02/02/2012 00:05 GMT+7

Nhà cổ Phước Tích đang nằm chờ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Di tích quốc gia làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế được cả nước biết đến từ gần mười năm nay, kể từ hội thảo quốc gia về làng di sản văn hóa Phước Tích do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại Huế tháng 3-2004.

Ngôi làng không chỉ hấp dẫn mọi người bởi hệ thống 24 ngôi nhà rường cổ và đầy đủ thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng truyền thống, mà còn ở cảnh quan của vườn tược, đường làng ngõ xóm xanh ngút và dòng sông Ô Lâu tròn vạnh bao quanh.

4MlYjmAs.jpgPhóng to
Một phần ngôi nhà cổ của ông Trương Thanh Phong ở làng Phước Tích bị sập từ năm 2009 - Ảnh: THÁI LỘC

Với việc nhiều du khách trong và ngoài nước kéo về trong mấy năm qua, cũng là khoảng thời gian dân làng ngán ngẩm chờ đợi. Các ngôi nhà ở Phước Tích phần lớn trên 100 năm, tất cả đều xuống cấp; nhiều ngôi nhà đang rệu rã, mục ruỗng nghiêm trọng. Thậm chí một trong số đó là nhà ông Trương Thanh Phong đã bị đổ sụp một phần vào năm 2009...

Các gia đình ở làng không có tiền sửa nhà bởi số tiền quá lớn. Nhưng có sửa chữa cũng không phải là chuyện dễ. Việc sửa chữa, cơi nới nhà cửa tại làng này gần như bị cấm, nhằm bảo vệ nguyên trạng theo Luật di sản văn hóa và chủ trương của huyện. Chính quyền huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, hứa hẹn, thậm chí chọn ra những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng để “ưu tiên đầu tư trùng tu”.

Tuy nhiên, mãi đến cuối tháng 12-2011, một trong số những ngôi nhà cổ xuống cấp trong làng, của ông Trương Duy Thanh, mới được chính thức đầu tư trùng tu theo chương trình hợp tác giữa Viện Di sản Bỉ và Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, với kinh phí khoảng 24.000 euro.

Chủ nhân một ngôi nhà cổ tại Phước Tích (xin giấu tên) nói: “Làng được nổi tiếng, nhiều người tới cũng vui nhưng cuộc sống bị xáo trộn, không còn yên bình, mà lại chẳng có chút lợi lộc gì. Riêng về việc công nhận làng là di tích (3-2009) thì càng có nhiều phiền toái vì phải tuân thủ luật, nhà dột nát, chờ sập cũng không sửa được. Chính quyền cứ hứa mà chẳng thấy đầu tư gì cả!”.

Ông Nguyễn Thế, phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Phong Điền, kiêm trưởng ban quản lý di tích làng cổ Phước Tích, thừa nhận sau gần 10 năm làng này không những không có gì thay đổi, mà nhiều căn nhà cổ trong làng còn xuống cấp trầm trọng hơn. Giải thích sự chậm chạp này, ông Thế cho biết huyện đang chờ tỉnh phê duyệt các quy hoạch về trùng tu di tích và quy hoạch phát triển du lịch.

Hiện tại UBND huyện Phong Điền chỉ đang xây dựng hai đề án về tu bổ, tôn tạo di tích và đề án về phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích đến năm 2020. Hai đề án này khi hoàn thành, trình UBND tỉnh thông qua mới trở thành cơ sở để tiến hành xây dựng các đề án quy hoạch bảo tồn, trùng tu di tích và quy hoạch phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích nói trên.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên