Phóng to |
Mùa xuân Văn Miếu - tranh của Nguyễn Văn Phương |
Nguyễn Văn Phương trước hết là một cái tên gợi nhớ, không chỉ ở tác phẩm, ông còn là họa sĩ đầu tiên viết cuốn Mỹ thuật VN hiện đại (xuất bản tại Sài Gòn năm 1962). Ðây là cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu quý, còn có giá trị cho đến ngày hôm nay. Sinh tại Hà Nội, học vẽ từ năm 1946, từng có hai triển lãm cá nhân ở Hà Nội năm 1950 và Hải Phòng năm 1951.
Khoảng năm 1954, Nguyễn Văn Phương vào Sài Gòn, học Mỹ thuật Gia Ðịnh, rồi hoạt động nghệ thuật tại thành phố này, cho đến những ngày cuối đời thì lên Ðà Lạt và mất ở đó.
Nhắc đến họa sĩ Nguyễn Văn Phương, người yêu hội họa sẽ rất nhớ những bức tranh sơn dầu vẽ lễ hội xa xưa nơi làng quê Việt, mà Kinh Bắc là một "tứ thơ" luôn ẩn hiện. Với nền màu vàng cam, trên đó là màu đỏ son, màu xanh lá, màu nâu đất... tất cả tương tác, hòa quyện tạo nên những hình thể chuyển động, hiệu ứng thị giác và cảm giác.
"Thời đại của mùa xuân vĩnh cửu"- Nguyễn Văn Phương gọi thế giới trong tranh mình như thế. Và như thế, mùa xuân trong tranh Nguyễn Văn Phương là hàm ngụ về cả sức xuân sắc xuân của một dân tộc. Quả vậy, hôm nay xem lại những tác phẩm Bài chúc tết thầy (1992), Mùa xuân Văn Miếu (1995), Nhập thiên thai (1996), Lễ rước dâu (2001), Quan họ Bắc Ninh (2004)... thấy màu sắc và đường nét vẫn đầy rạo rực, ám ảnh.
Họa sĩ Nguyễn Văn Phương sống một mình, không vợ, không con. Khi ông còn sống, gallery Tự Do từng tổ chức triển lãm cá nhân cho ông. Năm nay, nhân dịp ngày giỗ của Nguyễn Văn Phương (ông mất ngày 19-4-2006), gallery Tự Do tổ chức triển lãm như một sự tưởng nhớ. Với 45 tác phẩm sơn dầu và sơn mài (thuộc bộ sưu tập của gallery Tự Do), triển lãm kéo dài đến ngày 7-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận