Phóng to |
Việc tăng giá tác quyền có ảnh hưởng đến lượng băng đĩa được sản xuất và tiêu thụ? - Ảnh: T.T.D. |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định lại một lần nữa về quan điểm của trung tâm khi đưa ra “Biểu giá thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc” mới: “Giá cũ tồn tại đã gần 10 năm, vật giá leo thang, nhiều hàng hóa đã trượt giá đến 200-300%, tất nhiên bài hát không phải mớ rau con cá nhưng cũng là một loại hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt phải chịu sự điều tiết, chi phối của thị trường. Chúng tôi là cơ quan thuộc Hội Nhạc sĩ, và chúng tôi làm tất cả để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người sáng tác. Làm ăn kiểu RIAV có lẽ đã không còn hợp thời nữa, lượng băng đĩa của họ giảm không phải do chúng tôi tăng giá tác quyền”.
Đã hết thời các băng đĩa tổng hợp?
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói: “Dù không hưởng lợi trực tiếp từ trung tâm nhiều lắm vì lâu nay tôi vẫn tự bán bài hát của mình và tự sản xuất đĩa cho mình, nhưng tôi thấy việc tăng giá tác quyền là đương nhiên. Giá tác quyền lâu nay quá thấp, không thể lấy việc băng đĩa bị in lậu để bào chữa cho việc trả bản quyền thấp. Như vậy hóa ra người ngay phải lụy kẻ gian hay sao? Họ không hiểu hay cố tình không hiểu giá bản quyền một bài hát lần đầu của tôi lâu nay đã là 10-20 triệu đồng, những ca sĩ nào muốn biểu diễn và thu âm sau đó thì trả qua trung tâm, mà tôi còn chưa phải ở vào hàng những nhạc sĩ ăn khách nhất đấy. Tôi chỉ thấy buồn cười cho tâm lý: cứ cái gì miễn phí hoặc trả rẻ được thì mới coi là “có tình”, còn nhạc sĩ hễ lên tiếng đòi quyền lợi thì luôn bị coi là “không biết điều”.
Thực tế hơn, biên tập viên Chu Minh Vũ - người biên tập nhiều chương trình ca nhạc như Con đường âm nhạc, Không gian âm nhạc - cho rằng: “Tôi làm biên tập nhiều đĩa cho ca sĩ, tôi biết các ca sĩ từ lâu phải trả cho nhạc sĩ mà họ trực tiếp liên hệ cái giá cao hơn giá trung tâm đang đề xuất. Đơn cử như CD Trịnh Công Sơn của Hiền Thục, chúng tôi đã phải trả tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 2 triệu đồng/bài, và gia đình vẫn thu như vậy từ lâu nay. Một nhạc sĩ đang ăn khách như Hải Phong, giá cho một bài hát lần đầu hiện không bao giờ dưới 1.000 USD. Ca sĩ và nhà sản xuất hoàn toàn có thể lựa chọn cách mua tác quyền theo tính toán của mình: đợi có ca sĩ trẻ mua trước, hát trước rồi mình mua lại, hát sau với giá rẻ, chỉ 1-2 triệu đồng/lần thu; còn nếu xác định phải độc quyền thì mua độc quyền, giá rất cao”.
Chu Minh Vũ nói thêm: “Vấn đề là ở chỗ càng ngày các album tổng hợp kiểu mỗi ca sĩ hát một bài càng trở nên không hợp thị hiếu khán thính giả. Khán giả đã quen xài hàng “độc”, thửa riêng của từng ca sĩ từ gần chục năm nay. Khán giả không thích thì lượng băng đĩa tiêu thụ thấp xuống, chứ thật ra tiền tác quyền nhạc sĩ chưa thấm vào đâu so với catsê ghi âm của ca sĩ, nhất là ca sĩ hạng sao”.
Đừng để đến nỗi “trạng chết chúa cũng băng hà”
Tuy chung một nỗi lo lắng vì giá bản quyền tăng, nhưng ông Phạm Đông Hồng - nhà sản xuất của Thăng Long Audio - thừa nhận: “Đồng ý là giá cả cái gì cũng lên và giá bản quyền lên cũng là hợp lẽ, nhưng quả thật với một hãng nhỏ, chuyên phục vụ là chính như chúng tôi, tăng giá tác quyền cũng là vấn đề đau đầu. RIAV nói ngưng sản xuất là nói thế thôi chứ chúng tôi ngưng làm sao được. Vấn đề là phải ngồi lại thương thảo với nhau, đừng để đến nỗi “trạng chết chúa cũng băng hà”. Quan hệ của nhà sản xuất với nhạc sĩ là quan hệ cộng sinh, phải dựa vào nhau mà sống”.
Rất thận trọng với lý do “đang đi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN cho biết: “Hội Nhạc sĩ VN chưa phát biểu quan điểm chính thức về vụ việc này, vì cần có một cuộc họp “ba mặt một lời với cả RIAV và VCPMC” (một cuộc họp do RIAV tổ chức diễn ra chiều nay 6-5 tại TP.HCM - NV). Hội sẽ luôn nhìn nhận vấn đề trên lợi ích cộng đồng và quyền lợi của các nhà sáng tạo. Trong vụ việc phức tạp này cũng vậy, Hội Nhạc sĩ sẽ vào cuộc khi có sự thống nhất của cả ban chấp hành, và hội đã làm là làm đến nơi đến chốn như vụ đòi tác quyền âm nhạc trên máy bay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên trước khi để pháp luật lên tiếng, cần nhìn sự việc không chỉ là tiền mà còn là ứng xử văn hóa vì lợi ích chung của cộng đồng”.
Ý kiến các bên liên quan * Nhiều ca sĩ: Đầu tư tối thiểu, giá album vẫn không rẻ hơn Nhiều ca sĩ (xin giấu tên) cho biết phần lớn hãng hiện nay chỉ phát hành chương trình (album) mới vào các dịp lễ lạt hay những sự kiện đặc biệt. Với những album tổng hợp được tung ra trong những ngày lễ thường niên thì hầu hết đều dùng lại các bản ghi âm cũ nhưng được sắp xếp, biên tập lại cho mới hơn. Trong trường hợp này, tác quyền được trả đúng quy định (500.000 đồng/bài) và các ca sĩ được trả thù lao vài trăm ngàn đồng (tùy hãng). Với những bản thu mới, tác quyền vẫn đúng quy định và thù lao ca sĩ thường 1-2 triệu/đồng/bài. Dù được đầu tư ở mức tối thiểu như vậy, các album đó cũng có giá bán không rẻ hơn những album do các ca sĩ tự làm là mấy, trung bình 35.000-50.000 đồng/đĩa. Nhiều chương trình được bán với giá rẻ hơn (25.000-35.000 đồng/đĩa) nhưng không vì “giá cạnh tranh” mà bán được nhiều hơn. Vẫn là chuyện thuận mua vừa bán - Chúng tôi đồng ý việc VCPMC tăng phí tác quyền trong thời điểm này. Tuy nhiên, tăng 100% là quá nhiều. Công ty đề xuất mức tăng chỉ khoảng 20% và có thể tăng dần theo thời gian để không tạo hụt hẫng cũng như khó khăn cho các hãng. VCPMC cũng nên bàn bạc và thông báo trước với các thành viên của RIAV trước khi tăng phí nhằm tạo thuận lợi, dễ dàng trong công việc hơn cho cả đôi bên. Tác quyền vẫn là chuyện thuận mua vừa bán. Việc tăng phí tác quyền rõ ràng mang lại cái lợi trước mắt cho các tác giả. Tuy nhiên việc các tác phẩm có được lưu hành, giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu nhạc trong và cả ngoài nước hay không cũng nhờ các hãng đã làm công việc sản xuất và phát hành. VCPMC gây khó khăn và tạo áp lực cho RIAV sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến mình. Tăng phí là hoàn toàn hợp lý - VCPMC tăng phí tác quyền vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý bởi mức phí cũ đã quá “lỗi nhịp” so với mặt bằng chung. Bản thân tôi không chỉ là một tác giả mà còn là một nhà sản xuất nên tôi hiểu và thông cảm được vấn đề của cả hai bên. Với cương vị nhà sản xuất, hai ba năm qua trong một vài chương trình mà công ty cần dùng bài của các nhạc sĩ khác, chúng tôi đều chủ động gửi thêm phí tác quyền cho họ bên cạnh mức 500.000 đồng/bài theo quy định dù các nhạc sĩ không yêu cầu. Tôi nghĩ như thế mới tạm xứng với công sức mà các nhạc sĩ đã bỏ ra. |
___________________
Tiến sĩ Trần Chiến Thắng - nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, người liên tục nhiều năm phụ trách mảng thị trường văn hóa, trực tiếp chỉ đạo soạn thảo dự luật bản quyền và tổ chức rất nhiều hội thảo về tác quyền những năm vừa qua, đồng thời là đương kim chủ tịch RIAV - nêu ý kiến cho thấy sự tiến thoái lưỡng nan của cả ba bên (bên thứ ba chính là cơ quan chức năng): “Vụ việc này cũng là bình thường trong cơ chế thị trường. Bên bán thì cứ tăng giá, bên mua thấy đắt thì không mua nữa. Luật chỉ tạo khung, cơ quan quản lý nhà nước không thể tác động bằng hình thức ra lệnh hay xử phạt, còn quan hệ hai bên là quan hệ dân sự, hoàn toàn do thị trường điều tiết”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận