29/01/2012 08:10 GMT+7

Lễ chùa đầu năm là thế này sao?

HÀ HƯƠNG - HƯƠNG GIANG
HÀ HƯƠNG - HƯƠNG GIANG

TT - “Người đông, giời ơi chen!”, cô gái trẩy hội chùa Hương trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20 đã than như vậy. Nhưng cái sự đông chen của một thế kỷ sau chắc cô gái cũng không ngờ tới.

Hơn 50 nghìn người chen chúc trẩy hội chùa Hương

GvflWG7R.jpgPhóng to
Chen nhau trẩy hội chùa Hương - Ảnh: Hà Hương

Trẩy hội chùa Hương trong ngày khai hội mồng 6 tết (28-1), chỉ thấy người là người ở khắp sân chùa, hành lang, chính điện, tam bảo mà không hở ra một khe trống.

Một phụ nữ trẻ bất lực với cảnh chen lấn rồi bị dạt bên lề đường đi than thở: đi hội mà như đấu vật ấy, chẳng lẽ phải đứng một chỗ mà vái vọng tứ phương? Còn chị Dinh, người chèo đò trên suối Yến suốt 30 năm nay, cho biết mỗi năm mỗi đông hơn, 10 năm trở lại đây người đi trẩy hội chùa Hương đông khủng khiếp.

Đò chở khách bất chấp ngày đêm

Đò nhỏ chở mỗi lượt hơn chục khách, thậm chí có nhà đò nhồi nhét tới 40 khách, nhưng những chuyến đò này vẫn điềm nhiên đi về trên suối Yến suốt ngày đêm mà không gặp bất cứ sự kiểm soát nào từ phía ban tổ chức. Điều đáng nói là ngoài một vài thanh sắt làm ghế hoặc ghế gỗ, trên đò không hề có bất cứ hệ thống chiếu sáng, đèn dẫn đường hay áo phao cứu nạn nào. Tất cả số phận trông cậy vào... kinh nghiệm của người chèo đò.

Theo quy định của ban tổ chức lễ hội, đò không được phép chở khách từ sau 21g đến 5g sáng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những chuyến đò vẫn tấp nập đi về suốt đêm. Đêm trước giờ khai hội chùa Hương, nhiều “cò” đò khẳng định: đi hay về giờ nào là tùy thuộc khách, quy định là từ 5g sáng nhưng muốn đi từ 1g hay 2g cho sớm cũng không vấn đề. Ngoài giá vé đi đò, vé tham quan tổng cộng 85.000 đồng/người, các “cò” đò không quên mặc cả phí trả thêm cho lái đò là 200.000 đồng cho cả hai lượt đi về.

“Ai lại đi phạt khách du xuân”

Chị Hiên - một du khách đi chuyến sớm, 4g đã có mặt trong động Hương Tích - than thở: “Cứ nói là hạn chế tiền lẻ nhưng tiền ngập cả động. Tôi đi chuyến đò sớm nhất nhưng vào tới đây đã thấy tắc đường, không hiểu họ đi vào đường nào! Còn số khác thì trải chiếu ngủ lại ngay trong động để sáng sớm kịp làm lễ. Thật không hiểu nổi!”.

Ông Nguyễn Chí Thanh thừa nhận: “Người ta không bỏ tiền vào hòm công đức. Phong tục tập quán của dân mình chưa thể thay đổi ngay, phải giáo dục dần dần. Năm nay, trong động Hương Tích nhà chùa có đặt những bát đồng để du khách bỏ tiền giọt dầu, nhưng người ta không bỏ, họ cứ bỏ chỗ này chỗ kia cơ. Ban tổ chức cũng có biện pháp giăng lưới ở suối Giải Oan để ngăn du khách ném tiền lẻ xuống suối. Nhưng đâu phải chỗ nào cũng giăng lưới được”.

Cũng theo ông Thanh, khó có thể đưa ra một biện pháp quyết liệt hơn bởi “ai lại đi phạt khách du xuân, năm nay chúng tôi chỉ xử lý chuyện môi trường là chính thôi”.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh (trưởng ban quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn) phân trần: “Nhiều người cố gắng về sớm để trẩy hội. Từ 3g sáng du khách đã đứng kín cả bến đò, chẳng lẽ lại cấm không cho họ đi, đợi đến 5g thì thành ra quá tải. Cho nên riêng ngày khai hội, ban tổ chức cho phép đi từ 3g sáng”.

Thời tiết giá lạnh, mưa và sương mù dày đặc, những chuyến đò chật chội cứ thế tiến vào bóng đêm. Ban tổ chức dù lường trước tình trạng này nhưng không hề có biện pháp hỗ trợ. Trên hai chiều đi về, theo quan sát của chúng tôi, không thấy bóng dáng của đội cứu hộ. Còn du khách thì cứ phó mặc cho nhà đò.

Cáp treo: cứ 200.000 đồng là... đi ngay?

Chuyện chờ đợi 3-4 giờ để lên cáp treo thăm động Hương Tích được công khai thừa nhận là “chuyện thường ngày”. Tuy nhiên, du khách có thể đi con đường nhanh hơn nếu... chịu chi tiền nhiều hơn. Giá vé quy định là 120.000 đồng cho lượt đi và lượt về, nhưng số tiền thực đóng sẽ là 200.000 đồng. Sau khi đưa tiền cho “cò”, “cò” sẽ dẫn lên tận cửa cáp treo và được lên buồng ngay lập tức trước con mắt điềm nhiên của nhân viên bán vé lẫn bảo vệ. Những người còn lại nếu mua vé trực tiếp tại bàn đành kiên nhẫn chờ đợi tiếp.

Nhưng có lẽ một trong những hình ảnh khiến nhiều người ngỡ ngàng nhất là trong phần tế lễ khai hội chùa Hương, nhiều đại biểu quan khách cũng lao vào chen lấn để giành nhau từng nén hương của nhà chùa phát ra. Một người ngán ngẩm: dân thì trèo lên cả hàng rào, đại biểu thì lao vào giành giật nhau, đi lễ chùa đầu năm là thế này sao?

Lễ hội chùa Hương năm 2012 dù suối Yến đã ít rác hơn, cổng chùa đã sạch hơn nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen nhét tiền vào miệng nghê đá, ném tiền vào hậu cung lấy may, dán tiền lên di tích... Với 50.000 lượt khách hành hương riêng trong ngày mồng 6 khai hội, ban tổ chức dù cố gắng cũng khó có thể quản hết. Sát cổng chùa, chuyện nhiều nhà hàng treo nguyên con thú vừa giết mổ, quảng cáo bán thịt thú rừng vẫn diễn ra tràn lan và ngang nhiên trước mắt ban tổ chức, kiểm lâm và các đơn vị quản lý văn hóa. Một thành viên ban tổ chức lại phát biểu rất hồn nhiên: “Đó là thịt thú nuôi, chứ thú rừng làm gì còn mà bán!”.

“Lễ chùa đầu năm là thế này sao?” có lẽ không phải băn khoăn của riêng một du khách đến chùa Hương trẩy hội.

Lễ hội đầu xuân bên cạnh những giá trị truyền thống cần được giữ gìn vẫn còn nhiều điều đáng bàn, nhất là những hình ảnh phản cảm của việc chen lấn, giành giựt, mê tín dị đoan... trong nhiều lễ hội thật đáng phê phán. Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này? Hãy gửi ý kiến về tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

HÀ HƯƠNG - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên