08/08/2011 06:01 GMT+7

Khi tình yêu sử rơi vào... hư không

THU HÀ
THU HÀ

TT - Trên Facebook, kiến trúc sư Đoàn Bắc hơn một lần bày tỏ ý định chia sẻ kho tàng ảnh cổ khổng lồ và vô giá về Hà Nội của mình với công chúng: “Tớ có một ước mơ... về cái bảng LED ở chỗ đền Bà Kiệu (góc phố Đinh Tiên Hoàng - Cầu Gỗ ở hồ Hoàn Kiếm) đang bị bỏ phí quá. Nếu lên kế hoạch trình chiếu ảnh Hà Nội xưa của mình thì cực kỳ đẹp.

UXEJrYaW.jpgPhóng to

Hồ Gươm xưa: chụp vào năm 1890. Trên tháp Rùa ở giữa hồ có tượng Nữ thần Tự do mà người VN lúc ấy gọi là tượng “bà đầm xòe” - Ảnh: Đoàn Bắc sưu tầm

Mỗi tuần chỉ cần 10-20 ảnh theo chủ đề (quay vòng hằng ngày), in thêm tờ rơi giới thiệu trước kế hoạch trình chiếu ảnh. Đảm bảo bà con sẽ háo hức xem lắm. Với hàng nghìn ảnh cổ của mình sưu tầm thì có mà trình chiếu hàng năm cũng không hết... Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ thôi...”.

Đoàn Bắc chính là anh bạn trẻ đã tự mình cùng gia đình sưu tầm và tổ chức hàng loạt triển lãm ảnh Ký ức Hà Nội xưa nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (hồi đó lượng ảnh của Bắc mới dừng ở con số 1.280 ảnh). Đã có hơn 100 bài báo viết về Bắc và triển lãm. Bốn trường phổ thông tư thục ở Hà Nội: Việt-Úc, Marie Curie, Lomonosov, Đoàn Thị Điểm đã mời Bắc mang nguyên triển lãm ảnh của mình đến trường bày hàng tuần liền để học sinh chiêm ngưỡng, học và viết thu hoạch.

Bắc hiện còn lưu giữ hàng ngàn trang cảm tưởng của người xem, từ các em học sinh tiểu học 7 tuổi đến các cụ già hơn 80, bỡ ngỡ vì lần đầu tiên nhìn thấy hồ Gươm đầu thế kỷ 20 hay nghẹn ngào xúc động vì nhận ra cha mẹ, họ hàng hoặc ngôi nhà cũ của mình trong các bức ảnh sưu tập của Bắc.

Mời gọi thế giới tới Hà Nội

Liên quan đến bộ ảnh độc đáo về Hà Nội xưa (Ký ức Hà Nội và cha con ông giáo sử, Hà Nội xưa và nay, Tuổi Trẻ ngày 18-7 và 3-10-2010 cùng hơn một chục bộ ảnh theo chủ đề đã được đưa trên chuyên trang Triển lãm ảnh của Tuổi Trẻ Online), một dự án - ước mơ khác được Đoàn Bắc chia sẻ trên Facebook: “Ảnh cổ về cảnh vật, con người và cuộc sống của Hà Nội từ năm 1870 đến 10-10-1954, tớ có hơn 4.000 ảnh sạch bong không phải bưu thiếp. Đang cần ghép thêm ảnh hiện nay (ở size nhỏ thôi) cùng với site định vị trên Google Earth để mời gọi thế giới tới Hà Nội”.

“Nhưng tất cả những điều đó, tôi có một cảm giác rất rõ ràng, vẫn chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo - Bắc nói - Giáo dục lịch sử - trong nhiều hình thức - phải là một việc làm thường xuyên, liên tục và phải có sự chung tay góp sức của cả xã hội chứ không phải chỉ là cố gắng đơn lẻ của một cá nhân, càng không thể chỉ là chuyện “nhân dịp”, có lễ hội, có ngày kỷ niệm thì làm, hết lễ lạt lại im lìm, xếp xó”.

Từ câu chuyện cụ thể của mình, kiến trúc sư Đoàn Bắc liên hệ đến thực trạng chung của xã hội trước các cố gắng của các cá nhân nhằm chia sẻ rộng rãi các giá trị lịch sử - văn hóa: “Sức tôi chỉ có thể tổ chức được 1-2 triển lãm, sau đó tất nhiên phải kêu gọi tài trợ. Nhưng nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp VN đã đóng cửa với tôi. Họ không hiểu tôi có mưu cầu gì trong hoạt động trưng bày ảnh này. Với các quỹ phi lợi nhuận nước ngoài, thậm chí cả các doanh nghiệp nước ngoài thì có vẻ khả quan hơn. Đọc hồ sơ dự án của tôi, họ vui vẻ đồng ý tài trợ ngay. Nhưng giờ chót, lại ngập ngừng đặt một câu hỏi: “Sao ảnh của anh quý thế này mà không một cơ quan nhà nước hay một doanh nghiệp VN nào tài trợ cho anh? Nếu không có một cơ quan VN nào thì chúng tôi rất không tiện đứng ra tài trợ cuộc triển lãm này”.

Một ngân hàng nước ngoài rút lui vào giờ chót cũng với câu hỏi tương tự: “Sao không có ngân hàng VN nào tài trợ dù chỉ là tượng trưng? Chúng tôi rất xin lỗi vì phải từ chối vào phút cuối, nhưng chỉ cần có một ngân hàng VN tài trợ dù chỉ một khoản rất nhỏ, chúng tôi cũng rất vui lòng nhận làm nhà tài trợ chính cho triển lãm rất ý nghĩa này. Chúng tôi làm ăn ở thị trường VN và thật thiếu tế nhị khi chỉ một mình chúng tôi đứng tên trong một hoạt động xã hội như thế này (!)”.

Về bốn cuộc triển lãm vòng quanh các trường học Hà Nội trong một tháng đại lễ cũng vậy, Bắc từng ngạc nhiên và rất buồn khi nhận ra chỉ có các trường tư thục đứng ra mời anh về triển lãm hoàn toàn với tư cách cá nhân, trong khi anh mong muốn và sẵn sàng tặng không cho Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội toàn bộ ảnh triển lãm để đối tượng học sinh được “mục sở thị” những hình ảnh đẹp cổ xưa của thủ đô văn hiến mở rộng ra nhiều lần. Nhưng... cửa vẫn đóng...

Tiếc cho tình yêu vô tư, không vụ lợi của những người trẻ như Bắc và bạn bè anh đã không ít lần rơi vào hư vô...

Mời xem thêm trên TTO những hình ảnh Hà Nội xưa:

Lễ hội dân gian Hà Nội xưaChân dung người Hà Nội xưaBệnh viện, trường học, nhà hát Hà Nội xưaHàng quán và chợ Hà Nội xưaĐền và chùa Hà Nội xưaHà Nội nhìn từ trên caoĐất Kẻ Chợ - 36 phố phườngNghệ thuật Hà Nội xưaTrẻ em Hà Nội xưaBộ ảnh độc đáo về Hà Nội xưa

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên