14/05/2011 12:14 GMT+7

Giám khảo cũng phải diễn

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TT - Chưa bao giờ câu chuyện về giám khảo lại sôi nổi như hiện nay, đặc biệt là trong các cuộc thi liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật. Lấy cột mốc từ năm 2007 khi cuộc thi Việt Nam Idol lần đầu tiên được tổ chức trong nước cũng là thời điểm xuất hiện một mô thức ban giám khảo tạm gọi là mới (cũ người mới ta) trong làng giải trí.

8K4jbtPs.jpgPhóng to
Ban giám khảo của cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2011, từ trái qua: nhạc sĩ Trần Tiến, vũ công Khánh Thi, nhạc sĩ Đức Huy và vũ công Chí Anh - Ảnh: Tiến Thành

Trước đây, các cuộc thi âm nhạc khác như Sao Mai (VTV), Tiếng hát truyền hình (HTV) đều có ban giám khảo.

Họ là những người được chọn lựa kỹ càng để đưa ra nhận xét và chấm điểm, kết quả cuối cùng cũng chính họ quyết định. Nhưng bắt đầu từ năm 2007, khi ba vị giám khảo là ca sĩ Siu Black, nhạc sĩ Tuấn Khanh và nhạc sĩ Hà Dũng được “xây dựng” với ba tính cách khác nhau cũng là lúc ban giám khảo đã không còn được hiểu như ý nghĩa tự thân của nó.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những nhận xét đậm nét cá tính của ba vị giám khảo này. Càng về sau, chính cá tính đó lại tạo nên sức hút cho cuộc thi. Dù vô tình hay cố ý, vai trò của ban giám khảo đã thay đổi và trở thành một nhân tố lôi kéo người xem.

Điểm lại tính cách của từng vị giám khảo xuyên suốt ba mùa giải Việt Nam Idol, ngay cả Sao Mai điểm hẹn, Bước nhảy hoàn vũ đều thấy có đủ các trạng thái: khó tính, ôn hòa và hài hước. Để hoàn thiện ba “vai diễn” ấy không đơn giản chút nào. Vì tự thân mỗi vị giám khảo đều sẵn có trong mình sự kiêu hãnh về thương hiệu, tri thức lẫn danh tiếng, hơn nữa tính “trung thực” cũng cần thiết để mang đến sự công bằng cho cuộc thi.

Thực tế những cuộc thi gần đây chỉ ra rằng các vị giám khảo không còn được nói thoải mái theo cách của mình. Họ dường như được định sẵn trong “khuôn mẫu” phát ngôn “tạo màu”, gây chú ý là chính. Vậy có bao nhiêu phần trăm sự chân thành trong những chia sẻ (dù nghiêm khắc đòi hỏi hay vỗ về động viên) với các thí sinh? Những cơn mộng tưởng lại tạo ra và liệu khán giả có được “dẫn đường” hay chỉ thỏa mãn phía ban tổ chức, nhà tài trợ?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã có lần bộc bạch với báo chí khi anh từ chối vai trò giám khảo trong mùa Việt Nam Idol thứ 2: “Tôi từ chối vai trò giám khảo và thật lòng áy náy khi ban tổ chức hết sức nhiệt thành mời gọi. Thật lòng khi ngồi ở những nơi đó, tôi nhìn thấy sự ganh tị, ảo vọng của giới đồng nghiệp và ngao ngán lắm...”. Điều đặc biệt dễ nhận ra là ban giám khảo của các cuộc thi thường là nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ..., do đó việc khán giả ít nhiều kỳ vọng về hình ảnh đẹp của họ trước công chúng là không tránh khỏi.

Sau những đêm đầu cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2011, nhạc sĩ Trần Tiến đã nhận không ít lời khen lẫn chê bai bởi những nhận xét bộc trực hoặc phản cảm của mình. Và nhạc sĩ quyết định “dừng cuộc chơi” trước đêm thi thứ tư vào ngày 15-5. Chính nhạc sĩ Trần Tiến đã chia sẻ với báo chí gần đây: “Có lẽ “thằng” ngu nhất chính là “thằng” chọn nghề làm giám khảo. Có phải mình chấm thí sinh đâu mà khán giả chấm mình đấy chứ”.

Khán giả cũng đang chấm giám khảo, nên như mọi thí sinh ca hát hay nhảy múa khác, giám khảo cũng phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận. Họ không chỉ phải nói mà đôi khi phải “diễn” để có được hình ảnh một vị giám khảo tròn vai. Chịu sự chi phối từ nhiều phía - nhà đài, nhà tài trợ, khán giả và chính mình, các vị giám khảo phải làm sao để đưa ra những phát ngôn vui vẻ và chuẩn xác (vì sự phát triển của nghệ thuật nói chung) là điều không đơn giản và cần sự cẩn trọng.

Xem thí sinh và xem giám khảo

Không phải ngẫu nhiên mà những cuộc thi nghệ thuật mang tính truyền hình thực tế tại Anh, Mỹ thành công, bán được bản quyền đi nhiều nước. Người xem không chỉ chiêm ngưỡng tài năng thí sinh mà còn thưởng thức sự uyên bác, dí dỏm, thông minh của giám khảo. Để đáp ứng được điều này, những người ngồi ghế nóng vừa hiểu biết về chuyên môn, định hướng cho khán giả - giúp thí sinh hoàn thiện phần thi của mình, vừa phải có thế mạnh trong giao tiếp, sao cho cuộc thi vừa có kịch tính vừa đảm bảo được yếu tố tự nhiên, thực tế.

Ở cuộc thi American Idol, thành phần giám khảo trước hết là những người có nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến âm nhạc như: nhà sản xuất (Simon và Randy), nữ hoàng truyền hình (Paula), cả người dẫn chương trình Ellen (được xem là “ngoại đạo”, cũng là người đồng hành từ những mùa đầu tiên của cuộc thi), đồng thời đều là những người có thế mạnh nhất định trong việc pha trò, đối đáp, tạo kịch tính cho cuộc thi. Dancing with the stars xuất phát từ Anh có giám khảo là những vũ công, biên đạo múa nổi tiếng (những mùa thi về sau lại có nghệ sĩ là người chiến thắng trong những mùa thi trước) đều là những “ngôi sao duyên dáng” trong ăn nói trước công chúng...

Ở Việt Nam, người xem truyền hình cũng rất thích Siu Black trong vai trò giám khảo của Việt Nam Idol. Có thể nói vị giám khảo “nặng ký” này là người hiếm hoi có đủ tố chất một giám khảo của “truyền hình thực tế”: giỏi chuyên môn, diễn đạt bằng ngôn ngữ không quá hoa mỹ, giàu cảm xúc, tự nhiên...

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên