Nhưng kèm theo con số hồ sơ gây choáng kia lại là những kiện cáo, thắc mắc, bất bình...của người trong cuộc, được bàn luận trên báo chí trong nhiều ngày gần đây, và câu hỏi rất đỗi tự nhiên của công chúng: ở đâu ra mà nhiều giải thưởng với danh hiệu thế nhỉ? Sao chẳng mấy tác phẩm được nhớ tên? Và một câu hỏi khác cũng tự nhiên đến: sao nhiều tác giả, tác phẩm mà hầu như ai cũng biết, cũng đọc, cũng nghe, cũng xem; nhiều nghệ sĩ mà ai cũng yêu mến không hề có tên trong danh sách?
Câu trả lời của cơ quan quản lý nhà nước (Bộ VH-TT&DL) thì đã có, ngắn gọn và đơn giản: cứ theo quy định của Nhà nước mà làm. Quy định thì không thể du di, trong khi bản chất của nghệ thuật lại là sáng tạo. Quy định thì chỉ có đúng và sai, trong khi thước đo của nghệ thuật lại là đẹp hay xấu, hay hay dở.
Cho nên, nếu đơn cử ví dụ tiêu chuẩn phong NSƯT của bộ là có hồ sơ xin phong tặng đầy đủ, 15 năm công tác liên tục, có hai huy chương vàng hội diễn, liên hoan phim... thì một hiện tượng xuất sắc của điện ảnh VN hiện tại là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tuyệt nhiên không lọt tiêu chí nào, trong khi có hàng loạt nghệ sĩ khác thừa mứa tiêu chuẩn mà hỏi tên tuổi, tác phẩm thì chẳng khác nào đánh đố công chúng (!).
Trong một diễn đàn văn hóa do VTV1 vừa tổ chức chính về đề tài này, đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ, người trực tiếp ngồi làm ủy viên của ba hội đồng xét duyệt mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh - đã bày tỏ quan điểm rất thẳng thắn: “Sự nghi ngờ, bức xúc của nghệ sĩ và sự thờ ơ của công chúng với các loại giải thưởng và danh hiệu chính là từ cách xem xét, đánh giá máy móc và cách trao giải ồ ạt.
Tại sao ở lần phong tặng đầu tiên, những tên tuổi như Văn Cao, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Xuân Diệu, Huy Cận, Hồng Sến, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng.... lập tức được đồng nghiệp và dư luận xã hội đồng tình? Vì họ thật sự là tinh hoa. Họ xứng đáng. Nhắc đến họ, bất kỳ ai cũng có thể gọi tên bài hát, bài thơ, bộ phim, bức tranh của họ. Hơn nữa, nếu ngay từ hồi đó áp dụng kiểu khai hồ sơ xin giải thưởng như hiện nay, liệu với tính cách nghệ sĩ đầy tự trọng, thậm chí ngang tàng như các ông ấy, mấy ai đủ kiên nhẫn hoàn thành một thủ tục hành chính nhiêu khê, mệt mỏi và “phi nghệ thuật” như thế?”.
Một bức xúc nữa, cũng chính ông Đoàn nêu lên: “Nếu thực lòng muốn trao tặng giải thưởng, muốn vinh danh các tài năng đã có cống hiến, sao lại bắt họ tự mình “kể công”? Nếu thấy họ xứng đáng, sao không chủ động trao giải? Chúng ta từng có tiền lệ rất tốt đẹp là năm 2009, Chủ tịch nước đặc cách trao Giải thưởng nhà nước cho bốn nhà văn thuộc nhóm Nhân văn: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm.
Sao nhân dịp này, chúng ta không chủ động trao giải thưởng cho sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Có lẽ nào chúng ta máy móc chờ đợi từ gia đình một “hồ sơ xin xét tặng”? Không có giải thưởng, Trịnh Công Sơn không vì thế mà kém đi chút giá trị nào, nhưng nếu tặng giải thưởng cho ông, chắc chắn giải thưởng sẽ trở nên có giá trị hơn, với công chúng rộng rãi và cả với người cùng nhận giải”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã suy nghĩ rất lâu khi phát biểu trên VTV quan điểm của mình, và chắc chắn nhiều nghệ sĩ cũng như rất đông công chúng sẽ cùng chia sẻ với ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận