15/12/2011 11:45 GMT+7

Giá như anh ấy đừng chích chung

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TTO - “40 tuổi chồng mất. Ai mà nghĩ đến ngần ấy tuổi chồng lại dính cái bệnh đó. Rồi cơ quan biết chị có HIV nên cho nghỉ việc. Chị một mình tần tảo cặm cụi bên chiếc máy khâu may mấy cái gối bông gạo nuôi ba đứa con khôn lớn”.

Đó là tâm sự của một phụ nữ ở Khánh Hòa, một trong rất nhiều phụ nữ bị lây nhiễm HIV từ chồng. Những hình ảnh về họ, cơ cực, đau khổ nhưng ở đâu đó vẫn ngập tràn hi vọng vừa được trưng bày tại Hà Nội Cinematheque (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội).

MHXROCjV.jpgPhóng to

Ảnh trưng bày trong triển lãm: Có HIV, chị nghỉ việc, cặm cụi bên chiếc máy khâu nuôi ba con khôn lớn

Tên triển lãm - mới nghe cũng đã gợi lên nhiều nuối tiếc - “Giá như anh ấy đừng chích chung”. Đó là 18 số phận phụ nữ có chồng nghiện ma túy rồi nhiễm HIV. Người chồng đầu tiên mất, cuộc đời lại đưa đẩy họ lấy tiếp một người nghiện ma túy khác. Cuộc sống tưởng chừng như luẩn quẩn trong nghèo đói, bệnh tật, thiếu thốn, mặc cảm và bị kỳ thị. “Không có tiền mua gạo nhưng tiền mua ma túy phải có”.

Nơi họ sống không phải là đô thị sầm uất với nhiều cám dỗ mà lại là những vùng quê nghèo và xa. Cứ nghe tâm sự của một cô gái Thái xinh xắn sinh năm 1983 sống tại Tuần Giáo (Điện Biên) để hiểu phía sau một người đàn ông nghiện ma túy và nhiễm HIV còn có những người phụ nữ với bi kịch đau đớn hơn bội phần.

“Ở cái huyện Mường Ảng nơi Nguyệt theo chồng về sống nhiều thanh niên dùng ma túy lắm. Mấy năm trước chẳng ai bảo thanh niên đừng chích chung, chẳng ai phát bơm kim tiêm nên bỗng nhiên tỉnh Điện Biên trở thành điểm nóng với tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất nước. Chồng cô qua đời, Nguyệt mất luôn cả nhà cửa vì gia đình chồng lấy lại”.

Nbhtlizq.jpgPhóng to
Nguyệt - cô gái Thái kiên cường sau cú sốc nhiễm HIV từ chồng

Để có đủ dũng cảm xuất hiện và công khai bệnh của mình, họ đã tự vượt qua rất nhiều lời gièm pha, dị nghị của cả người thân. Bỏ lại sau lưng mọi đau khổ, họ sống tiếp một cuộc đời khác.

Phần lớn phụ nữ xuất hiện trong triển lãm đều là cộng tác viên của dự án phòng chống HIV và dự phòng lây nhiễm HIV cho những người sử dụng ma túy. Chị Thương ở Quảng Ninh đã xây được ngôi nhà mới, cô Hiền ở Bắc Ninh sắp thành mẹ của ba đứa con vẫn tranh thủ học bổ túc văn hóa để hoàn thành giấc mơ có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông còn dang dở.

fgcM0cem.jpgPhóng to
Chị Thương (Quảng Ninh) đang xây ngôi nhà mới

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh là người lặn lội đi từ Điện Biên ra đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) vào tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) rồi cả Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ, An Giang để chụp và kể câu chuyện của những người phụ nữ phía sau những người chồng có HIV.

Anh chia sẻ: "Có nhiều lý do khiến những phụ nữ này không từ bỏ cuộc sống đôi khi có thể gọi là vô cùng cay cực này: tình yêu thương với người chồng, niềm hi vọng ở sự thay đổi của người đó, sự mong mỏi cho con cái có một gia đình vẹn nguyên…".

Trong hay ngoài tay em là bộ phim tài liệu về những người đàn ông nghiện ma túy và nhiễm HIV được trình chiếu song song với triển lãm “Giá như anh ấy đừng chích chung”. Hai người sống ở Điện Biên. Giống như nhiều người đàn ông trẻ khác sống trên con đường vận chuyển heroin từ Lào sang Trung Quốc này, họ nghiện ma túy và nhiễm HIV. Thi muốn từ bỏ con đường này trong khi Trung đang chờ chết.

Trong hay ngoài tay em là bức chân dung chân thực miêu tả cuộc đấu tranh của hai người đàn ông, của vợ, gia đình, các bác sĩ và bạn bè họ trong nỗ lực kéo họ ra khỏi vực thẳm.

Phim do đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus thực hiện trong khuôn khổ dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên