“Khi viết về lịch sử, nhà văn vấp phải một cộng đồng tiếp nhận có một hệ quy chiếu và quy ước ngầm, đó là tri thức về lịch sử, dữ kiện lịch sử đã tồn tại trong cộng đồng đó. Chẳng hạn khi nhắc đến Nguyễn Huệ, Gia Long, người đọc hẳn sẵn có một hình dung, cốt truyện nào đó với một chút hiểu biết (hay một định kiến) về các nhân vật lịch sử, thời đại lịch sử, thay vì một sự trống không, một khoảng trắng trước nhân vật hư cấu. Nhắc đến Quang Trung và Nguyễn Ánh, người đọc dễ hình dung ngay được nhân vật lịch sử Việt thế kỷ 18 và sử dụng vốn hiểu biết của mình trong việc xử lý thông tin trong tác phẩm. Bởi vậy việc nảy sinh cách đọc đối chiếu và thái độ phản ứng là bình thường, nhưng không phải người đọc nào cũng ý thức được việc “đọc văn phải khác với đọc sử”. Những dẫn chứng mà nhà phê bình trẻ Đỗ Hải Ninh trình bày tại hội thảo không phải là khó khăn duy nhất mà người viết và người phê bình trẻ VN đang gặp phải. Đỗ Hải Ninh cũng không là cây bút phê bình hiếm hoi có cách đặt vấn đề thiết thực và sắc sảo trong hội thảo này.
Đây là một diễn đàn khá đặc biệt mà Viện Văn học đã tạo nên để các nhà phê bình - nghiên cứu trẻ lên tiếng và các nhà nghiên cứu có tên tuổi lắng nghe, nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho biết.
39 tham luận tại hội thảo, từ các góc độ rất khác nhau, hầu như đều đề cập những khía cạnh nóng nhất (nhóm phê bình) hay sâu nhất (nhóm nghiên cứu) mà các cây bút còn khá trẻ tuổi đời nhưng đã khá dày dạn kinh nghiệm “trường văn trận bút” đang trăn trở: Nhà văn, nhà phê bình văn học: ý thức về dân chủ - vai trò của các không gian công trong văn chương (Nhã Thuyên), Phê bình văn học dưới thiết chế truyền thông (Phan Tuấn Anh), Tại sao lý thuyết? hay là (tiếp nhận) lý thuyết ở VN đương đại (Đoàn Ánh Dương), Trước sự nô lệ của lý thuyết (Ngô Hương Giang)...
Dù thật sự không dễ nghe, dễ theo dõi và nắm bắt, nhưng với một diễn đàn cởi mở như thế này, một tiền lệ khá sáng sủa có thể bắt đầu vì nói như nhà phê bình trẻ Phan Tuấn Anh: “Một nền phê bình văn học mới ra đời không có tham vọng tiếm lấy vương quyền của nền phê bình văn học cũ (truyền thống) bằng những trận chiến đẫm máu, như sự thay thế nhau giữa những triều đại phong kiến. Chúng chỉ có lợi khi tồn tại bên nhau bởi văn học được tiếp cận từ nhiều phương thức”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận