17/02/2012 15:34 GMT+7

Báo mạng có dùng "dao mổ trâu giết gà"?

NTKCHINH
NTKCHINH

TTO - Ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng bài "Sự bạo hành của ngôn từ", khá nhiều bạn đọc đã ủng hộ quan điểm của bài viết liên quan vụ lùm xùm sau phần dự thi tại Vietnam’s Got Talent của thí sinh 15 tuổi Quỳnh Anh.

Trong mũi dùi dư luận hướng về người mẹ, ban tổ chức thời gian qua, có rất nhiều ý kiến phê phán phản ứng của truyền thông trước câu chuyện này.

Sự nhanh nhạy thông tin, bày tỏ quan điểm, đào sâu câu chuyện này của báo mạng có thật sự thỏa đáng và đang mang lại những giá trị gì cho bạn đọc?

Nhưng ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng, trong thời đại của thông tin, sự xôn xao của cộng đồng mạng cũng chính là đưa ra kịp thời những bài học cần thiết cho mỗi người hoàn thiện.

Bạn thấy sao?

Mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm.

Sự bạo hành của ngôn từMẹ phản pháo ban giám khảo để bênh con, nên không?

DXyL6oB5.jpgPhóng to
Khán giả tại trường quay vòng loại sân khấu Vietnam’s Got Talent - Ảnh: Gia Tiến

Khi báo mạng thản nhiên tác nghiệp theo kiểu "nghe đồn"

Từ sau buổi phát sóng tập 7 Vietnam's Got Talent với dư âm đọng lại "đậm đà" là tiết mục của Quỳnh Anh, tôi đang lờ mờ cảm nhận chỉ ít giờ đồng hồ nữa, câu chuyện này sẽ là "quả bom" trên các báo mạng nói riêng và cộng đồng mạng nói chung.

Làm sao không nghĩ như vậy khi thời gian qua, đã có những cô gái một ngày nổi tiếng như cồn chỉ vì có một bộ ảnh khoe vòng một trên mạng, vì một phát ngôn gây sốc nào đó hay chỉ vì chiếc túi - cái xe hàng hiệu? Làm sao không cảm nhận điều đó khi các trang báo mạng "lá cải" vẫn chưa thôi "nhiệt huyết" săn lùng những đề tài "độc", "sốc" để trổ tài thu hút những cái nhấp chuột? Huống hồ đây còn là câu chuyện thật lạ trong một show truyền hình lần đầu diễn ra tại Việt Nam và kéo dài gần 11p trên sóng truyền hình VTV3 trong "giờ vàng"?

Biết là vậy nhưng sao vẫn thấy giật mình trước sự nhiệt tình khai thác thông tin và cả nhiệt tình phán xét của báo mạng như thể "dùng dao mổ trâu giết gà". Những danh từ, tính từ gắn vào tên Quỳnh Anh cũng từ báo mạng mà ra: cô gái nổ, cô gái quăng bom, cô gái gây sốc... Và tất nhiên, mẹ của Quỳnh Anh vẫn là nhân vật chính.

Tính nhân văn trong truyền thông

Truyền thông có cái quyền tự do. Nhưng nếu nó đi kèm với tính nhân văn đó là một điều tuyệt vời của xã hội. Khi viết bài hãy nghĩ mình là một người lớn, một người cha, người mẹ, người đi trước. Hãy nghĩ đến tương lai của một ai đó, hệ lụy sau khi mình viết bài. Xã hội sẽ thật đẹp khi mọi người đều biết nghĩ cho nhau một cách đúng đắn.

Những tin đồn bắt đầu rộ lên trên các trang mạng về việc mẹ Quỳnh Anh kêu gọi học sinh, giáo viên trong trường nhắn tin ủng hộ Quỳnh Anh, tạo tài khoản trên mạng để bày tỏ sự yêu thích với clip Quỳnh Anh thi tại Vietnam's Got Talent...

Điều đáng nói là một số báo mạng đã nhanh nhẹn trích dẫn tin đồn này, không quên giải pháp an toàn là cho biết đó là... tin đồn. Thái độ ấy có thật sự phản ánh tinh thần trách nhiệm cao nhất của những người viết báo - vốn có sứ mệnh gác cổng thông tin? Nếu đã là tin đồn thì thêm một hay bớt một lần đồn nữa sẽ tốt hơn khi kết quả dễ dàng nhìn thấy là cơn "mưa đá" ném vào gia đình Quỳnh Anh chỉ thêm ác liệt?

Một số báo mạng cũng đã tích cực gặp gỡ người trong cuộc. Và kết quả là bạn đọc được chiêu đãi những lời trần tình, lời "tố" của mẹ Quỳnh Anh rằng đã bị ban tổ chức lợi dụng để tạo sức hút cho chương trình, rồi ban tổ chức lên tiếng rằng không có sự dàn dựng...

Thông tin đa chiều càng khiến câu chuyện này hấp dẫn, nhưng có lẽ cũng không thể phủ nhận cảm giác phân vân - chẳng biết tin bên nào - giữa biển thông tin trái chiều và rối như tơ ấy. Sự thất thoát niềm tin ấy, những cảm xúc tiêu cực chắc chắn khó tránh khỏi ở người trong cuộc - trong đó có một thiếu niên 15 tuổi - liệu các trang mạng có quan tâm hơn những cái nhấp chuột?

Hãy cẩn thận khi đối diện truyền thông

Vietnam's Got Talent là chương trình truyền hình thực tế. Mọi suy nghĩ, hành động của thí sinh và giám khảo đều thật. Do đó, việc đưa lên tình huống như đã xảy ra với bé Quỳnh Anh và mẹ là chuyện rất bình thường. Có hay chăng là họ phải nhận thức được sức mạnh của truyền thông trước khi hành động hay phát biểu một điều gì đó.

Vì những điều họ làm không phải chỉ trước vài trăm khán giả tại hội trường, nhưng là ngàn triệu người Việt Nam. Qua sự cố này, mọi người cần phải có ý thức và cẩn thận hơn khi phải đối diện với thông tin đại chúng (bao gồm: truyền hình, báo chí, mạng xã hội).

Cũng vì câu khách

Lỗi chính là do ban tổ chức và đạo diễn truyền hình. Tôi cho rằng, dù bà mẹ của Quỳnh Anh có nói thì cũng chỉ nói với một lượng khán giả tại chỗ. Nhưng khi phát sóng, ban tổ chức và đạo diễn cần phải nghĩ đến tác động của dư luận xã hội. Nếu vì để câu khách thì việc làm này thiếu cái tâm, thiếu tình người.

Báo chí (báo mạng và cả báo in) cũng vì câu khách mà tiếp tục tạo điều kiện cho dư luận "ném đá" lẫn nhau.

Nói không thừa

Theo tôi, báo chí đưa tin việc này để dư luận góp ý nhằm nhắc nhở các bậc cha mẹ nhìn lại cách mình thương con và giáo dục con - đó là một nhiệm vụ của báo chí; không phải nhằm mục đích đào sâu chuyện riêng tư

Truyền thông chuyện bé xé ra to

Với chuyện của Quỳnh Anh, đúng là "chuyện bé xé ra to" của một số vấn đề xã hội hiện nay ở Việt Nam. Có rất nhiều bình luận không hề mang tính đóng góp, xây dựng mà chỉ thể hiện cái tôi và cảm nhận quá lớn của người đọc, người viết. Và tất nhiên, trong số đó là lỗi của một số phóng viên viết bài đã cố tình giật những cái tít thật kêu, thật "hoành tráng" nhằm mục đích câu số lượng người đọc.

Hãy thích nghi với thời đại thông tin

Đã biết trước sẽ lên truyền hình nhưng họ vẫn cố "show off" như vậy thì không thể trách mọi người bàn tán được. Đồng ý là chuyện không có gì to tát nhưng chúng ta đang sống trong thời đại thông tin không có gì là bí mật đối với một ai hết. Phải biết cư xử cho phù hợp với thời thế chứ đâu thể đổ lỗi báo mạng làm to chuyện ra. Đây chính là thời đại chúng ta đang sống, hãy làm quen với nó.

Người trong cuộc không thấy mình được giúp sao?

Nếu trách cứ cộng đồng mạng, thì người trong cuộc nên hiểu mình đang được giúp hiểu một bài học. Nên nghĩ thoáng hơn là người trong cuộc nên cám ơn để tránh các bi kịch bế tắc không thể hòa nhập với xã hội với thái độ đúng đắn.

Bạn có đồng ý là một số tờ báo (giấy và mạng) đã "xé bé ra to" câu chuyện này không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về việc này qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

NTKCHINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên