08/01/2011 06:04 GMT+7

Những bức ảnh "lo lắng"

UYÊN LY thực hiện
UYÊN LY thực hiện

TT - Thoạt nhìn, Paolo Patrizi (người Ý) giống như nhiều vị khách du lịch đeo máy ảnh lang thang trên đường phố. Ông có vóc người tầm thước, hiền lành, ít nói và khiêm tốn đến mức đáng ngạc nhiên, và đấy chính là điểm mạnh của ông.

deKIn3DF.jpgPhóng to

XQ0FaIA6.jpg

Hai tấm ảnh cho thấy cái nhìn tinh tế của Paolo về cuộc sống ở Hà Nội - Ảnh: Paolo Patrizi

Với vẻ bề ngoài lặng lẽ, Paolo có thể len lỏi mọi ngóc ngách để chụp những bức ảnh cho thấy những câu chuyện nhức nhối dường như bị bỏ quên một cách cố tình trong đời sống xã hội ở những nơi ông sống.

Tài năng của ông đã được chứng tỏ bằng giải 3 thể loại ảnh đơn cuộc thi Ảnh báo chí thế giới năm 2010 ở chủ đề thiên nhiên và bằng nhiều tác phẩm ảnh được các tạp chí danh tiếng thế giới sử dụng.

Tuổi Trẻ đã bắt gặp ông lang thang trên đường phố Hà Nội.

* Tại sao ông quyết định đến Hà Nội? Điều gì hấp dẫn ông?

- Tôi tham gia Liên hoan ảnh Angkor tại Siem Reap (Campuchia) vào tháng 11 vừa qua. Tôi gặp một số người bạn Việt Nam ở đó và quyết định đến Hà Nội.

Trong những ngày lang thang ở Hà Nội, tôi phát hiện khu tập thể Văn Chương, khu dân cư dọc đường tàu hỏa gần khu vực ga Hà Nội và khu vực dân cư dọc bờ sông Hồng. Đó là những địa điểm rất thú vị. Cuộc sống ở đó rất khác so với những nơi tôi từng đi qua trước đây. Mọi người rất cởi mở và sẵn sàng chia sẻ. Tôi được nhiều người mời vào nhà chơi. Tôi có thể nhìn vào trong nhà và biết được tất cả mọi người đang làm gì.

Tôi chưa có dự định cụ thể gì cho chuyến đi này, nhưng tôi đã chụp được một số bức ảnh mà tôi thích về Hà Nội.

* Loạt ảnh của ông về các cô gái điếm châu Phi ở ngoại ô thành phố Rome rất ấn tượng (xem ảnh tại địa chỉ http://www.bitemagazine.net/2010/05/17/a-notorious-fact-of-italian-life/). Ông đã thực hiện dự án này như thế nào?

- Những phụ nữ từ Nigeria đến nước Ý để kiếm tiền. Đây là công việc được tổ chức rất chặt chẽ và được thiết lập bởi một hệ thống phức tạp do chính những người phụ nữ điều hành. Họ không cho rằng công việc của họ là tiêu cực. Họ làm việc, sau đó trở về quê hương và xây nhà xây cửa.

Để thực hiện được “giấc mơ làm giàu”, mỗi cô gái phải bỏ ra 50.000 euro nhằm hợp thức hóa giấy tờ và trả chi phí đi lại để đến được nước Ý. Họ đi vay khoản tiền này và trả nợ dần khi làm việc. Họ thường đứng bên lề đường bắt khách rồi “hành nghề” trong các bụi cây ở ngay bên đường. Tôi quan tâm đến câu chuyện này bởi vì nước Ý là một nước Thiên Chúa giáo, mọi người không muốn thừa nhận sự hiện diện của tình trạng này dù nó đã tồn tại 20 năm qua.

Theo tôi, nên giúp đỡ những phụ nữ này tìm việc làm hoặc quy hoạch lại thành một khu để có thể quản lý họ và giúp họ cũng như khách hàng có điều kiện tốt hơn để bảo vệ sức khỏe. Các nước như Hà Lan hay Đức cũng đã áp dụng cách này.

w3zz7lX6.jpgPhóng to

Paolo Patrizi tại Hà Nội - Ảnh: Hải Thanh

* Ông đã thực hiện dự án về sự đối lập giữa việc xây dựng quy mô khổng lồ ở Trung Quốc, Nhật Bản và sự bỏ quên quyền lợi chính đáng của những công nhân xây dựng tại những đất nước này, khiến những công nhân phải sống trong những căn lều tạm bợ bên lề thành phố. Ông cũng đã chụp những bức ảnh chân dung những phụ nữ giàu có ở khu phố Ginza (khu phố mua sắm cao cấp ở Tokyo, Nhật Bản). Ông muốn nói điều gì qua những dự án này?

- Tôi đang dần mở rộng phạm vi làm việc ra các nước châu Á để chứng kiến những sự thay đổi. Điều làm tôi lo sợ là việc các nước đang phát triển sẽ lặp lại lỗi lầm của những nước phát triển. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng. Tầng lớp trung lưu đang bị dịch chuyển về phía những người nghèo.

Bây giờ thật khó để phân biệt giữa sự tăng trưởng để phát triển xã hội và sự tăng trưởng xuất phát từ tính tham lam. Tôi quan tâm đến đời sống của con người bị tác động bởi hoàn cảnh và tôi muốn những người khác cũng nhìn thấy điều đó.

* Những đề tài của ông luôn gai góc, điều gì là động lực của ông?

- Cả thế giới đang chạy theo lợi nhuận kinh doanh. Quảng cáo là lý do chính khiến chúng ta lựa chọn và trưng ra các hình ảnh. Và điều đó cũng ảnh hưởng đến nhiếp ảnh báo chí. Rất nhiều sự kiện không được tường thuật một cách trung thực. Những ích lợi đằng sau những sự kiện khổng lồ đến nỗi rất khó có thể đưa tin đúng sự thật.

Và như vậy, không có nhiều chỗ cho sự thật phơi bày. Nhưng đây không phải là chuyện mới mẻ gì, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài rồi.

Một vấn đề nữa là trong nhiếp ảnh, tất cả chúng ta đều có cách tiếp cận khác nhau về một chủ đề. Thật khó có thể nói là nhiếp ảnh đang nói lên sự thật bởi vì mỗi chúng ta đều nhìn sự vật theo những cách khác nhau, và đôi khi mỗi chúng ta có thể mắc phải lối tiếp cận theo kiểu hư cấu. Những gì bạn làm sẽ không đúng là sự thật nếu bạn không trung thực với chính bản thân mình. Hãy thành thật với chính bản thân mình, đó là tất cả.

* Bức ảnh đoạt giải ảnh báo chí thế giới thật sự là một tác phẩm nghệ thuật mà ai cũng muốn có trong nhà, giống như một bức họa đen trắng tuyệt đẹp với hàng ngàn chú chim bay lượn trên bầu trời thành phố Rome nước Ý (bạn đọc có thể xem ảnh đoạt giải trên trang web http://paolopatrizi.com). Bức ảnh ấy ra đời như thế nào?

- Tôi chụp bộ ảnh trong khoảng hai tháng tại ba địa điểm khác nhau. Từ các địa điểm này có thể quan sát và chụp những bức ảnh về những đàn chim sáo trên bầu trời Rome. Đây là một hiện tượng lạ chưa từng xảy ra. Trước kia lũ chim không ngủ đêm trong thành phố và do đó không làm bẩn nhà cửa, đường sá, xe cộ, các tượng đài. Nguyên do có thể bắt nguồn từ sự xây dựng các tòa nhà xung quanh Rome. Nhiệt độ thành phố cao hơn nhiệt độ ở các khu vực xung quanh và lũ chim muốn trú ngụ ở những nơi ấm áp. Chúng cũng ngấu nghiến cả những quả cây tại các trang trại gần thành phố. Cảnh tượng hàng ngàn chú chim bay lượn tìm chỗ trú tạo nên một cảnh tượng đẹp đến kinh ngạc, nhưng đồng thời cũng là một vấn đề đau đầu đối với thành phố.

UYÊN LY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên