TT - 457 câu hỏi cho một buổi giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online về phim Việt (bao gồm cả điện ảnh và truyền hình) đã cho thấy độ nóng của sự bức xúc được khởi nguồn từ bài viết "Phim Việt liên tục gây thất vọng" (Tuổi Trẻ ngày 18-4).
Xem nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Phóng to |
Dù có mặt danh hài Hoài Linh (giữa) nhưng bộ phim Nợ đa tình (đang chiếu trên HTV7) đã khiến không ít khán giả ngán ngẩm - Ảnh tư liệu |
Các vị khách mời của buổi trao đổi trực tuyến đều là người trong nghề như ông Lê Ngọc Minh - phó cục trưởng Cục Ðiện ảnh VN, nhà biên kịch Thùy Linh - thành viên hội đồng duyệt phim của VTV, đạo diễn Lê Cung Bắc, đạo diễn Ðinh Ðức Liêm, nhà báo Lê Hồng Lâm có lẽ đã rất bất ngờ trước "núi" câu hỏi của khán giả dồn dập đổ về, cho thấy dù thường bị chê là dở, phim ảnh vẫn có được sự quan tâm rất lớn.
Khán giả đang bị phản bội?
Nhìn vào các câu hỏi từ phía độc giả, có thể thấy đa số là khán giả của phim truyền hình với những ấm ức từ việc trong thời gian qua các kênh "chính thống" của VTV liên tục phát các bộ phim dở vào "giờ vàng" mà hai ví dụ được đưa ra là Xin thề anh nói thật cùng Anh chàng vượt thời gian.
Mời tham gia diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” Tuổi Trẻ Online tiếp tục mở diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” với mong muốn nhận được những bài viết thẳng thắn mổ xẻ tình trạng hiện nay của cả điện ảnh lẫn truyền hình VN, qua đó đưa ra những gợi ý nâng tầm chất lượng phim Việt. Bài viết gửi về tto@tuoitre.com.vn; tiêu đề ghi Diễn đàn phim Việt. Bài viết không quá 1.000 chữ, dưới bài vui lòng ghi đầy đủ thông tin cá nhân để tòa soạn tiện liên hệ. Tham khảo thêm trên tuoitre.vn. |
Rất nhiều vấn đề của phim truyền hình đã được thẳng thắn mang ra chất vấn như: Kịch bản phim của VN không có chất lượng tốt để tạo thành phim hay? Có quá nhiều ca sĩ, người mẫu được mời đóng phim vì họ nổi tiếng và đẹp? Liệu có phải cứ có chút danh tiếng và một chút hiểu biết về điện ảnh, cộng thêm một chút vốn và một đề tài là có thể làm đạo diễn?
Và cũng có câu hỏi bất ngờ làm khách mời phải lúng túng như của độc giả Lê Thanh Mai (50 tuổi): Tại sao lời thoại, vốn không tốn tiền và là một trong các điểm quyết định của một bộ phim, thế nhưng trong phim Việt (kể cả của hai đạo diễn) không được khắc phục cho chân thật hơn và súc tích hơn? Hay như câu hỏi của độc giả Bùi Ðức Thành (43 tuổi): Phim của Ðinh Ðức Liêm dạo trước rất hay, như Người đàn bà yếu đuối, Ðồng tiền xương máu... nhưng sao dạo gần đây phim của anh ngày càng nhảm và dở?
Ðạo diễn Ðinh Ðức Liêm (đạo diễn Nợ đa tình, đang chiếu trên HTV7) đã phải thừa nhận: "Cũng do nhu cầu đổi mới mình mà tôi nhận làm nhiều thể loại, đặc biệt là thể loại hài. Tôi nghĩ hài là một thể loại phim cực khó và khó có thể thành công. Bản thân thể loại này cũng mang tính dễ dãi, bất thường và có chút gì đó nhảm nhí, có vậy mới tạo được hiệu quả hài...".
Nhiều khán giả bức xúc cho rằng họ đã yêu phim Việt nhưng lại bị phản bội bởi các phim dở làm ẩu. Mang tiếng chiếu vào "giờ vàng" để cổ vũ cho phim Việt nhưng chính chất lượng phim đáng thất vọng trong thời gian gần đây trên sóng truyền hình đã khiến khán giả đặt tên các phim đó là phim 3D (dài, dai, dở), còn "giờ vàng" thành "giờ nhàm"!
Trình độ "phim trí" đang khá lên từng ngày
18 phim truyện và hơn 5.000 tập phim truyền hình trong năm 2010 là con số mà ông Lê Ngọc Minh đưa ra trong cuộc giao lưu, đó là hiệu quả của việc xã hội hóa điện ảnh cũng như truyền hình. Tuy nhiên không phải lúc nào chất lượng cũng đi cùng số lượng.
Ðiện ảnh, như nhà báo Lê Hồng Lâm nói: "Xem được một bộ phim Việt hay luôn "đã" hơn nhiều (so với việc) xem một bộ phim nước ngoài hay. Nhưng chúng ta thì đang bội thực phim dở, thậm chí là dở quá mức tưởng tượng. Nhiều bộ phim làm chiếu tết không khác gì tấu hài phường mà tôi thường cảnh báo đùa với bạn bè là nên "mang theo túi nôn" khi vào rạp. Tôi thì không mấy bi quan, bởi những cái dở tự nó sẽ đào thải, vì trình độ "phim trí" của khán giả đang khá lên từng ngày. Cái đang thiếu hiện nay của điện ảnh Việt là phim hay".
Còn với phim truyền hình, nhà biên kịch Thùy Linh khẳng định: "Chiếu vào giờ vàng sẽ có một lượng lớn khán giả quan tâm và họ sẽ là những nhà phê bình, giám sát, phản biện để giúp các nhà làm phim hoàn thiện hơn. Cho nên tôi hi vọng các nhà làm phim sẽ không để khán giả phải nói rằng "bắt" họ xem phim vào giờ vàng".
Khi khán giả nhìn nhận khán giả Độc giả Ngọc Hưởng (32 tuổi) phản ứng: “Tôi thấy khán giả chê đạo diễn, diễn viên thì rất dễ, nhưng đôi khi khán giả không biết tự chê mình. Ví dụ như nên nhìn lại xem trình độ thẩm mỹ của mình tới đâu, mức am hiểu về điện ảnh là như thế nào khi hiện nay nhiều bạn đọc còn chưa phân biệt được sự khác nhau của phim điện ảnh lẫn phim truyền hình”. Nhà báo Lê Hồng Lâm đã rất đồng ý với quan điểm này khi trả lời: “Đúng là chê thì rất dễ và chê phim VN dở thì còn dễ nữa. Chính thiên kiến này khiến nhiều người hầu như không xem phim Việt nhưng mở miệng là chê, mà chê bai rất cảm tính. Nhiều bộ phim dở bị chê đã đành, nhiều bộ phim hay cũng chịu chung số phận. Tôi nghĩ phim ảnh đến với khán giả trước hết bằng cảm xúc, sau mới đến lý trí. Nhưng có những bộ phim xem chỉ để giải trí, và có những bộ phim khiến khán giả phải lao động trí óc để thẩm thấu chúng”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ngán ngẩm với Anh chàng vượt thời gianPhim Việt liên tục gây thất vọngSản xuất phim manh mún, nghiệp dưPhim truyền hình Việt không hay: thoại dở, diễn viên cùn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận