Phóng to |
Từ trái sang: các nhà văn, nhà thơ Vĩnh Nguyên, Võ Quê, Kevin Bowen, Larry Heinemann, Bruce Weigl cùng trao đổi tại hành lang diễn đàn văn học Việt - Mỹ ngày 9-3 - Ảnh: THÁI LỘC |
Trong nỗ lực đó, các nhà văn Mỹ, tập trung dưới ngôi nhà với cái tên đã trở nên quá thân quen: Trung tâm William Joiner (WJC), đã đóng một vai trò rất quan trọng. "WJC đã là chiếc tàu phá băng giữa lúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn đóng băng. Các anh đã làm được nhiều việc mà ngay các nhà chính trị cũng phải ngạc nhiên!" - nhà văn Tô Nhuận Vỹ dẫn lời của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm nhận được sự đồng tình của các nhà văn - cựu binh Việt Nam và Mỹ tại diễn đàn.
Ðồng tình bởi trong hơn 100 nhà văn có mặt tại diễn đàn, không ít người đã đồng hành với những việc làm của WJC trong suốt 20 năm qua. WJC là một tổ chức do các cựu binh Mỹ thành lập với chức năng nghiên cứu hậu quả chiến tranh do người Mỹ thực hiện tại Việt Nam, nhưng thay vì thực hiện những điều tra, thống kê về xã hội học, họ lại chọn văn chương để làm cầu nối qua "đại dương băng giá" của quan hệ Mỹ - Việt sau chiến tranh. "Ðó là một quyết định dũng cảm và khó khăn nhất, vì nó làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của họ", nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - đã bày tỏ chân tình với những người bạn Mỹ có mặt tại diễn đàn này.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, WJC đã chủ động tác động liên tục và mạnh mẽ vào chính khách, trí thức và công chúng Mỹ nhằm phá bỏ hàng rào cấm vận và góp phần thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ của Mỹ đối với VN; đã mời trên 100 nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu VN sang Mỹ để tuyên truyền về đất nước và con người VN; dịch và ấn hành rất nhiều tuyển tập văn thơ VN sang tiếng Anh ở Mỹ; góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cách nhìn của không ít người Mỹ về VN... |
Với những hoạt động "kêu gào" Chính phủ Mỹ bình thường hóa với Việt Nam, WJC từng trải qua không biết bao nhiêu nghi kỵ, ngăn cản, thậm chí đe dọa đến tính mạng, kể cả những người thân của họ. Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nỗ lực của WJC không chỉ thúc đẩy sự bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ mà còn kiên trì hàn gắn "sự tan nát giữa những người Việt Nam từng đứng trong hai chiến hào đối nghịch".
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn rất ngạc nhiên trước sự thủy chung, bền bỉ theo đuổi trong suốt mấy chục năm không hề thay đổi của những nhà văn - cựu binh WJC đối với Việt Nam: "Tôi cho rằng họ đã yêu dân tộc này một cách nhẫn nại. Có những lúc họ cũng rất khó khăn trong tiền bạc, đi lại, thậm chí họ từng phải điều trần trước Quốc hội Mỹ khi giúp đỡ Việt Nam, từng mang tiếng là "bàn tay nối dài của cộng sản" ở Mỹ và là "người của CIA" ở Việt Nam!".
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng nhà văn cựu binh của cả hai bên đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là các vết thương trong tâm hồn, trong tinh thần của con người, góp phần đưa hai nền văn hóa xích lại gần nhau trong sự đối thoại, khoan dung, trong tinh thần hướng về phía trước.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm gọi tên việc làm của nhà văn cựu binh hai phía, đặc biệt từ WJC, là hành trình sáng tạo văn học có một không hai trong thế giới hiện đại như là những kẻ từng so gươm với nhau trong cuộc chiến đã có thể chia sẻ cảm xúc văn học bên nhau trong những ngày hòa bình.
Không nói nhiều về những việc đã làm, nhà văn Kevin Bowen - nguyên giám đốc WJC - đại diện cho chín nhà văn Mỹ tham gia diễn đàn, chia sẻ: "Chúng ta đã tập hợp được sức mạnh qua những ước mơ mà chúng ta cùng sẻ chia: đơn giản là chúng ta muốn hiểu hơn về những con người khác; là những cựu binh ước mong chia sẻ và tập hợp những ký ức từng chia rẽ chúng ta. Và cuối cùng là nhà văn, chúng ta ước vọng làm giàu cho chính chúng ta với kiến thức về gốc rễ và ngọn ngành của những nền văn học và văn hóa khác nhau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận