Trôi vào hư vô (*) là tên gọi của niềm thảng thốt dành cho những nạn nhân trong trận động đất xảy ra ở nước Nhật ngày 11-3. Trôi vào hư vô là dự cảm của những nghệ sĩ trẻ về số phận con người trên mọi đất nước, không nơi nào cá biệt. Và họ đã sáng tạo ào ạt với những ý niệm, cảm xúc trào dâng như thế.
Phóng to |
“Tôi nhặt lên một cục than, vẽ như thể ngày còn thơ bé, nhuộm màu và chất của nó lên giấy để có thể nhìn thấy chốn hư vô trong trí tưởng tượng...” - đó là lời tự bạch của họa sĩ Nguyễn Sơn khi anh thực hiện loạt tranh với chất liệu than và acrilyc trên giấy. Còn với nghệ sĩ Nguyễn Kim Hoàng (Hoàng Himiko), nước Nhật là nơi chị từng đến sống, và tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ hai (sau tiếng Việt) mà chị có thể dùng để diễn đạt tư duy và tình cảm của mình một cách trôi chảy nhất.
Bây giờ ở đây, nơi góc quán cà phê, Hoàng Himiko giấu tiếng khóc vào trong, chị ngồi lặng lẽ gấp những cánh hạc. Đó là công việc mà mấy năm qua chị lặng lẽ làm, nay có thêm người cộng sự là cô sinh viên khoa tiếng Nhật Trần Thị Thu Hà (Hà “ròm”). Những cánh hạc thay lời cầu nguyện.
Họa sĩ Lã Huy vừa làm triển lãm sáp thì nay lại tiếp tục làm sáp. Tác phẩm của Lã Huy là những chiếc áo trẻ con được đổ sáp trong trạng thái căng, rỗng, trong suốt, bên trong được thắp sáng bởi những ngọn nến. “Những ngọn nến như lời cầu nguyện. Tôi muốn dâng lời cầu nguyện cho những đứa trẻ đã mất hoặc còn sống sau trận động đất ở nước Nhật, cũng như tôi luôn cầu nguyện mỗi ngày cho con trai mình” - họa sĩ Lã Huy tâm sự.
Không đặt ra những tiêu chí như là quyên góp, ủng hộ cho Nhật Bản, triển lãm này trước hết là tiếng nói giao cảm của người nghệ sĩ với nỗi đau thảm họa thiên nhiên, để con người có thể trôi vào hư vô, nhưng sự sống không là vô nghĩa.
__________
* Triển lãm diễn ra tại Himiko visual café (324 bis Điện Biên Phủ, P.11, Q.10, TP.HCM) từ 18g ngày 14-4, kéo dài đến hết ngày 30-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận