12/08/2011 03:17 GMT+7

Xét tặng giải thưởng còn bất cập

H.ÐIỆP
H.ÐIỆP

TT - Chiều 11-8, Bộ VH-TT&DL tổ chức họp báo về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước và danh hiệu nghệ sĩ cho các cá nhân, tác phẩm, tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

TT - Chiều 11-8, Bộ VH-TT&DL tổ chức họp báo về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước và danh hiệu nghệ sĩ cho các cá nhân, tác phẩm, tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Ngoài việc công bố danh sách các hồ sơ đề nghị xét tặng đã được Bộ VH-TT&DL và các địa phương thông qua, một trong những nội dung được quan tâm trong buổi họp liên quan đến việc khiếu nại, khiếu kiện của các cá nhân nghệ sĩ. Ðại diện các hội đồng cơ sở chuyên ngành cũng tham gia trả lời các câu hỏi của báo chí.

Về việc khiếu kiện kéo dài của các nhạc sĩ trong Nam và ngoài Bắc, các phóng viên đều đặt câu hỏi về sự minh bạch trong việc xét tặng giải thưởng; lý do về sự "trượt" giải thưởng của một số nhạc sĩ tên tuổi hay việc có đúng quy trình hay không trong việc xét bổ sung sáu nhạc sĩ tham gia khiếu kiện của hội đồng cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Có mặt trong buổi họp báo, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên hội đồng cơ sở xét tặng giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho rằng toàn bộ việc xét tặng giải thưởng của hội đồng cơ sở đều làm rất đúng quy trình. Ví như việc xét tặng hồ sơ của nhạc sĩ Hoàng Hà, sở dĩ nhạc sĩ Hoàng Hà không đủ số phiếu bầu vì ông đã làm hồ sơ xin Giải thưởng Hồ Chí Minh chứ không phải Giải thưởng nhà nước và trong những hướng dẫn xét tặng giải thưởng, cá nhân tác giả xin xét tặng giải thưởng nào sẽ xem xét ở giải thưởng ấy.

Liên quan vấn đề tác giả của một tác phẩm điện ảnh, sân khấu, múa... ai là tác giả chính và ai có quyền xin giải thưởng cho tác phẩm ấy, ông Lê Khánh Hải - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, chủ tịch hội đồng cấp bộ - cho rằng tác phẩm điện ảnh hay sân khấu, múa là sản phẩm của một tập thể. Bởi vậy hồ sơ của tác phẩm ấy nhất thiết phải có sự đồng thuận của các đồng tác giả, cụ thể là biên kịch, quay phim, ánh sáng, âm thanh, đạo cụ... Ðồng thời ông Lê Hải Anh - vụ trưởng Vụ Thi đua và khen thưởng - cho rằng luật không cấm đồng tác giả của các tác phẩm điện ảnh, sân khấu (quay phim, ánh sáng, âm thanh, họa sĩ...) xin giải thưởng cho tác phẩm.

Tuy nhiên, trả lời báo Tuổi Trẻ về việc ai là người có quyền được sở hữu bằng khen đó cùng việc chia số tiền thưởng kèm theo như thế nào, cả Thứ trưởng Lê Khánh Hải và ông Lê Hải Anh đều chưa có câu trả lời thỏa đáng. Theo ông Lê Khánh Hải, sau kỳ xét tặng giải thưởng này, bộ sẽ họp để tìm ra phương án giải quyết cụ thể từng lĩnh vực và từng vấn đề mà Tuổi Trẻ nêu.

Tại buổi họp báo, Bộ VH-TT&DL cũng đưa ra bản dự kiến phương án quy đổi giải thưởng trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ cho các lĩnh vực múa, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc đối với các cá nhân, đoàn nghệ thuật đoạt huy chương, cúp trong các kỳ liên hoan, hội diễn ngành và các giải thưởng quốc tế.

Đồng thời, bộ đã đưa ra danh sách chính thức các đề cử xét tặng giải thưởng và danh hiệu: 17 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 196 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng nhà nước, 96 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND và 419 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT. Toàn bộ hồ sơ này sẽ được trình cho 14 hội đồng cấp nhà nước xem xét trong tháng 8 để kịp trao giải thưởng dịp Quốc khánh 2-9 năm nay.

H.ÐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên