11/03/2008 08:00 GMT+7

Bà tiến sĩ "Tây học" và làng tre

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Cách TP.HCM về phía bắc chừng 30km đến địa phận tỉnh Bình Dương là có thể đến làng Phú An, nơi có làng tre được coi là lớn nhất Đông Nam Á, qui tụ hầu hết giống tre trên khắp miền đất nước VN.

xhbZQ1TH.jpgPhóng to

TS Mỹ Hạnh (trái) hướng dẫn đoàn khách của Trung tâm CIRAD đi thăm làng tre - Ảnh: T.Tuấn

TT - Cách TP.HCM về phía bắc chừng 30km đến địa phận tỉnh Bình Dương là có thể đến làng Phú An, nơi có làng tre được coi là lớn nhất Đông Nam Á, qui tụ hầu hết giống tre trên khắp miền đất nước VN.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trong một buổi họp với bà con ở quê năm 1999, người dân xã Phú An đã "trách cứ" tiến sĩ (TS) Diệp Thị Mỹ Hạnh toàn đi nơi khác cống hiến mà bỏ rơi quê nhà của mình. Trong suốt hơn 20 năm kể từ khi lấy bằng TS về môi trường đất ở Pháp, TS Hạnh chỉ chuyên tâm nghiên cứu về dừa và đã lăn lộn với loại cây này trong các dự án ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ý tưởng về một vùng sinh thái cho cây tre - giống cây dẻo dai, kiên cường mang nhiều đặc trưng của người dân Việt - chợt đến với bà.

Khu bảo tồn tre

"Cây tre là cây của người nghèo, đồng thời cũng là cây sinh thái. Gỗ tre có thể sử dụng phục vụ nhiều mục đích như làm than, vải, làm nhiều loại công cụ khác nữa. Bản thân tre có thể hấp thụ kim loại nặng, giúp bảo vệ môi trường" - TS Hạnh giải thích về ý tưởng ban đầu đó của mình.

Theo bà Hạnh, tuy là nước trồng rất nhiều tre nhưng VN hiện tại hầu như không có chuyên gia hay trung tâm nào chuyên nghiên cứu về tre cả. TS Hạnh sau đó phải đi đến rất nhiều trung tâm và viện nghiên cứu ở nước ngoài để có được những tài liệu phong phú và sinh động nhất về loài tre.

TS Gabriel de Taffin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp CIRAD ở khu vực Đông Nam Á - người từng đi nhiều nơi ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ nghiên cứu về môi trường, cũng ngạc nhiên khi tới làng tre Phú An: "Đó là công trình lớn. Tôi nghĩ đây là trung tâm bảo tồn về tre lớn nhất ở Đông Nam Á. Ở Bogor (Indonesia) và Singapore cũng có những khu bảo tồn lớn, nhưng đó là những khu tổng hợp mà tre là một phần trong đó chứ chưa có những trung tâm lớn như thế này. Ở nước Pháp chúng tôi cũng có một trung tâm bảo tồn về tre. Với những gì làm được hiện nay, làng Phú An hoàn toàn có thể phát triển lên tầm cỡ như trung tâm bên Pháp để trở thành một khu bảo tồn lớn về tre của châu Á".

Rồi TS Hạnh lặn lội đến các tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán Pháp và một số nước khác để xin tài trợ cho ý tưởng của mình. Năm 2004, chính quyền vùng Rhones Alpes của Pháp đồng ý hỗ trợ 600.000 euro để giúp bà thực hiện ý tưởng về ngôi làng sinh thái bằng tre. Phía tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ khi đồng ý cấp 10ha đất ở xã Phú An cho bà.

Sau bốn năm thực hiện, mảnh đất toàn cát, đất trống và cỏ ngày nào giờ trở thành khu bảo tồn, sinh thái lớn về tre. Ở đây bà TS đã thu thập được khoảng 130 giống tre với 300 loại mẫu tre khác nhau, trong đó có nhiều giống quí hiếm như tre vuông, mai ống, tre vàng sọc, luồng (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Cạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh)...

Mảnh đất hoang rộng 10ha ngày nào của Phú An giờ trở thành một trung tâm nghiên cứu tre đồ sộ với đầy đủ các bộ sưu tập tre ở khắp nơi trên cả nước, trong đó được chia ra làm các khu như tre Bắc bộ, tre đồng bằng sông Cửu Long, tre Tây nguyên... Ngay trong trung tâm có khu để sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức nuôi trồng, gây giống tre...

Giấc mơ xanh

Bản thân TS Hạnh cũng nghiên cứu dùng tre để thực hiện các dự án sinh thái như dùng tre để lọc kim loại nặng (cây Lantana camara), nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ tre, dùng các sản phẩm tre để thay thế mặt hàng nhựa, nilông gây hại cho môi trường... Ngay giữa trung tâm là một bảo tàng (được xây dựng với cột, trần cũng bằng chất liệu từ tre) trưng bày từ các nhạc cụ tre như đàn prông, đàn tơrưng, một khu trưng bày sản phẩm về tre độc đáo với sự hỗ trợ trực tiếp của các kiến trúc sư người Pháp.

Ngoài ra còn có một khu mê cung tre để khách tham quan có thể khám phá, thư giãn ở đây. Ở một góc khác, TS Hạnh xây dựng một góc thiền riêng mà gần đó là một nhà hát ngoài trời, nơi nhìn đối diện sang khu bảo tồn tre đồng bằng sông Cửu Long với sông nước, cầu khỉ...

Tháng 11-2007, khi đến vùng Valence (Pháp) thuyết trình về dự án của mình, bà Hạnh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người đến nghe. Cô gái trẻ Julie Logel (23 tuổi), bị thuyết phục bởi ý tưởng của trung tâm, đã tự bỏ tiền túi mua vé máy bay sang VN giúp đỡ dự án của bà. Gặp Julie ở trung tâm, có thể thấy cô lăn xả vào mọi việc của trung tâm từ sơn tre, dọn dẹp, tổ chức công việc hằng ngày cho trung tâm. Sau Julie, trung tâm đón nhận thêm Pauline (22 tuổi) tới làng để thực tập và làm tình nguyện viên tại đây.

Vùng Rhones Alpes coi đây là một trong những dự án thành công nhất họ từng có trong đầu tư ở nước ngoài. Theo kế hoạch, ngôi làng sinh thái tre này sẽ chính thức được khai trương vào ngày 8-4 trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa Pháp.

Những cây tre của ngôi làng xanh mà bà Hạnh mơ ước ngày nào giờ đã thành hiện thực. Sẽ còn nhiều công việc để bà TS phải lo như làm sao duy trì, phát triển được ngôi làng tre sau khi chính thức đi vào hoạt động. Tuy vậy, bà TS có thể tự hào về những gì đã làm được sau suốt gần mười năm theo đuổi giấc mơ "xanh" này của mình.

KqP34AKg.jpgPhóng to

Một góc khu bảo tồn ở làng tre - Ảnh: T.Tuấn

Vất vả nhất trong quá trình tìm tre của bà có lẽ là việc lặn lội tìm tre vuông ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Đỉnh núi Mã ở Thanh Hóa bà cũng đã trèo tới hai lần để tìm loại tre dây ở đây, trong khi đỉnh Phanxipăng cũng không thiếu dấu chân bà, nơi bà tìm được một loại tre đặc biệt với thân có gai.

Tôi rất sung sướng được đọc bài này và xin cảm ơn Tiến sỹ Mỹ Hạnh về việc bà bỏ công sức ra để bảo tồn cây tre Việt Nam. Tôi là một người rất yêu cây tre Việt Nam và rất đau buồn khi giờ đây ở nhiều vùng, nhất là nông thôn Việt Nam ngày càng vắng bóng cây tre - một biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

Hàng nghìn năm qua cây tre luôn gắn bó với đại đa số người dân Việt Nam - như Thép Mới đã viết trong bài "Cây tre Việt Nam". Nhưng chỉ hơn chục năm gần đây, cây tre đã bị phá huỷ không thương tiếc, kéo theo là hàng loạt hệ luỵ về môi trường, về vănhoá... Đã nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy tre như mơ thấy người yêu dấu. Quê tôi (Thái Bình), tre bị phá chặt gần hết rồi.

Tôi đề nghị Tiến sỹ nên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và ngành bảo vệ môi trường phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết tác dụng nhiều mặt của cây tre và tái lập trồng tre ở nhiều nơi, không chỉ đưa tre vào "Bảo tàng tre" của bà. Chúng ta hãy phát triển hiện đại trong bóng cây cổ truyền một cách hợp lý.

Kính chào Tiến sỹ, ước gì được gặp Tiến sỹ và thăm bảo tàng tre của bà. Chúc bà khoẻ mạnh và thành công.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên