15/09/2010 05:18 GMT+7

Xem chuyện tình của Nguyễn Du

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Từ kịch bản đoạt giải nhất cuộc thi "Kịch bản điện ảnh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" của tác giả Văn Lê, bộ phim Long Thành cầm giả ca sẽ công chiếu trên toàn quốc từ ngày 1-10.

Long thành cầm giả catranh giải tại LHP quốc tế VNĐạo diễn Đào Bá Sơn làm phim Long thành cầm giả ca: Về những vẻ đẹp đã mất

68xUfay2.jpgPhóng to

Cầm (Gái, Nhật Kim Anh thủ vai, thứ hai từ trái sang) ở lứa tuổi trăng tròn… - Ảnh: Hãng phim Giải Phóng cung cấp

Sáng 14-9 tại TP.HCM, Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Ðào Bá Sơn - Hãng phim Giải Phóng) đã có buổi chiếu đầu tiên giới thiệu với các nhà phát hành phim VN. Tên phim cũng chính là bài thơ đầu tiên trong tập Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du.

Long Thành cầm giả ca là một thi phẩm thể hiện nỗi xót thương thân phận nàng ca nữ Thăng Long (trong phim cô có tên Gái, sau được thầy dạy nhạc đặt cho tên Cầm) mà nhà thơ có cơ duyên hai lần gặp gỡ. Sau những biến cố bãi bể nương dâu, lần tái ngộ nàng ca nữ đã tàn úa phôi phai.

Và điểm đặc biệt trong bài thơ này còn ở chi tiết đây là lần duy nhất Nguyễn Du nhắc đến nhà Tây Sơn, cảm thương cho sự sụp đổ chóng vánh của một cơ nghiệp: Nghiệp Tây Sơn đã xa bay, Còn chăng sót lại người này mà thôi.

Một chuyện tình trong thời loạn lạc

Lấy cảm hứng chính từ bài thơ, các nhà làm phim đã cố gắng đưa vào phim một câu chuyện hư cấu dựa trên những dấu mốc chính của lịch sử thời vua Lê chúa Trịnh, nhà Tây Sơn và cuộc đời nàng ca nữ như chứng nhân cho sự hưng - vong của một thời kỳ lịch sử VN những năm cuối thế kỷ 18. Cô bé tên Gái lớn lên ở một làng quê bình an, cái khác thường duy nhất nơi cô có lẽ bởi xuất thân cô là con của một ca nữ.

Và vì thế nghiệp dĩ của cô là phải theo nghề của mẹ, trở thành một đào nương. Những hình ảnh đầu tiên của cô bé Gái trước khi lên thành để học nghề cầm ca được thể hiện rất gợi cảm, và những nhấn nhá cho khán giả một sự bất an mơ hồ về cô bé Gái khi rời khỏi vòng tay mẹ. Câu chuyện mở ra từ đây, với không chỉ chuyện của Gái mà còn là chuyện thế sự, chuyện vận mệnh nước nhà, những suy vong và những cuộc gặp gỡ đã thành định mệnh.

Nhật Kim Anh (Gái - Cầm) có vẻ đẹp khá khác lạ, không quá rực rỡ và thần sắc hơi ngơ ngác. Chi tiết mỗi khi Gái khóc chỉ một bên mắt có dòng lệ chảy, mắt kia còn sáng để nhìn đường mà đi đã tạo cho nhân vật một dấu ấn khá riêng biệt. Quách Ngọc Ngoan (Nguyễn Du - Ngọc Ngoan cũng chính là người thủ vai Lý Công Uẩn trong phim Khát vọng Thăng Long) có ngoại hình hơi sắc hơn so với phần lớn hình dung về một Nguyễn Du nhà thơ nhưng diễn khá tròn vai.

Ở trường đoạn cuối, khi Nguyễn Du đã chớm già, cách diễn tiết chế của Ngọc Ngoan trước nàng ca nữ tàn phai ít nhiều đã lấy được xúc cảm của khán giả khi anh thể hiện thành công sự thương xót chừng mực - cách thương xót không khiến nàng ca nữ tên Gái bị tổn thương mà vẫn cho thấy sự xót xa, nhạy cảm của một nhà thơ trước biến đổi khôn lường của cuộc đời. Khán giả sẽ gặp lại một số diễn viên quen thuộc và bất ngờ trước diễn xuất của họ như diễn viên Trần Lực, Ðỗ Kỷ hay Bùi Bài Bình.

Quá nhiều chi tiết lịch sử

Nhịp phim Long Thành cầm giả ca không đều, tạo cảm giác đạo diễn chưa thật sự làm chủ được diễn tiến của câu chuyện nên chưa nhấn được những chỗ cần thiết để người xem đủ rung động (như với câu chuyện riêng của Nguyễn Du và nàng ca nữ tên Cầm), trong khi lại quá dài dòng ở một vài mạch chuyện khác.

Có lẽ lỗi này do các nhà làm phim đối mặt với một số lượng không nhỏ những "mảnh" lịch sử và tiếc đến độ không nỡ bỏ mất một mảnh nào. Chính vì thế nên số nhân vật có tên trên phim hơi nhiều nhưng lại không đủ chiều sâu số phận để tác động đáng kể đến chuyện phim.

Nhiều chi tiết lẽ ra có thể làm hay hơn lại bị giảm thiểu và dễ dãi nên hơi phí. Ví dụ như đoạn cô bé Gái được mẹ chăm chút thay đồ (trước khi cô đi xa) sau tấm mành tre được quay đẹp, gợi cảm bao nhiêu thì cơn say của nàng ca nữ Cầm trong vòng tay của Nguyễn Du lại bị trần trụi, thiếu sự tinh tế bấy nhiêu. Ánh sáng có lỗi không nhỏ trong những đoạn này và phần lớn ánh sáng trong phim đã được khống chế không tốt nên cảnh đêm mà ánh sáng như ngày.

Thoại của Long Thành cầm giả ca dày đặc. Phải chăng sự mong muốn "ôm" hầu hết các biến cố lịch sử xảy ra trong thời điểm Nguyễn Du sống đã khiến các nhân vật được giao một trách nhiệm nói nhiều hơn mức bình thường, nói thay hình ảnh phim. Thêm nữa, những đánh dấu sự thay đổi về thế cuộc, không gian và thời gian cũng được đọc lời ngoài hình thay vì dùng chữ như cách làm phim thông thường khác.

Và một lỗi cơ bản nhất mà phim VN vẫn không tránh được là lồng tiếng. Nếu như các đạo diễn Việt kiều đều rất sợ phải lồng tiếng vì họ cho rằng đó là nguyên cớ cho diễn xuất của diễn viên bị giả, Long Thành cầm giả ca lại mắc lỗi này. Vì vậy thoại của các nhân vật trong phim vô cùng quen thuộc với khán giả xem phim... truyền hình, một màu và thiếu cá tính.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên