18/02/2012 08:17 GMT+7

Tỉnh táo với game show

C.KHUÊ - Q.NGUYỄN
C.KHUÊ - Q.NGUYỄN

TT - Khoảng chục năm trở lại đây, khán giả xem truyền hình đã bắt đầu quen với các game show được du nhập từ trời Tây rồi Việt hóa với người chơi, người dẫn và khán giả thuần Việt.

Quen thì quen thật, nhưng không phải khi nào khán giả cũng biết hết những tình huống, chiêu trò đã thành kịch bản của game show.

qGsfHiae.jpgPhóng to

Hàng ngàn thí sinh đã đến thi tài tại Vietnam’s Got Talent - Ảnh: Gia Tiến

Game show nghĩa đơn giản là một chương trình trò chơi. Và đã là trò chơi thì tiêu chí vui là chính phải được đặt lên hàng đầu. Tiếc thay không phải người chơi nào cũng nghĩ như vậy nên sự thắng thua trở thành áp lực để đôi khi yếu tố vui mất đi mà nỗi buồn “ăn thua đủ” mới dai dẳng.

Những sự cố đáng mong đợi

Không ai “bắt” một người nào đó phải tham gia game show. Người chơi luôn trên tinh thần tự nguyện, kể cả các game show có sự tham gia của những người nổi tiếng như Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo. Có khác chăng là với những người nổi tiếng tham gia game show, ngoài phần thưởng cố định mà ban tổ chức đã công bố, họ còn nhận được một số tiền theo thỏa thuận đủ để họ đồng ý xuất hiện mà yên tâm không chơi “không công” cho ban tổ chức hưởng lợi. Và trò chơi nào cũng có luật riêng của nó. Nhưng không phải người chơi nào cũng đọc kỹ để hiểu luật chơi mà thường khi sự cố phát sinh ngoài ý muốn họ mới hối tiếc.

Gần đây nhất là Cặp đôi hoàn hảo, khi ca sĩ Minh Quân phản ứng với ban giám khảo vì cho rằng mình bị xử ép, rồi tuyên bố với báo chí là sẽ bỏ thi. Sau đó Minh Quân vẫn thi hết buổi thi thứ ba, khi rơi vào vòng nguy hiểm anh mới xin rút. Rồi các vòng sau, khi cần, Minh Quân vẫn có mặt góp vui với chương trình. Ít người biết đây là luật chơi đã quy định mà Minh Quân phải tuân thủ chứ không chắc là vì vui bởi sau khi bị loại và mang những ấm ức nói ra trên báo chí, với Minh Quân hẳn Cặp đôi hoàn hảo không còn là vui nữa...

Cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2011 cũng ghi nhận trường hợp một số thí sinh phát biểu trên mạng xã hội vì sự không hài lòng của họ. Ngay lập tức ban tổ chức đã lên tiếng, tuyên bố có hai thí sinh vi phạm quy định đã ký khi tham gia chương trình và rất có thể họ sẽ bị phạt đến 5 tỉ đồng. Những status (câu thông báo tâm trạng, suy nghĩ) đầy “hờn giận trẻ con” của Hoàng Oanh - một trong số các thí sinh bị loại của Vietnam’s Next Top Model - trên Facebook cá nhân đã được xóa đi nhanh chóng. Rồi ban tổ chức và các thí sinh cũng chọn một cách giải quyết thỏa hiệp. Nhưng trên mạng thì cả chuyện Minh Quân, chuyện Hoàng Oanh, và gần đây là chuyện của cô bé Q.A. thì ồn ã, râm ran một thời gian dài. Khán giả trở nên háo hức hơn với các game show này vì chính những sự cố đó mà không hề biết đây là sự cố khách quan hay chủ quan của chính những người sản xuất chương trình tạo ra...

Áp lực tạo sóng dư luận

Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế tạo được dư luận trong thời gian qua như: Thần tượng âm nhạc VN (Vietnam Idol), Bước nhảy hoàn vũ (Dance with the star), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Người mẫu VN (Vietnam’s Next Top Model), Tìm kiếm tài năng VN (Vietnam’s Got Talent)... đều có bản quyền từ nước ngoài. Đơn vị giữ bản quyền hay bỏ tiền mua các bản quyền này về VN đa số không phải là các nhà đài mà là các công ty quảng cáo, các đơn vị sản xuất tư nhân hoặc các nhãn hàng của một tập đoàn kinh tế nào đó. Bản quyền cũng không được mua “sỉ” mà được mua “lẻ” từng năm một.

Vậy nên áp lực phải khuấy động thị trường, tạo được một làn sóng dư luận cuồn cuộn (bất kể tốt hay xấu) trong từng mùa thi không nhỏ. Bởi nếu chỉ chú trọng vào nội dung, chất lượng mà quên “công tác tạo dư luận” khiến sân chơi có vẻ quá yên bình là các nhà tài trợ, đơn vị giữ bản quyền sẽ có thể thay đổi đơn vị sản xuất, phát sóng bất cứ lúc nào. Công chúng cần một sân chơi, khán giả cần có một “thần tượng”, nhà sản xuất cần chương trình để làm và nhà tài trợ, đơn vị giữ bản quyền thì lại cần tiếng tăm. Vậy nên để tạo tiếng tăm cho chương trình, làm hài lòng nhà tài trợ - giữ bản quyền, các đơn vị tổ chức đã không ngần ngại dùng những chiêu trò để đẩy một câu chuyện thường tình thành một sự kiện mà có khi dẫn đến những hệ lụy xấu cho sân chơi của mình.

Tỉnh táo trước trò vui

Không phải ngẫu nhiên mà các game show luôn cố gắng chọn ban giám khảo là các gương mặt nổi tiếng. Bởi nhà tổ chức hiểu rõ ban giám khảo sẽ là một phần động lực của sự thu hút khán giả. Nhưng sự nổi tiếng không đi liền với quyền lực tuyệt đối vì người thắng cuộc cuối cùng của đa số game show lại phụ thuộc vào khán giả. Đây chính là điểm nhấn “đánh lừa” khán giả, khiến họ cảm giác cuộc chơi này là của mình, mình có nhiều quyền hơn trong phạm vi của một người xem...

Bản thân Simon Cowell - cha đẻ của chương trình nguyên bản America’s Got Talent, American Idol... - đã rất ý thức được điều này khi các game show của ông luôn cho khán giả nhiều quyền lực. Và mọi nỗ lực của ban tổ chức luôn tạo cho khán giả sự hứng thú để không... chuyển kênh. Game show càng mang tính thực tế thì công tác sản xuất càng phải chuyên nghiệp, tốn kém. Có một thực tế “chua xót” là người chơi càng dị hợm, háo danh, tưng tửng thì càng được “ưu ái”, càng được dành nhiều thời lượng hơn trong mỗi chương trình khi phát sóng.

Chẳng thế mà trong nhiều chương trình America’s Got Talent, khán giả thấy hai vệ sĩ to đùng đứng ngay hai bên sân khấu, và có thí sinh khi phẫn uất muốn lao vào ban giám khảo để hành hung thì bị hai vệ sĩ trên tóm lấy, lẳng ra ngoài. Thí sinh tiếp tục chửi, máy quay tất nhiên không bao giờ bỏ lỡ một trong những chi tiết hay ho đến thế. Chỉ có thí sinh - người chơi - lúc đó mới là người không ý thức được mình đang đối mặt với điều gì. Họ chỉ biết trước mặt là ban giám khảo đã giễu nhại họ không tiếc lời khi họ tin mình có tài năng, mà không biết rằng tất cả những phản ứng này (một khi họ đã ký vào cam kết đồng ý cho chương trình sử dụng hình ảnh của họ trong suốt thời gian tham gia cuộc chơi) khi phát sóng sẽ là trò vui cho cả triệu người xem!

Đại đa số những lùm xùm lẫn hào quang tại các sân chơi này đều ít nhiều có bàn tay của các nhà sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, giám khảo đồng thời là đạo diễn chương trình Vietnam Idol 2010, liên tục bị báo giới “quay” về việc có dàn dựng hay không kết quả cùng những xìcăngđan liên quan đến chương trình. Người mẫu VN, Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo cũng thế. Các đơn vị sản xuất không thể không có những động thái nhằm tạo dư luận, thu hút thêm lượng khán giả theo dõi chương trình. Còn nhớ phải đến mùa thi thứ 3 (2009) Britan’s Got Talent, ban tổ chức mới tìm ra “con chủ bài” Susan Boyle khiến sân chơi này nổi tiếng khắp toàn cầu. Giọng hát không phải là yếu tố quyết định mà chính là câu chuyện nhuốm màu cổ tích của Susan lẫn những lời phỉ báng nặng nề đầy chủ ý của Simon trước khi Susan cất tiếng hát đã làm sân chơi này bùng nổ. Cũng từ mùa thi thứ 3, Britan’s Got Talent bán được bản quyền rộng khắp từ Âu sang Á và đã kịp có mặt tại những nước “chậm chân” như VN trước khi “hết thời” ngay chính nơi nó đã sinh ra.

C.KHUÊ - Q.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên