Quả cầu vàng: "Mạng xã hội" thắng lớn
Phóng to |
Không còn những chiến thắng ngạc nhiên và gây tranh cãi của các bộ phim ăn khách như Avatar (Thế thân) và The hangover (Sau cuộc trác táng) trong đêm trao giải năm ngoái, Quả cầu vàng 2011 tưởng thưởng các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của năm 2010 dựa trên giá trị nghệ thuật đích thực. Sự có mặt thiếu thuyết phục của những ngôi sao ăn khách như Johnny Depp, Angelina Jolie hay Christina Aguilera trong các hạng mục đề cử chỉ còn mang tác dụng trang trí, để đêm trao giải tại khách sạn Beverly Hills ở California thêm lấp lánh, và tất cả diễn viên và tác phẩm được tôn vinh đều hoàn toàn xứng đáng.
Facebook đánh bại nhà vua Anh
Trước đêm trao giải, Hollywood dự báo một cuộc đua quyết liệt giữa The social network (Mạng xã hội) và The king’s speech (Bài diễn văn của nhà vua). Và kết quả là The social network đã giành chiến thắng áp đảo với bốn giải thưởng quan trọng: phim tâm lý hay nhất, đạo diễn (David Fincher), kịch bản (Aaron Sorkin), nhạc nền (Trent Reznor và Atticus Ross). Chiến thắng của The social network phản ánh đúng “gu” của Hiệp hội Báo chí nước ngoài (HFPA), đơn vị tổ chức lễ trao giải Quả cầu vàng. Câu chuyện về trang mạng xã hội Facebook và người sáng lập Mark Zuckerberg là đề tài đương đại, dàn diễn viên trẻ trung và đặc biệt là cực kỳ ăn khách (doanh thu toàn cầu 200 triệu USD). Được đánh giá là “ví dụ điển hình của điện ảnh hiện đại ở tầm xuất sắc nhất”, chiến thắng của The social network thuyết phục thật sự chứ không gây tranh cãi như Avatar năm ngoái.
Ngược lại, The king’s speech - câu chuyện về nhà vua Anh George VI mắc bệnh nói lắp mang đề tài lịch sử với các diễn viên gạo cội và ít người xem - vốn hợp với ban giám khảo Oscar hơn. Dù thất thế nhưng The king’s speech cũng được an ủi phần nào khi ngôi sao người Anh Colin Firth vượt qua gương mặt trẻ Jesse Eisenberg của chính The social network và các đối thủ nặng ký khác, để giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất dòng phim tâm lý. Hai bộ phim hứa hẹn sẽ còn đụng độ nhau dữ dội tại lễ trao giải Oscar vào ngày 27-2 tới.
Một chiến thắng gây ấn tượng khác tại lễ trao giải Quả cầu vàng là giải nữ diễn viên chính phim tâm lý xuất sắc nhất dành cho người đẹp gốc Israel Natalie Portman. Vai diễn đầy góc cạnh Nina Sayers - một nghệ sĩ balê tâm lý bất ổn trong tác phẩm Black swan (Thiên nga đen), được đánh giá là diễn xuất xuất sắc nhất trong sự nghiệp của cô gái 29 tuổi này, dù sự u ám của Black swan gây chia rẽ lớn trong giới phê bình Mỹ. Để giành vinh quang, Natalie Portman đã vượt qua những đối thủ cũng cực kỳ xuất sắc khác là ngôi sao từng đoạt giải Oscar Nicole Kidman, gương mặt mới Jennifer Lawrence và nữ diễn viên Michelle Williams. Trước đó hai ngày, Natalie Portman và Colin Firth cũng chính là hai gương mặt được Hiệp hội Các nhà phê bình điện ảnh trao giải nữ và nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Các ngôi sao gạo cội lên ngôi
Một tác phẩm cũng thắng lớn tại lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay là The kids are all right (Lũ trẻ thật sáng suốt) với giải phim hài/ca nhạc hay nhất và giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dòng phim hài/ca nhạc cho ngôi sao gạo cội Annette Bening. Gây tiếng vang từ Liên hoan phim Sudance hồi tháng 1-2010, The kids are all right - câu chuyện về một cặp đôi đồng tính nữ và những đứa con của họ - là thông điệp ấm áp về các giá trị và tình cảm gia đình. Đây cũng là giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của nữ diễn viên 52 tuổi sau rất nhiều đề cử Quả cầu vàng và Oscar nhưng chưa một lần chiến thắng. Như vậy, tại lễ trao giải Oscar ngày 27-2 tới, nhiều khả năng hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất sẽ là cuộc đua giữa Natalie Portman và Annette Bening.
Phần lớn các giải diễn xuất của Quả cầu vàng 2011 đều thuộc về các ngôi sao kỳ cựu. Nam diễn viên Paul Giamatti, người từng nhận một số đề cử Quả cầu vàng và Oscar, giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất dòng phim hài/ca nhạc với vai Barney Panofsky trong phim Barney’s version (Phiên bản của Barney).
Nhìn chung, lễ trao giải Quả cầu vàng 2011 không có bất ngờ lớn nào. Hãng phim hoạt hình Pixar tiếp tục chứng tỏ sự thống trị khi tác phẩm Toy story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3) đoạt giải phim hoạt hình hay nhất, vượt qua những đối thủ cũng rất xuất sắc như How to train your dragon (Bí kíp luyện rồng) hay Tangled (Rắc rối). Giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất thuộc về tác phẩm In a better world (Trong một thế giới tốt đẹp hơn) của Đan Mạch.
Lễ trao giải cũng chứng kiến những giây phút vừa hài hước, vừa xúc động khi diễn viên gạo cội Robert De Niro lên nhận giải thành tựu trọn đời.
Từ đầu bếp thành diễn viên nổi tiếng Sau hơn 20 năm, cuối cùng Hollywood cũng chính thức thừa nhận tài năng sáng chói của nữ diễn viên 52 tuổi Annette Bening. Theo báo Hollywood Reporter, sinh ra tại Kansas, Bening theo học diễn xuất từ khi còn ở trường trung học. Sau khi tốt nghiệp, cô làm nghề đầu bếp ở một con tàu đánh cá trên Thái Bình Dương suốt một năm trước khi lấy bằng nghệ thuật sân khấu Trường ĐH San Francisco. Chuyển đến New York, Bening từ từ xây dựng tên tuổi trong lĩnh vực truyền hình trước khi giành vai diễn điện ảnh đầu tay với phim The great outdoors vào năm 1988. Trong 20 năm sau đó, Bening liên tục gặt hái nhiều thành công tại Hollywood. Với The grifters (Những kẻ lừa gạt - 1990), cô được đề cử một giải Oscar và một giải BAFTA nữ diễn viên phụ. Một năm sau đó cô được đề cử giải Quả cầu vàng nữ diễn viên chính với phim Bugsy. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Bening là American beauty (Vẻ đẹp Mỹ). Vai Carolyn Burnham của cô giành được cả đề cử Oscar và Quả cầu vàng nhưng cô đều ra về trắng tay. Những phim sau đó của cô như Being Julia (Là Julia), Mrs. Harris (Bà Harris), Running with scissors (Chạy với cái kéo) đều là những thành tựu nghệ thuật quan trọng và cũng đem lại cho cô thêm các đề cử Oscar và Quả cầu vàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận