16/09/2010 08:06 GMT+7

Kể chuyện Thăng Long bằng âm nhạc

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Sáng 15-9, Nhà xuất bản Âm Nhạc VN đã chiếu ra mắt hai tập đầu bộ phim DVD mang tên Vọng khúc ngàn năm (trọn bộ bốn tập).

5Q26m1vy.jpgPhóng to
Một cảnh trong bài xẩm Hà thành 36 phố phường (ảnh chụp lại từ phim Vọng khúc ngàn năm)

Bộ phim đưa ra cách nhìn tổng quát về âm nhạc Thăng Long từ cách đây hàng ngàn năm thông qua những làn điệu ca trù, hát xẩm và canh hồng tự (một trong những hình thức âm nhạc mang tính chất nghi lễ tôn giáo tồn tại rất lâu đời và gắn bó với Thăng Long)...

Hai tập đầu của bộ phim sẽ được phát hành rộng rãi toàn quốc dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hai tập tiếp theo đang hoàn thiện phần hậu kỳ và sẽ ra mắt công chúng trong thời gian sớm nhất. Phim do NSND Trần Văn Thủy và đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung thực hiện.

Trông chuyện ngàn xưa

Không chỉ có ca trù, hát văn, hầu đồng đã được thể hiện trong Vọng khúc ngàn năm, bộ phim còn đưa âm nhạc dân gian truyền thống của đất Thăng Long về đúng với không gian diễn xướng vốn có. Không gian diễn xướng là những nơi mà âm nhạc dân gian đã thể hiện, là cửa đình Lỗ Khê nơi CLB ca trù Lỗ Khê trình diễn lối hát cửa đình, là sông Hồng vang lên điệu hát chèo đò trên thuyền, là bờ đê nơi những trai gái thôn làng vẫn hát đối đáp với nhau khi nghỉ ngơi giữa buổi làm đồng, là cánh võng đay sờn rách mẹ ngồi bên hát ru con, là những chiếc nón lá phai màu nắng, bạc màu mưa được đưa vào phim một cách hết sức tinh tế và hấp dẫn.

Với bài xẩm Hà thành 36 phố phường, NSƯT Thanh Ngoan và NSND Xuân Hoạch đã tái hiện lại Thăng Long đầu thế kỷ 20 với ngựa xe, gánh gồng, với tiếng hát của người kẻ chợ bên góc phố cổ rêu phong dựa trên nền những bức tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái. Sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và hội họa đã mang lại những hình ảnh hoài cổ về một Thăng Long chưa quá xưa cũ nhưng đã mất. Không gian yên bình và thanh tĩnh đó đưa người xem về một vùng văn hóa dân gian thuần Việt để càng cảm hoài với câu thơ của Thái Tổ Lý Công Uẩn: Hôm nay trông chuyện ngàn xưa/ Vụt trông cánh hạc nhấp nhô chân trời.

Câu hỏi cho văn hóa hôm nay

Vua Lê Thái Tổ hỏi Ức Trai tiên sinh: “Viết quốc nhạc sao cho phải đạo?”. Ức Trai thưa: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ thương yêu lấy dân chúng, khiến cho trong xóm ngoài làng không có tiếng oán, lời than thì đó chính là cái gốc của quốc nhạc vậy” (lời dẫn trong phim).

Lấy câu trả lời của Ức Trai làm cốt lõi, êkip làm phim đã giới thiệu với người xem nét độc đáo, tiêu biểu của văn hóa Thăng Long từ ngàn đời nay: đó là hội làng, là sinh hoạt âm nhạc tập thể diễn ra tại đình, chùa, đồng ruộng... Chính những sinh hoạt ấy đã gắn bó, kết nối cộng đồng, thể hiện cả trí tuệ và nhu cầu giải trí của người dân. Đó cũng là những buổi hát đối đáp, hát trống quân của trai gái để thành đôi thành lứa, là nơi giữ gìn hạnh phúc, duy trì nề nếp và hương ước làng, thể hiện sự kính trọng đối với tiền nhân. Chừng ấy thứ để trả lời cho câu hỏi của vua Lê Thái Tổ về quốc nhạc nhưng cũng lại đặt ra câu hỏi cho hôm nay, khi cái gốc của một nền văn hóa đã ít nhiều mai một và như thể chỉ được giữ gìn bởi niềm đam mê đắm đuối của một số ít người...

Nếu tập 1 của bộ phim nói về âm nhạc của Thăng Long xưa thì trong tập 2, cái mới của âm nhạc Tây đã được thể hiện khi dòng âm nhạc này xuất hiện giữa một nền văn hóa mà âm nhạc dân gian đang chiếm lĩnh. Những nhạc phẩm pha trộn giữa dân gian và hiện đại như Hò hẹn (Đinh Thìn viết cho sáo Mông), khúc Kể chuyện ngày mùa với tiếng nhị trầm bổng của nghệ sĩ Thế Dân như cứa vào lòng người nghe...

Nhưng cái tinh tế của âm nhạc hiện đại trên nền âm nhạc dân gian phải kể đến đó là tác phẩm Tiếng vọng của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh viết cho kèn bóp và dàn nhạc. Tiếng kèn bóp của nghệ sĩ Minh Anh tạo nên không gian xa xăm, xưa cũ như làn khói, như tiếng than từ ngàn xưa vọng lại. Tiếng vọng ấy dường như lại được vang lên từ những âm thanh đầu tiên trong lòng tre, gỗ - những âm thanh đã gắn bó với người dân Việt ngàn đời nay.

Với mong muốn làm một bộ phim âm nhạc về Thăng Long, NSND Trần Văn Thủy và đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung đã phần nào thể hiện được chất Thăng Long trong từng câu hát, từng điệu hò với lối dẫn chuyện độc đáo bằng những áng thơ của vua Thái Tổ Lý Công Uẩn và bằng câu trả lời của Nguyễn Trãi về quốc nhạc.

* “Bộ phim đã giới thiệu được một số tư liệu tiêu biểu của âm nhạc Thăng Long - Hà Nội. Tập 1 có nhiều cảnh rất xúc động khiến tôi rơi nước mắt, nhất là bài hát ru của người mẹ trẻ bên cánh võng. Hình ảnh rất đẹp. Người làm phim rất giỏi vì đã tạo nên được những hình ảnh đẹp và nhiều cảm xúc như thế. Cách chọn các ca khúc, làn điệu trong phim rất tốt. Tôi rất hài lòng và rất xúc động khi xem bộ phim này”.

* “Cho đến nay có thể coi đây là tổng tập đầu tiên về âm nhạc với những góc quay, hình ảnh đẹp, trang trọng và thật sự lôi cuốn cho thấy rõ sắc màu âm nhạc của dân tộc”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên