01/06/2011 08:23 GMT+7

Một thế giới Việt trong một cuốn sách

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - "Cuốn sách này tôi muốn dành cho lớp thanh niên đọc để hiểu hơn về lịch sử và biết cha ông đã sống như thế nào. Ðó cũng là một cuốn sách mở, mỗi người có thể viết thêm vào theo cách mình nghĩ" - tác giả Phan Cẩm Thượng đã nói như thế về Văn minh vật chất của người Việt.

9jVLi5eN.jpgPhóng to

Với giá bán 130.000 đồng (giá bìa 165.000 đồng), rất nhiều người đến dự họp báo mua sách ủng hộ tác giả Phan Cẩm Thượng, một hiện tượng khá lạ so với nhiều cuốn sách nghiên cứu khác - Ảnh: Hoàng Điệp

ZbyfBDxs.jpgPhóng to
Họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng - Ảnh: H.Hương
Nung nấu suốt 20 năm và hoàn thành trong vòng sáu năm, Văn minh vật chất của người Việt dày 664 trang, gồm 959 ảnh, 505 hình vẽ minh họa đã chính thức ra mắt độc giả chiều 31-5.

Không gian của Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội) trở nên quá nhỏ so với lượng người quan tâm đến cuốn sách. Trước giờ ra mắt, khu vực giới thiệu sách của nhà phê bình Nguyễn Quân và họa sĩ Lê Thiết Cương đã không còn ghế trống. Không chỉ giới họa sĩ, phê bình mỹ thuật, đông đảo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa cũng có mặt trong sự kiện này. Hiếm có sự kiện ra mắt sách nào mà độc giả chịu khó nán lại lâu, mua sách và thảo luận "nhiệt tình" như vậy.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về chất liệu cho cuốn sách kỳ công và dài hơi này của mình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nói: "Tôi đã khảo sát rất nhiều nơi, từ đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Thanh Hóa rồi vào đến Nam bộ, từ Việt Nam sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Ở hầu hết các nước, họ làm tốt hơn chúng ta trong việc nghiên cứu văn minh vật chất trong tiến trình lịch sử. Các nước ở khu vực châu Á có sự ảnh hưởng lẫn nhau về mặt cấu trúc và thái độ coi trọng nông cụ. Nhưng ở bảo tàng Mỹ, họ coi trọng máy phát điện hơn chiếc cày. Ðiều đó không đơn giản chỉ là sự trưng bày, nó nói lên một sự thật lịch sử: trong khi những người châu Âu và châu Mỹ có ý thức khám phá và phát minh cái động cơ thì người châu Á vẫn trung thành với việc múc nước bằng gàu, con trâu đi trước cái cày theo sau".

Với Văn minh vật chất của người Việt, từ việc nghiên cứu cái cuốc cái cày, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã làm được một việc mà nhà văn Nguyên Ngọc cũng phải thốt lên: "Ðây là cả một thế giới Việt. Không thiếu bất cứ phương diện nào, suốt trường kỳ lịch sử".

HÀ HƯƠNG

Cảm nhận về đời sống người Việt

* Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: Văn minh vật chất của người Việt là một cuốn sách lạ, vì loại sách này chưa từng có ở Việt Nam. Đó là một cuốn sách hay, đọc lôi cuốn dù khá dày. Nhưng đồng thời cuốn sách có giá trị khoa học cao. Đấy cũng là cảm nhận của tôi về con người tác giả. Cuốn sách cho chúng ta một cảm nhận về đời sống người Việt, vừa cụ thể vừa bao quát. Đó là một ngày của người Việt, nhưng cũng là 100 năm, cũng là một nghìn năm người Việt sống.

* Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đây là một cuốn sách quá quan trọng, trước đó chưa từng có ai nghĩ đến việc viết một cuốn sách như thế này. Một cuốn sách về đồ dùng hằng ngày của người Việt, trải dài trong suốt tiến trình lịch sử từ Đông Sơn đến áo dài Cát Tường 1930. Nghiên cứu lịch sử, văn hóa hay bất cứ điều gì đều phải gợi lên được những suy nghĩ cho ngày hôm nay. Nếu đọc kỹ sẽ thấy những dòng “Than ôi!” được viết khi kết thúc cuốn sách. Tác giả nói: Tôi ngồi uống nước chè ở vỉa hè, nhìn dòng người hối hả chạy theo những nhu cầu vật chất mà không có văn minh. Cả một xã hội đầy vật chất nhưng thiếu văn minh, và bạn nên nhớ tên cuốn sách là Văn minh vật chất của người Việt.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên