17/11/2011 05:02 GMT+7

Võ Phi Hùng giã biệt vỉa hè

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
NGUYỄN ĐÔNG THỨC

TT - Vậy là sau Ung Ngọc Trí, Hoàng Ngọc Tuấn, một bạn viết nữa trong Câu lạc bộ sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM của tôi đã ra đi!

YkFqfF1K.jpgPhóng to

Nhà văn Võ Phi Hùng - Ảnh tư liệu

Võ Phi Hùng và cơn Sống sót vỉa hèSức khỏe nhà văn Võ Phi Hùng đang nguy kịch

Đúng 30 năm trước, 1981, CLB ấy ra đời, do chú Võ Văn Kiệt - lúc ấy là bí thư Thành ủy - tài trợ và báo Tuổi Trẻ đỡ đầu, có đầy đủ những cây bút trẻ mà chỉ vài năm sau đã trở thành những tên tuổi trong làng văn TP: Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Hồ Thi Ca, Trần Ngọc Châu, Trần Hữu Dũng, Lê Dụng, Nguyễn Thái Dương, Võ Phi Hùng, Lê Thị Kim, Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Trung Quân, Đoàn Vị Thượng, Ung Ngọc Trí, Hoàng Ngọc Tuấn, Bùi Chí Vinh, Lý Lan, Lưu Thị Lương...

Trong số này, Võ Phi Hùng xuất hiện khá đặc biệt. Anh viết ít, nói ít, chỉ thích cười và... uống. Ai cũng nghèo, sau mỗi cuộc họp đọc tác phẩm cho nhau nghe lại hùn tiền kéo nhau đi nhậu ở những quán cóc bình dân vỉa hè, mà Hùng chính là người am tường nhất. Biệt danh “nhà văn vỉa hè” của anh là hoàn toàn chính xác. Bộ truyện Sống sót vỉa hè (37 tập) - gần như là một tự truyện của anh - đã phản ánh cuộc sống tủi cực của những đứa trẻ trong thế giới khốc liệt của vỉa hè. Võ Phi Hùng cho biết: “Không có thông điệp gì cao siêu ở Sống sót vỉa hè mà tôi chỉ muốn nhắn gửi một lời: cho dù có trải qua bao nhiêu gian nan, khốn khó, tủi cực... đến mức nào đi nữa thì khi đã thoát ra được, hãy tha thứ và nhìn lại tất cả bằng một nụ cười độ lượng”.

Mất cha, bị mẹ đem vào gửi ở viện mồ côi, ra đời làm đủ thứ nghề lao động tay chân, đi học lớp đêm bình dân học vụ, Võ Phi Hùng chính là điển hình của một người viết văn vượt qua bao khó khăn để vào nghề bằng chính đam mê và vốn sống của mình. Cũng có thể chính nhờ rất từng trải mà anh sống hết sức thoải mái, khiêm tốn, mộc mạc, cởi mở, luôn cười hỉ xả, chưa từng thấy nói gì, làm gì mếch lòng ai. “Cuộc sống vốn đã rất nhiều chuyện đau, còn làm đau nhau làm gì?”. Tôi nhớ mãi câu nói đó của Hùng, dù phải một thời gian rất lâu sau người sân si như tôi mới ngộ được...

Người từng trải qua gần như đầy đủ vị đắng của đời ấy suốt đời chỉ có một mong muốn lớn nhất là tìm được mẹ mình. Anh từng nói: “Tôi đã không ngừng tìm mẹ từ thuở còn ấu thơ cho đến lúc tóc trên đầu đã bạc, nhưng vô vọng!”.

Mong là giờ đây anh đã được gặp lại mẹ.

Và nụ cười rộng mở, khoan dung của anh chính là điều mà tôi sẽ nhớ mãi...

Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh lao phổi, nhà văn Võ Phi Hùng vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16g ngày 16-11-2011 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 9g ngày 17-11 tại nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ động quan diễn ra lúc 6g ngày 19-11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, hài cốt sẽ mang về chùa Già Lam (Bình Thạnh, TP.HCM).

Nhà văn Võ Phi Hùng (sinh năm 1948) là tác giả của các tập sách Kẻ lang bạt trở về (1987), Đời có tên tụi mình (1992), Đóng đinh vào khoảng không (1993), Bất trắc (1996), Trong cơn lốc (1997), Sống sót vỉa hè (2005), Chàng cóc siêu phàm (2010)... Ngoài ra ông còn là tác giả các kịch bản phim Đời có tên tụi mình, Chim phóng sinh, Giã từ dĩ vãng, Cầu thang tối, Tên bắt cóc...

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên