28/09/2011 07:13 GMT+7

Điện ảnh Việt: Nửa sống và nửa chết nghiêm trọng

Tuanna
Tuanna

TT - Ðó là cách nói của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - một trong những đạo diễn không dự cuộc tọa đàm "Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn của điện ảnh VN" vào ngày 25-9 vừa qua, vì đang trong những ngày tất bật làm phim ở Hà Tiên.

DdSCGasJ.jpgPhóng to
Nhiều nghệ sĩ lão thành trong cuộc tọa đàm tháo gỡ khó khăn của điện ảnh Việt khá bi quan trước thực trạng điện ảnh nước nhà - Ảnh: Hoàng Tuấn

Cũng nhìn thẳng vào thực trạng (xem bài "Ðiện ảnh Việt chưa chết", Tuổi Trẻ ngày 27-9), các đạo diễn vừa góp thêm một tiếng nói.

2Or9dxZW.jpgPhóng toẢnh: Gia Tiến* Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên:

Diễn viên điện ảnh đang "tuyệt chủng"

Ðiện ảnh VN đang sống và đang tốt dần lên. Nó phát triển theo quy luật tự nhiên và đó là điều quan trọng nhất của điện ảnh. Còn nói điện ảnh chết là điện ảnh bao cấp, nó phải chết chứ. Phải thay đổi theo quy luật phát triển hiện tại thôi.

Nhìn về góc độ nhà nước, tôi thấy cho đến hôm nay hình như chưa có chỗ đứng của tư nhân trong sự quan tâm của Nhà nước. Và vẫn còn sự phân biệt giữa điện ảnh nhà nước - điện ảnh tư nhân. Nhưng rồi sẽ không còn ranh giới đó nữa đâu, thế mới đúng quy luật.

Nhà nước nên hỗ trợ cho thị trường điện ảnh, cho việc đào tạo và hỗ trợ các phim nghệ thuật, cho dòng phim tác giả vốn khó kiếm doanh thu để tái sản xuất. Ở khía cạnh thị trường, nhà nước cần có những chính sách kêu gọi đầu tư vào rạp phim, hỗ trợ nhà làm phim thêm nhiều hướng phát hành.

Chuyện tôi nói ở đây là điện ảnh chứ không phải truyền hình, tôi thấy diễn viên điện ảnh chẳng hạn - đang tuyệt chủng, chỉ còn các diễn viên đóng phim truyền hình, chạy sô như điên để kiếm sống.

Tôi đi chọn diễn viên cho phim truyện mà không thể tìm ra được các diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp sẵn sàng dành cả năm trời cho việc đầu tư vào một vai diễn, bởi tiền đâu mà trả cho họ làm thế! Chính sách đào tạo và vai trò của nhà nước cũng ở đây, vì điện ảnh đang không có các nghệ sĩ chuyên môn làm được nghề này theo đúng nghĩa của nó!

Q6Q7sSry.jpgPhóng toẢnh: Gia Tiến* Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn:

Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó ưa

Một thực trạng là điện ảnh chúng ta ít có những thành tựu nổi bật và hầu như vô danh trong mặt bằng chung của thế giới, chỉ loay hoay "trong nhà nhất mẹ nhì con".

Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau: "Nếu Trương Nghệ Mưu làm phim trong những điều kiện các nhà làm phim trong nước vẫn làm thì mới biết rõ đá vàng".

Một tài năng như đạo diễn Trần Anh Hùng về nước làm phim một thời gian ngắn rồi cũng gặp chuyện "không êm". Các nhà làm phim nước ngoài làm phim về VN vẫn chọn quay ở Campuchia, Thái Lan, Philippines cho an toàn. Nếu có đoàn phim như Người Mỹ trầm lặng cố quay ở VN thì phải đối phó với bao phiền phức.

Và cứ nhìn xem cách chúng ta tiếp nhận một vài hạt giống nghệ thuật hiếm hoi như Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Bi! Ðừng sợ thì đủ biết mảnh đất có thuận lợi hay không. Chả trách gì các nhà làm phim Việt kiều đầy tài năng cuối cùng cũng chọn cách làm những phim "xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó ưa", vừa có tiền vừa lành.

Ðiện ảnh Việt đang "chết" hay "sống", tùy cách hiểu điện ảnh như thế nào. Một nền điện ảnh mà tất cả các phim đều phải làm vừa lòng tất cả khán giả, từ đứa trẻ mới sinh đến cụ già trăm tuổi là một nền điện ảnh không có cá tính, không có những sáng tạo khác biệt độc đáo.

Tôi nghĩ nhà nước nên ra luật phân loại khán giả theo lứa tuổi, hoặc khán giả trong nước ngoài nước, hơn là kiểm duyệt cắt gọt phim cho vừa với mọi người.

XmqBrT6e.jpgPhóng toẢnh: Gia Tiến* Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:

Hoàn chỉnh Luật điện ảnh

Ðiện ảnh Việt ư, theo tôi đang nửa chết và nửa sống.

Thứ điện ảnh nhà nước đang vận hành bằng cơ chế quản lý và kiểm soát kiểu nhà nước thì đang chết, chết nghiêm trọng chứ không phải là nói đùa.

Phần sống còn lại là của các hãng tư nhân, họ chưa đủ lớn nhưng vẫn là đối trọng khiến điện ảnh VN có sắc màu một chút. Nhưng các nghệ sĩ nhà nước, những người đã và đang làm phim bằng tiền nhà nước thì không chết bởi họ vẫn có cách linh hoạt trong sáng tác.

Một phần trong số họ vẫn làm ra các tác phẩm mà họ mong muốn khi tìm thêm sự hỗ trợ kỹ thuật ở nước ngoài để hoàn thiện tốt nhất các tác phẩm của họ. Rất tiếc sự hỗ trợ đó lại không là công việc mà Nhà nước quan tâm. Nếu chỉ an tâm dùng tiền nhà nước mà làm Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng hay Tâm hồn mẹ thì các phim này sẽ chẳng đủ khả năng hoàn thiện, đặc biệt là phần hậu kỳ, âm thanh, ánh sáng... để có thể bước ra ngoài biên giới VN.

Tôi đã nghĩ mãi rồi, Luật điện ảnh ở ta vẫn chưa ổn, bàn nhiều cũng vô ích. Với cấp quản lý nhà nước của điện ảnh, điều quan trọng là cần phải có chuyên môn cao, phải học nhiều hơn nữa để kiến tạo ra hệ thống quản lý điện ảnh hoàn chỉnh, có ích, mà đầu tiên là hoàn chỉnh Luật điện ảnh. Và tất cả chúng ta cần mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn, đừng an toàn quá.

Ta có thể thấy đa số tác phẩm còn lại với thời gian của điện ảnh Việt đều gặp khó khăn ở khâu duyệt ban đầu. Nghệ thuật không phải là an toàn, nghệ sĩ và các cấp quản lý cần chấp nhận sự chênh vênh nào đó.

Việc quản lý cần có người vừa có tâm vừa có trình độ để biết mức nào là có thể và không thể. Còn hiện nay, mặt bằng chung về cái có thể hay không thể của điện ảnh Việt với thế giới là quá xa vời!

CÁT KHUÊ ghi

Tuanna
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên