14/04/2011 04:00 GMT+7

Giải mã cội nguồn dân tộc Việt

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Trong khuôn khổ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 13-4, 138 nhà khoa học trong và ngoài nước đã có mặt tại Phú Thọ trong một hội thảo khoa học quốc tế nhằm giải mã tín ngưỡng thờ Hùng Vương và bàn cách bảo tồn tín ngưỡng vừa đệ trình Unesco xem xét công nhận là di sản thế giới này.

NgIs7eFd.jpgPhóng to
Dịp giỗ Tổ, chỉ trong mười ngày đền Hùng đón hàng triệu lượt khách hành hương - Ảnh: Quốc Hội

Theo tư liệu khảo sát của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tại 47 làng/thôn ở tỉnh Phú Thọ, những nơi thờ tự mang đích danh tên gọi thờ vua Hùng đã và đang hiện tồn 43 đình, sáu đền. Không chỉ ở Phú Thọ, đền thờ Hùng Vương còn có rất nhiều ở Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM... và kể cả ở Mỹ.

Nhiều nhà nghiên cứu đã từ lâu chứng minh sự hiện diện của Hùng Vương trong tiến trình lịch sử 2.000 năm trước thông qua các tư liệu cổ - trung đại, các phát hiện về mặt khảo cổ học quanh khu vực đền Hùng. Nhìn nhận Hùng Vương là biểu tượng hay sự thật lịch sử vẫn là một chủ đề gây nhiều bàn cãi trong hội thảo.

Hùng Vương - một biểu tượng của lòng yêu nước

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Nhàn (Phú Thọ) cho rằng Hùng Vương tồn tại trong cả tư liệu lịch sử lẫn huyền tích và truyền thuyết. “Lịch sử được gửi gắm, chồng lớp lên nhau thông qua các câu chuyện. Giới khoa học cũng đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng... Tuy nhiên, từ rất lâu Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng về cội nguồn dân tộc”.

GS.TS Ngô Đức Thịnh trong báo cáo tổng luận của mình đã khẳng định: “Hình tượng Hùng Vương vượt lên mọi sự thật lịch sử để trở thành một biểu tượng. Biểu tượng còn cao hơn cả sự thật lịch sử. Chuyện 100 trứng không phải là sự thật nhưng thông qua hình tượng ấy, người dân Việt Nam đã tạo ra được một cộng đồng cố kết với nhau. Tôn thờ Hùng Vương chính là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam”.

GS.TS Tưởng Vi Văn (Đại học quốc gia Cheng Kung, lãnh thổ Đài Loan) cũng cho rằng ngoài sự thật lịch sử về xuất thân thì còn có một sự thật lịch sử khác, đó là từ lâu Hùng Vương đã trở thành biểu tượng về nguồn cội của người Việt Nam, là tấm gương phóng chiếu của tục thờ cúng tổ tiên.

Còn PGS.TS Jo Caust (giám đốc Trung tâm quản lý văn hóa và nghệ thuật tại Đại học Nam Úc) chia sẻ: “Trong xã hội hiện nay, nhiều lớp trẻ coi “twittering”, lướt “facebook” quan trọng hơn mặt đối mặt, các lễ hội văn hóa và việc giữ vững các phong tục cổ xưa dường như không có vai trò gì nếu không được tái dựng như các trò chơi máy tính... thì tục thờ cúng tổ tiên có thể là chiếc cầu nối giữa các thế hệ với nhau”.

Đừng để người dân vô cảm với di sản

“Lễ hội đền Hùng từ tục thờ dân gian và lễ hội làng đã nhanh chóng biến thành một lễ hội dân tộc - quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển về mặt quy mô này đã dẫn đến rất nhiều bất cập như: sự can thiệp quá sâu của các kịch bản được xây dựng và đạo diễn “hoành tráng”, những diễn văn lặp lại nhàm chán lấn át cả những truyền thống có từ ngàn đời của dân chúng.

Người dân từ chủ thể sáng tạo của lễ hội đã trở thành người đi xem, người bán hàng dịch vụ, người gánh lễ thuê... Không gian lễ hội nhưng đâu đâu cũng có hình ảnh, sự kiện quảng cáo núp dưới danh nghĩa lễ vật dâng vua Hùng...” - phát biểu có phần gay gắt của TS Phạm Văn Dương (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đã nhận được rất nhiều ý kiến tán đồng.

TS Lê Thị Minh Lý (cục phó Cục Di sản Bộ VH-TT&DL) cũng cho rằng nếu bảo tồn di sản phi vật thể không hợp lý, người dân sẽ vô cảm với di sản. Bà Lý nói: “Việt Nam có sự đứt quãng trong bảo tồn di sản nên di sản đã nghèo đi rất nhiều. Bởi vậy, cho phép phục hồi di sản nhưng phải đảm bảo các điều kiện như phục hồi trên cơ sở không bịa đặt, phải phục vụ cuộc sống hiện đại và được cộng đồng chấp nhận, thực hành, duy trì và trao truyền cho thế hệ sau...”.

“Di sản cũng giống như một cánh đồng đẹp, một người đi thì thành lối mòn, nhiều người đi thì thành đại lộ. Một ngày nào đó cánh đồng sẽ hỏng và di sản cũng sẽ mất đi. Vì vậy, phải biết cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển du lịch” - TS Lê Thị Minh Lý cảnh báo.

Vào dịp giỗ Tổ, chỉ trong 10 ngày đền Hùng đón hàng triệu lượt khách hành hương, trong khi đền chùa vẫn thế từ hàng trăm hàng nghìn năm qua. Lượng người lớn, nhu cầu lớn, xung quanh đền Hùng hình thành cả một khu vực dịch vụ khá ồn ào và nhếch nhác. PGS.TS Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng tín ngưỡng thờ Hùng Vương đang đứng trước rất nhiều thách thức.

Lượng người hành hương về đền Hùng quá lớn, trong khi cơ sở vật chất và nơi thờ cúng không đủ đáp ứng. Sự phát triển quá nhanh, quá mạnh của nhu cầu thờ cúng và đối tượng thờ cúng dẫn đến tình trạng quá tải, vượt quá năng lực của những người quản lý. Hơn nữa, không gian thực hành tín ngưỡng thờ Hùng Vương đang bị biến đổi rất nhiều.

Đền Hùng ở California (Mỹ)

Những năm 1980, một nhóm người Việt đến định cư ở thành phố San Jose (California, Mỹ) đã thành lập Hội Hùng Vương với mơ ước xây dựng một ngôi đền thờ ông Tổ Việt Nam ở Mỹ. Năm 1993, ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương có tên gọi đền Hùng đã được hoàn thành.

Ngôi đền có diện tích 45m2 gồm ba cung, cung giữa thờ vua Hùng, hai cung bên cạnh thờ Hai Bà Trưng và Đức Thánh Trần. Ông Nguyễn Thanh Liêm - một trong những người xây dựng ngôi đền - cho biết các bô lão người Việt trên đất Mỹ thắp hương hằng ngày trong ngôi đền. Vào các buổi sáng chủ nhật, đền tổ chức nghi thức cúng tổ. Mỗi năm, đền Hùng ở California có các lễ quan trọng như: giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Hai Bà Trưng, giỗ Đức Thánh Trần...

“Ngôi đền ở nước Mỹ được dựng nên để hương khói cho tổ tiên, giữ cho truyền thống nhớ về cội nguồn dân tộc được trường tồn. Bởi vì cuộc sống ở nước ngoài khiến ngày càng ít người biết đến tổ tông, thậm chí nhiều người trẻ còn không biết vua Hùng là ai. Đó là một thách thức mà những người Việt ở Mỹ đang gặp phải” - ông Liêm nói.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên