21/09/2010 15:32 GMT+7

Phần thưởng cho những nỗ lực cộng đồng

HẢI MINH (từ New York)
HẢI MINH (từ New York)

TTO - Cứ mỗi hai năm một lần, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) lại chọn ra 25 dự án môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên toàn cầu để trao giải thưởng Xích đạo.

Năm nay, giải thưởng được trao cho làng tre Phú An ở huyện Bến Cát, Bình Dương, với sự chứng kiến của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, nhân chuyến công du LHQ của ông. Tuổi Trẻ đã có mặt trong buổi lễ trao giải sáng sớm ngày 21-9 (giờ VN) tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ, New York và gặp gỡ chủ nhiệm dự án được giải, bà Diệp Thị Mỹ Hạnh.

COWdHSZl.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh ở buổi lễ trao giải thưởng Xích đạo tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ, New York sáng sớm 21-9 (giờ VN) - Ảnh: Hải Minh

Làng Tre Việt Nam nhận giải của UNDPTre Việt Nam được vinh danhBà tiến sĩ "Tây học" và làng tre18-9: Ngày Tre thế giới

Công trình 10 năm

Tiến sĩ Mỹ Hạnh, 58 tuổi và là một nhà nghiên cứu môi trường lâu năm, nói bà đã cống hiến 10 năm làm việc không ngừng nghỉ cho dự án “Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An”. Cùng với người dân làng Phú An, bà Hạnh đã xây dựng một nhóm nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên thiện nguyện chỉ gồm khoảng 20 người, nhưng đã hoạt động suốt 10 năm qua để biến khuôn viên rộng khoảng 10ha của làng Phú An thành một bộ sưu tập tre khổng lồ với khoảng 130 loài, 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 họ khác nhau chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam, bao gồm rất nhiều loại quý hiếm.

Dự án của tiến sĩ Hạnh chính thức được khởi động vào năm 2003 với sự tham gia của bốn đơn vị bao gồm vùng Rhone Alpes (Pháp), tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM.

Giới thiệu của ông Veerle Vandeweerd, Giám đốc nhóm môi trường và năng lượng, UNDP cho biết làng tre Phú An thuộc vùng “tam giác sắt” từng bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn trong chiến tranh, nay nhờ vào bàn tay của tiến sĩ Hạnh cùng các cộng sự đã “biến vùng tam giác sắt thành tam giác xanh”. Dự án bảo tồn đa dạng sinh học này còn giúp xóa đói giảm nghèo với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn liền với tre trúc, vốn một nghề có truyền thống lâu đời ở VN. UNDP ca ngợi khoảng 300 mẫu tre của bà Hạnh “đã tạo dựng nên một cộng đồng xã hội gắn bó bên cạnh một ngân hàng gene tự nhiên có quy mô quốc gia”.

Bà Hạnh nói với Tuổi Trẻ ngay trước khi bước lên bục nhận giải: “Tôi rất vui và hãnh diện với giải thưởng này khi một dự án bảo tồn sinh học của VN nhận được sự thừa nhận ở quy mô thế giới”.

Giải thưởng năm nay được trao đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập LHQ cũng như năm quốc tế về đa dạng sinh học của LHQ nên càng có ý nghĩa đặc biệt.

Còn nhiều trăn trở

Giải thưởng Xích đạo, ngoài ý nghĩa về mặt tinh thần, với phần thưởng tiền mặt 5.000USD, là một sự động viên vật chất thực sự với dự án can đảm và mang tính đột phá nhưng gặp rất nhiều khó khăn của tiến sĩ Hạnh, bởi rõ ràng một dự án bảo tồn với mục tiêu phát triển bền vững không thể là một dự án kinh doanh vì lợi nhuận. “Tôi rất mong muốn nhân rộng mô hình này ra nhiều làng quê nữa ở Việt Nam, hỗ trợ cho những người nghèo, để giúp họ hiểu rằng chính họ chứ không phải ai khác, sẽ là người gìn giữ cho sự đa dạng sinh học của nơi họ sinh sống” - bà Hạnh nói.

n7ZcOlYm.jpgPhóng to
Bảng hiệu "Làng tre Phú An" cũng được làm bằng chất liệu tre. Ảnh: Khánh Ngọc
bPPYMddP.jpgPhóng to
Những giậu tre nằm xe lẫn giữa những đồi phủ đầy cỏ xanh và hoa đậu biếc vàng. Ảnh: Khánh Ngọc

Tuy nhiên, mong ước đó không phải là dễ thực hiện khi ngay chính dự án của bà đang gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Mỹ Hạnh nói bà mong nhận được sự hỗ trợ hơn nữa về mặt tài chính không chỉ từ chính quyền, mà cả các doanh nghiệp khi hiện nay, thậm chí ngay cả trang mạng của chương trình cũng phải do hai người con của bà giúp đỡ xây dựng. Sự hỗ trợ đó sẽ tạo điều kiện cho bà và các cộng sự có thể tập trung toàn bộ cho việc nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng người dân làng, thay vì phải vừa nghiên cứu, vừa chạy ngân sách như hiện nay. Ngoài ra, bà Hạnh khẳng định việc các doanh nghiệp chung sức với dự án của bà không chỉ có ý nghĩa thiện nguyện, mà ngành sản xuất tre và các sản phẩm từ tre có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn thực sự.

Trong số 25 dự án đoạt giải, LHQ chọn ra 5 dự án trao giải đặc biệt, mỗi giải được nhận khoản tiền thưởng 20.000 USD.

Châu Phi:

Madagascar: Dự án bảo vệ rừng tự nhiên Ankeniheny Zahamena.

Dự án quản lý và bảo tồn hành lang rừng tự nhiên dọc bờ biển phía đông Madagascar và là nơi sinh sống của khoảng 80% các giống loài động vật và thực vật trên hành tinh. Dự án cũng hướng dẫn nông dân địa phương kỹ thuật canh tác nông nghiệp để tăng thu nhập

Châu Á - Thái Bình Dương:

Campuchia: Cánh rừng cộng đồng Phật giáo.

Các sư thầy của chùa Samraong thuộc tỉnh Oddar Meanchey ở tây bắc Campuchia đứng ra vận động người dân địa phương cùng bảo vệ khu rừng -- ngôi nhà xanh của họ -- với diện tích 18.261 hectares. Họ tổ chức lực lượng tình nguyện kết hợp với nhà chức trách địa phương tuần tra chống phá rừng và bảo vệ thú hoang. Họ hướng dẫn người dân trồng nấm tạo thu nhập trung bình mỗi hộ từ 150-200 USD/tháng.

Mỹ Latin:

Ecuador: Dự án sinh thái phức hợp Kapawi.

Dự án du lịch cộng đồng này được thực hiện trên các nhánh song Amazon chảy qua Ecuador, nơi có các cộng đồng thổ dân sinh sống cũng như điều kiện tự nhiên hết sức độc đáo.

Nam Mỹ:

Bolivia: Khu dự trữ sinh quyển Bolivia.

Dự án bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ quyền lợi của thổ dân địa phương. Ngoài việc bảo vệ động vật hoang dã, dự án còn xây trường học ở 14 cộng đồng thổ dân khác nhau nhằm giáo dục và lưu giữ văn hóa truyền thống của thổ dân.

Châu Phi:

Senegal: Dự án khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Saloum.

Hướng dẫn người dân khôi phục rừng đước bản địa và đã mang lại nguồn lợi đáng kể nhờ đánh bắt cá, sò, ốc… Trọng tâm của dự án là giáo dục cộng đồng về phát triển bền vững, không khai thác quá mức nguồn lợi thiên nhiên.

HẢI MINH (từ New York)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên