi của dòng bolero thế hệ sau mà không thể không nhắc tới: Ngọc Sơn, Đình Văn, Thạch Thảo, Hạnh Nguyên, Thùy Trang, Cảnh Hàn, Hà Phương, Trần Sang... Tuy có lúc các phòng trà, quán bar từ chối thẳng thừng những người hát dòng nhạc này vì coi đó là “rẻ tiền”. Chỉ có tụ điểm văn hóa, các đoàn ca nhạc đi tỉnh... mới là nơi nâng đỡ họ.
“Sang” hơn và mãnh liệt hơn
Rồi thời gian đi qua, sức hút của bolero lan dần và buộc các quán cà phê nhỏ, quán bar, thậm chí ngay cả những chương trình ca nhạc thuộc hàng lớn nhất nhì của cả nước cũng phải thay đổi thái độ và chào mời những ca khúc, những con người của thể loại này.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng một lớp nghệ sĩ mới, mang đầy những chuyển động cách tân âm thầm, khiến bolero đột nhiên “sang” hơn và tỏa lan sức hút mãnh liệt hơn. Chính điều đó khiến các nhà sản xuất, các nơi biểu diễn phải hối hả tìm lại và mời mọc.
Khó ai có thể nói hát như Quang Lê là đơn giản như nhạc “sến” của nhiều thập niên trước, hoặc khó mà tìm được một giọng hát thanh thoát, đẹp và biểu trưng cho bolero thời nay như Mai Thiên Vân. Thậm chí với Lệ Quyên, với cách pha trộn kiểu hát giọng Bắc hơi Nam, bỏ vào một ít kỹ thuật của phong trào thanh nhạc hôm nay, cũng đã làm nên một làn sóng thưởng thức mới, gom hết phần khán giả khó tính còn lại vào thánh đường cách tân của bolero.
Sân khấu bolero lại sáng đèn, những ca sĩ của bolero một lần nữa lại bừng lên niềm tin rằng họ đã chọn không sai đường. Những người sáng tác cho dòng nhạc này lại tự tin và chắc tay hơn. Và bolero hơn bao giờ hết, lại dìu dặt với niềm kiêu hãnh phong lưu phố thị của mình.
Bolero cũng tạo ra làn sóng trên Internet Không phải ai từ đầu cũng tự nhận ra mình thích hợp với bolero, Đoàn Minh là một ví dụ. Nhiều năm trước yêu ca hát nhưng lại không hề biết mình có thể sống được với loại nhạc chậm rãi và đầy tình cảm này, Minh từng tham gia một nhóm nhạc nam chuyên hát nhạc dance và hip hop. Rồi đột nhiên khi tự mình hát thử vài bài như Lá thư cuối cùng (Mộng Long), Giã từ (Tô Thanh Tùng), Đoàn Minh quyết định chọn một con đường mới dù không biết sẽ về đâu. Tương tự những hiện tượng được tìm thấy của giới nhạc trẻ trên Internet, tuy không ồn ào, nhưng album riêng của Đoàn Minh mang tên Tình tri âm (ảnh) đã tạo nên một làn sóng thắc mắc về cái tên Đoàn Minh, một giọng ca bolero mới ngọt ngào và sang trọng. Minh cũng lập nên những kỷ lục của mình như bản ghi âm Lá thư cuối cùng có tới gần 400.000 lượt nghe và tải về. “Chậm, nhưng cuối cùng Minh cũng đã tìm thấy điều gì mình cần theo đuổi đến suốt đời”, Đoàn Minh nói.
|
__________________
Kỳ 2: Bolero - sến hay sang?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận