15/05/2011 08:05 GMT+7

An "Tây" mê tiếng Việt

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Tên đầy đủ của “nàng” là Andrea Aybar nhưng từ lâu lắm rồi, “nàng” đã quen được bạn bè và hàng xóm gọi bằng cái tên tiếng Việt rất đỗi thân thương, giản dị: An!

O5jbiZlj.jpgPhóng to

Andrea Aybar - Ảnh: T.T.D.

Nếu ai từng gặp An, có lẽ không khỏi “bật ngửa” vì khả năng nói tiếng Việt quá tốt của cô. Không phải là chất giọng lơ lớ của những người đang cố học tiếng Việt, An nói tiếng Việt ngọt và trong veo như một cô gái Hà Nội chính gốc. An cười bẽn lẽn: “Em là người Việt Nam mà!”.

Đã nhiều lần Nam tiến để đi chơi cùng đoàn người mẫu Venus - công ty An đang đầu quân và rèn luyện cho ước mơ người mẫu của mình, nhưng tối 15-5 sẽ là lần đầu tiên An có mặt trên sàn catwalk với tư cách người mẫu cùng các đàn chị khác trong chương trình Đêm hội chân dài lần 5, diễn ra lúc 20g tại Trung tâm giải trí số 5 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM.

Gọi em là Nguyễn Thị An

Nhìn An xinh xắn với vẻ đẹp đậm chất Latin, nghe An thánh thót tiếng Việt ai cũng nghĩ cô là một “bông hồng lai” nào đó. Nhưng An là một người “thuần”... Tây Ban Nha (vì cả bố và mẹ đều là người Tây Ban Nha).

Sang Việt Nam từ năm 8 tuổi, ký ức về quê hương trong trí nhớ của An không đậm nét, An kể: “Khi bố bảo bố con mình đến Việt Nam ở nhé, em và cậu em trai chỉ ngơ ngác nhìn nhau: Việt Nam là cái gì? Việt Nam ở đâu? Việt Nam “tròn méo” như thế nào?... Và rồi sau mười ngày chính thức đặt chân đến Việt Nam, cả hai đứa đều nói với bố: Thôi bố ơi, ở lại đây luôn đi, đừng về nữa. Và em đã ở Việt Nam đến tận bây giờ”.

Không như nhiều bạn trẻ nước ngoài khác, tiếng Việt đến với họ từ trường lớp, từ những người thầy; tiếng Việt đến với An và cả cậu em trai rất tự nhiên, từ cuộc sống và những người hàng xóm quanh nhà. Mười tuổi mới bắt đầu vào học lớp 3, An khiến tất cả thầy cô, bạn bè đều... choáng váng khi nói tiếng Việt thuần thục như một cô gái bản địa. Nhớ những ngày đầu tiên mới bước chân vào trường, ai cũng nhìn ngó, chỉ trỏ, thầy cô thì lúc nào cũng “ưu tiên” lên... trả bài vì cái tên quá ngộ của An.

“Mỗi lần kêu lên trả bài, thầy cô lại gọi em bằng một cái tên khác, lúc thì mời bạn Andrea, lúc thì Andrêy, Andrét... Cuối cùng bạn em quyết định rút gọn lại thành An cho dễ nhớ. Sau này mỗi khi có ai hỏi em tên gì, em đều bảo em tên Nguyễn Thị An - kiểu lót chữ “thị” rất đặc trưng mà em thấy người Việt Nam hay đặt cho con gái” - An hồn nhiên chia sẻ.

Có lẽ An là người nước ngoài hiếm hoi học tiếng Việt mà không bao giờ cần từ điển, bởi ngôn ngữ kỳ diệu ấy cứ thấm vào cô bé từ từ như một mạch nước ngầm trong trẻo. Tình yêu dành cho ngôn ngữ của An càng được minh chứng rõ ràng khi đi học - học tốt các môn xã hội, đặc biệt là văn và sử.

Mê đọc thơ Tố Hữu, mê đọc truyện cổ tích Việt Nam và mê tất cả những món ăn Việt Nam, An có thể nghiền ngẫm từng bài thơ và phân tích ra đủ các tầng ngữ nghĩa, lang thang đến mọi ngóc ngách của Hà Nội để ăn hàng (trừ hai món: thịt chó mắm tôm và... lòng lợn tiết canh) và lúc rảnh rỗi cũng có thể ngồi hàng giờ “chém gió” (theo đúng lời của An) và tám đủ chuyện trên đời!

An reo lên trong sung sướng khi “bật mí”: “Chỉ ba tháng nữa thôi em sẽ chính thức có quốc tịch Việt Nam vì em có mẹ nuôi người Việt mà. Việc đầu tiên sau khi có quốc tịch Việt là em sẽ đi làm chứng minh nhân dân ngay để mỗi khi có ai hỏi: “Cô Tây kìa?”, em sẽ tự tin đưa chứng minh nhân dân ra và nói với họ rằng: cháu là người Việt Nam “chính gốc” đấy ạ”.

Mùa hè thứ 16 của An

Có một niềm đam mê mãnh liệt với ngôn ngữ nên An thường chia túi thời gian của mình thành những “khoảng” nhỏ để có thể thỏa mãn tối đa sở thích này. An có thể nói rành rọt tiếng Việt, Anh, Tây Ban Nha, hè này An đang tiếp tục thử sức với tiếng Trung và Pháp. Không chỉ thích thú với những con chữ, An còn là “cây cầu” mang tiếng Việt và những phong tục đậm chất Việt vào ngôi nhà của chính mình.

An kể: “Bố An sống ở đây đã lâu nhưng không có khiếu tiếng Việt, An toàn phải làm phiên dịch tiếng Việt cho việc kinh doanh của bố. Ở nhà An vẫn nói tiếng Tây Ban Nha, có hôm mấy bố con chuẩn bị ăn cơm, An mời bố ăn cơm bằng tiếng Tây Ban Nha, bố tròn mắt hỏi “Sao vậy?”, An chỉ biết cười bảo: Đây là phong tục của người Việt Nam, bố nhập gia thì phải tùy tục đi”.

Ngôi nhà chỉ có ba bố con nên bếp núc thường nguội lạnh. Nhưng không còn lâu nữa, “hoàn cảnh” này sẽ chấm dứt khi có một người phụ nữ Việt chính thức bước vào với vai trò mẹ của An. An bảo: “Mẹ dạy cho An nhiều điều, nhất là tập cho An nấu những món ăn Việt Nam. An đã học nấu canh chua, cá kho...để sau này không có mẹ ở bên mà bỗng dưng lên cơn thèm thì vẫn có thể tự nấu để thưởng thức”.

Mùa hè không phải đến trường, nên cô bé cao 1,72m này lại có đủ thời gian để toàn tâm cho công việc người mẫu của mình. Ai cũng có đam mê và mơ ước, đối với An, mơ ước ấy chỉ gói gọn trong ba điều: ở Việt Nam suốt đời, học ngoại ngữ thật tốt và trở thành một người mẫu có tâm trong tương lai gần.

Đó là một học sinh Việt Nam

Cô giáo Nguyễn Tường Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A11 (Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội), đã nhận xét như vậy khi nói về An: “Lần đầu tiên lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh nước ngoài, nên ban đầu tôi rất lúng túng trong việc ứng xử với em, ví như chuyện mặc đồng phục hay đeo khăn quàng đỏ. Tuy nhiên, khi gặp gỡ, tiếp xúc với An, tôi lại bị chính em thuyết phục khi em nói: “Em là người Việt Nam”. Chỉ trừ chiều cao và hình thức của em có khác biệt so với các bạn cùng lớp, còn lại trong việc học hành, ý thức chấp hành kỷ luật... em chẳng có gì khác biệt so với các học sinh khác. Vì em sống ở Việt Nam đã lâu, từ khi là học sinh lớp 1 đến nay nên tiếng Việt của em rất tốt. Sự hiểu biết về xã hội và am hiểu văn hóa xung quanh của An khiến tôi ngạc nhiên. Ví như có lần tôi nghe cuộc nói chuyện của em với một vị phụ huynh khác (là họa sĩ), thì những kiến thức về hội họa khi An nói đến khiến tôi rất khâm phục bởi không phải học sinh nào ở lứa tuổi ấy cũng có sự hiểu biết sâu và rộng như vậy”.

Còn cô Đỗ Kim Oanh, giáo viên dạy văn Trường THCS Chu Văn An, rất ấn tượng với một bài văn của An khi em kể về việc chuyển đến Việt Nam sinh sống cùng với em trai và bố. “Đó là một bài văn rất xúc động. Tuy nhiên, vì bài có một lỗi chính tả nên tôi chấm cho em điểm 8. Nhưng cũng từ bài văn này tôi hiểu em hơn và thường xuyên có những chia sẻ giữa cô và trò. Đối với môn văn (mà phần lớn là văn học Việt Nam), tôi thấy An có một thái độ học tập và cảm thụ văn học rất nghiêm túc”.

Hoàng Điệp

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên