TT - LTS: Xung quanh câu chuyện còn chưa ngã ngũ giữa các bên liên quan về việc phí tác quyền âm nhạc tăng 100% (Tuổi Trẻ ngày 6 và 7-5), nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này. Tuổi Trẻ chuyển đến bạn đọc như một ý kiến để tham khảo.
Tác quyền, không chỉ chuyện tiềnTăng phí tác quyền: chưa ngã ngũ
Dư luận báo chí những ngày qua đưa nhiều thông tin về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là trung tâm) đề nghị Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (gọi tắt là hiệp hội) tăng tiền ghi âm một ca khúc từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng. Hiệp hội không đồng ý bởi nhiều lý do khác nhau. Hai bên chưa tìm được tiếng nói thỏa thuận.
Trong mười năm qua, gần như toàn bộ nhạc sĩ hội viên Hội Nhạc sĩ và nhiều nhạc sĩ chưa vào hội đều đã ký hợp đồng ủy thác cho trung tâm thu tiền tác quyền ca khúc từ các nguồn về cho mình. Việc làm này là cần thiết bởi cá nhân nhạc sĩ không thể liên hệ được tất cả các nơi sử dụng tác phẩm của họ. Cho nên phải nói trung tâm là một tổ chức có tính pháp nhân, là đơn vị đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đông đảo nhạc sĩ.
Cũng trong mười năm qua, thù lao mà các hãng băng đĩa thuộc hiệp hội trả cho một ca khúc của nhạc sĩ được thu âm là 500.000 đồng. Con số này chưa bao giờ được thể hiện trên văn bản hợp đồng mà chỉ là thông lệ chung của các hãng băng đĩa trả cho nhạc sĩ. Các hãng băng đĩa thường không liên hệ với nhạc sĩ trước để bàn bạc mà chỉ khi nào thu xong (hoặc phát hành) mới thông báo qua điện thoại cho nhạc sĩ biết. Vì thế, chuyện trả 500.000 đồng đặt nhạc sĩ trước tình trạng đã rồi. Thực tế có nhạc sĩ không chịu nhận thù lao và phát sinh chuyện sứt mẻ mối quan hệ. Cũng có nhạc sĩ không nhận được tiền tác quyền vì không biết liên hệ với cá nhân nào có trách nhiệm chi trả.
Việc trả và cách chi trả số tiền như thế là chưa công bằng đối với nhạc sĩ. Mà cái gì chưa công bằng thì chúng ta phải giúp đưa nó lại gần với công bằng.
Cho nên việc trung tâm đề nghị tăng phí tác quyền ca khúc lên 1 triệu đồng là một đề nghị phù hợp với thực tế. Còn khó khăn về chi phí thực hiện chương trình cao, đầu ra của băng đĩa khó phát hành là khó khăn chung của hoạt động kinh doanh văn hóa. Cái khó đó đâu phải có từ chuyện tăng phí tác quyền âm nhạc gây ra?
Có ý kiến cho rằng trong trường hợp không thỏa thuận được, các hãng băng đĩa sẽ trở lại tình trạng trực tiếp chi trả tác quyền cho nhạc sĩ. Làm sao có thể thực hiện điều này khi hầu hết nhạc sĩ đều ủy thác cho trung tâm làm đầu mối duy nhất trong việc thu và trả tác quyền âm nhạc cho họ? Một nhạc sĩ ở TP.HCM dù lãng mạn bao nhiêu cũng không thể trực tiếp đi đến một đài truyền hình ở Tây Bắc hay tận cùng đồng bằng sông Cửu Long để nhận tác quyền vài ba chục ngàn đồng một bài hát. Họ phải nhờ đến đầu mối trung tâm thu và chấp nhận tỉ lệ chiết khấu 5-25% (tùy khu vực sử dụng).
Chúng ta không thể khuyến khích nhạc sĩ xé lẻ để trực tiếp nhận tiền tác quyền. Ðiều này còn dẫn đến một điều đáng buồn khác là có nhiều nhạc sĩ sẽ không nhận được tiền tác quyền bởi... các hãng băng đĩa không biết họ ở đâu!
VŨ ÐỨC SAO BIỂN(hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận