03/01/2011 04:03 GMT+7

Người thay Thánh Gióng ra trận

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Suốt ngàn năm qua, hình ảnh về Thánh Gióng được lưu giữ trong ký ức của nhân dân thông qua “ông hiệu cờ”. Thế nhưng, ông hiệu cờ là ai và câu chuyện về những người nông dân chất phác thuần hậu làm ông hiệu cờ trong lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - đến nay vẫn ít người được biết.

pu0En0Cu.jpgPhóng to
Ông hiệu cờ trong lễ hội Gióng năm 2010 - Ảnh: Hoài Minh

Đối với riêng người làng Gióng (nay là xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), mồng 9 tháng 4 âm lịch hằng năm được gọi là mùa “ra trận cùng ông Gióng”. Làng Gióng những ngày ấy trở thành một kịch trường lớn, tái hiện toàn bộ trận đánh thắng giặc Ân từ ngàn năm về trước.

Từ ngàn năm qua, người làng Gióng tin rằng người phất lá cờ mang chữ “lệnh” trong trận đánh là người thay ông Gióng ra trận. Lá cờ lụa đỏ mang chữ “lệnh” viết bằng chữ Hán, rộng 40cm, dài 5m sẽ được ông hiệu cờ “đánh” trong lễ hội.

Trận Đống Đàm, trận Soi Bia

Theo ông Đinh Minh Tỉnh (phó trưởng ban quản lý di tích đền Gióng), lúc đánh cờ, điều kiêng kỵ nhất là ông hiệu để cờ quấn vào nhau. Nếu quấn cờ, năm đó cả làng làm ăn sẽ không thuận lợi, mùa màng không bội thu. Sau đó, từ ông hiệu cờ đến người dân phải mang lễ vật tới đền để lễ tạ thánh.

“Đó là quan niệm từ ngàn năm nay, chưa ông hiệu cờ nào dám để cờ quấn trong lễ hội cả”, ông Tỉnh cho biết.

Cùng với lễ hội và những tập tục về ông hiệu cờ, các địa danh được ghi trong sử sách vẫn được người làng Gióng giữ nguyên vẹn. Đó là Đống Đàm - nơi ông hiệu cờ đánh trận đầu tiên, là Soi Bia - nơi ông hiệu cờ quét sạch giặc Ân. Ông Đinh Minh Tỉnh giải thích tên Đống Đàm có nghĩa là vừa đánh vừa đàm, trận đánh ở nơi này chỉ mang tính chất thăm dò địch. Còn Soi Bia có nghĩa là nơi giặc thua, “bia soi muôn thuở”.

Trận Đống Đàm, ông hiệu cờ cùng các ông tướng và quân lính kéo từ đền Gióng xuống. Trong trận này ông hiệu cờ phải đánh ba ván cờ, tương đương với ba trận đánh. Người làng Gióng gọi đây là ba ván cờ thuận, tức là đánh cờ theo chiều kim đồng hồ.

Đặc biệt, ông hiệu cờ phải đánh lá cờ dài 5m theo những đường nét của chữ “lệnh” mà không để lá cờ bị quấn vào nhau.

Sau trận Đống Đàm, ông hiệu cờ đãi yến quân tướng tại đền Gióng. Giữa buổi yến tiệc có tin cấp báo giặc Ân kéo đến, đoàn quân lập tức lên đường ra trận. Trận Soi Bia, ông hiệu cờ đánh ba ván cờ nghịch, theo chiều ngược kim đồng hồ, giành toàn thắng, bắt sống các cô tướng (tướng giặc do các cô gái làng đóng).

m3hRqgCX.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Hiền (bìa trái) làm hiệu cờ năm 1987 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Tập tục ngàn năm về ông hiệu cờ

Những tập tục quy định về ông hiệu cờ có lẽ cũng đã ngàn năm tuổi. Từ bước đi, câu nói đến cách đưa chân, múa tay... đều được truyền lại nguyên vẹn bất chấp chiến tranh, loạn lạc và những thăng trầm của lịch sử.

Người làng Gióng vẫn chọn các ông hiệu theo đơn vị hành chính tổng (tương đương với làng). Người được chọn làm ông hiệu cờ phải là người được mọi người tôn trọng, gia đình không có tai tiếng và là người cường tráng, khỏe mạnh.

Sau khi được chọn làm ông hiệu cờ, từ giữa tháng 3 âm lịch người đó sẽ bắt đầu học các nghi thức của ông hiệu cờ từ những việc nhỏ nhất như cách đi, cách ngồi... cho đến những việc lớn như cách đánh cờ có chữ “lệnh”...

Không chỉ phải đánh cờ đẹp, ông hiệu cờ cũng phải học cách giữ tâm hồn trong sạch, phong thái chuẩn mực và sức khỏe tốt để có thể hoàn thành tốt bốn ngày lễ hội.

Cũng theo ông Hiền, gia đình có người làm ông hiệu cờ phải có kinh tế khá giả, bởi mỗi lần “nuôi” ông hiệu cờ, đồ đệ, thầy giáo và quân lính tốn kém ít nhất 20 triệu đồng. Nhà có điều kiện còn chi đến 70 triệu đồng.

Những khoản tiền lo cho ông hiệu cờ, cả tiền tổ chức lễ hội đều do người dân tự nguyện đóng góp.

Gia đình có người làm ông hiệu cờ phải dọn một gian nhà rộng rãi để ông hiệu cờ ở riêng. Suốt gần một tháng ông hiệu cờ sống ở đó với một đệ tử và một thầy giáo.

Người đệ tử phải từ 12-13 tuổi, chịu trách nhiệm giặt giũ, cơm nước và truyền lại lời của ông hiệu cờ cho người nhà. Thầy giáo sẽ dạy ông hiệu cờ tất cả nghi lễ ông cha để lại, bao gồm cả cách đối nhân xử thế.

Không chỉ ông hiệu cờ, cả thầy giáo và đệ tử cũng phải kiêng những món tanh, thường chỉ ăn tương cà, sống riêng biệt và không tiếp xúc với người ngoài.

Chín ngày trước lễ hội Gióng mở màn, ông hiệu cờ và các ông hiệu khác phải đến đền Gióng xin chân hương, rước Thánh Gióng về nhà để thờ. 0g ngày 1-4 âm lịch, ông hiệu cờ sẽ đi từ nhà đến đền Gióng, mang chân hương về nhà trước lúc mặt trời mọc và các ông hiệu cũng phải tránh gặp mặt nhau trên đường.

Ông Nguyễn Văn Hiền (55 tuổi, thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) - người có “thâm niên” làm ông hiệu cờ từ năm 1987, chia sẻ: “Khó khăn nhất là học cách đánh cờ. Học từ cách qua chân, đánh tay rồi đánh cờ theo từng nét phết, phẩy của chữ “lệnh” bằng tiếng Hán. Lúc tập, ông hiệu cờ phải tập đánh cờ theo cả bốn hướng gió để khi ra lễ hội không bị bối rối. Hiệu cờ chúng tôi phải tuân thủ lối mà các cụ ngày xưa đã dạy, không ai dám sai lời”.

Về làng Đổng Xuyên, hỏi nhà ông Hiền hiệu cờ sẽ được chỉ đến tận nơi. Bởi bên cạnh hai lần làm hiệu cờ, ông Hiền còn là thầy dạy của nhiều ông hiệu cờ và hiệu trung quân khác. “Tôi dạy tất cả những gì tôi biết, những điều thầy của tôi dạy tôi từ ngày xưa và tôi tích lũy được”.

Quan hệ thầy trò giữa các ông hiệu cờ không kết thúc khi xong lễ hội. Tình thầy trò theo họ đến suốt đời. Với nhiều người, đó còn là tình cảm bố con ruột thịt. Những mối liên hệ này cũng là một tập tục tốt đẹp truyền từ thế hệ ông hiệu cờ này sang thế hệ khác.

Ở vùng đất mà huyền thoại, huyền tích và sự thật pha lẫn trong nhau, ông hiệu cờ là minh chứng cho sức sống bền bỉ của Thánh Gióng trong lòng làng xã suốt ngàn năm qua.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên