07/08/2011 04:04 GMT+7

Lên núi Bân và thấy...

NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ

TT - Gần một năm qua, khu vực núi Bân - quảng trường tượng đài Quang Trung đã thành một địa chỉ văn hóa mới của Huế.

NU7fLpXu.jpgPhóng to
Quảng trường Quang Trung bên núi Ngự Bình (Huế) - Ảnh: N.K.P.

Một quảng trường hoành tráng, cùng với tượng đài người anh hùng áo vải oai phong được dựng tại một địa chỉ ưu thế: một bên là Ngự Bình - biểu tượng của Huế, một bên là di tích lịch sử núi Bân - nơi Nguyễn Huệ ngày 22-12-1788 đọc Chiếu lên ngôi và hướng về phương Bắc ra lệnh xuất quân, mở đầu trận đánh lịch sử chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh một cách lẫy lừng.

Chỉ tiếc là ngành du lịch hình như chưa có mấy hướng dẫn viên biết kết hợp đưa khách đến đây, mặc dù từ các lăng tẩm hay từ phía Nam ra đều có đường dẫn thuận tiện đến địa chỉ văn hóa này. “Du khách” thường xuyên nhất là cư dân quanh vùng Trường An; buổi sáng và tối, từng tốp cán bộ về hưu cùng khá đông thanh niên, học sinh í ới gọi nhau lên “Quang Trung” tập thể dục, đá cầu... Đặc biệt, đêm đêm đỉnh núi Bân đã thành nơi hò hẹn tình tự của nhiều đôi lứa.

Giữa những ngày câu chuyện chủ quyền trên biển Đông đang “dậy sóng”, tôi cùng một người bạn nguyên là một lính hải quân, lên quảng trường Quang Trung. Bức tượng người anh hùng đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc vẫn oai nghiêm đứng đó, trường tồn cùng Ngự Bình và núi Bân giữa non sông gấm vóc đất Việt; cũng như những trang sử chiến thắng hiển hách ở Chi Lăng, Đống Đa... Chưa ngắm hết các chiều kích bức tượng hùng vĩ của người anh hùng, bạn tôi đã vội bước tới xem những dòng chữ khắc đậm nét trên mảng phù điêu phía sau bức tượng.

“Nhân nghĩa trung chính là đầu mối lớn lao của đạo làm người, nay trẫm cùng dân đổi mới (...) sẽ cùng dắt dìu dân lên con đường lớn đặt vào đài xuân” (trích Chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung).

“...Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (trích bài Dụ tướng sĩ tại Thanh Hóa trên đường tiến quân đánh quân xâm lược nhà Thanh của Nguyễn Huệ).

Tất cả vẫn nguyên vẹn như ngày khánh thành công trình và tất nhiên là đúng nguyên văn như trong sử sách.

Chợt nghĩ: Nếu biết chăm chút và khai thác thì nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ mới của Huế có sức hấp dẫn đặc biệt. Vì đến đây đâu chỉ để xem cảnh, đâu chỉ dành cho du khách. Nếu như các trường học đưa học sinh lên đây trong giờ học lịch sử để các em tận mắt biết nơi người anh hùng áo vải đã đọc Chiếu lên ngôi trước khi tiến quân ra Bắc quét sạch 20 vạn quân Thanh, thì chắc hiệu quả giờ học sẽ sâu sắc hơn nhiều và mỗi người hẳn sẽ thầm nhủ phải sống cho xứng với tiền nhân đã đổ bao máu và mồ hôi để dựng nước và giữ nước...

Chỉ tiếc là hình như chưa nhà trường nào nghĩ đến việc đó. Và thật tiếc là khi chúng tôi lên đỉnh núi Bân thì cả tứ phía vô số rác rưởi, bao bì nilông vô tư phơi bày trước ánh hồng ban mai ngày một nhiều hơn. Việc xả rác nơi công cộng đã bị phê phán nhiều, xả rác tại một địa chỉ đậm chất văn hóa như khu vực núi Bân - quảng trường tượng đài Quang Trung càng phải lên án nghiêm khắc. Đáng buồn hơn - nếu tôi không nhầm - hầu hết thanh niên hằng đêm lên núi Bân là người có học, là sinh viên, học sinh trung học.

Đáng tiếc!

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên