Phóng to |
Đã có rất nhiều thế hệ người làm múa rối VN miệt mài “chạy sô” từ Nhà hát Múa rối VN (361 Trường Chinh) đến rạp 17 Lý Nam Đế, rồi lại vòng về rạp Hồng Hà trên phố Đường Thành mong xem hết chương trình của các nước trong năm ngày liên hoan.
Rối cạn: to và nhỏ, tinh tế và ngô nghê
Nghệ thuật múa rối ở VN nói chung và rối nước nói riêng đang trong quá trình tự mày mò. Tuy nhiên, trong sự khó khăn của nghề, sự đam mê của các lớp diễn viên ngày càng “teo” đi. Còn lo miếng ăn thì làm sao chuyên tâm vào nghệ thuật được. Hơn nữa, cơ chế bao cấp của Nhà nước cũng có tính hai mặt. Một mặt tạo cho nghệ sĩ một mức lương tối thiểu. Nhưng mặt khác cơ chế này sinh ra sức ì rất lớn, tính lười sáng tạo và thậm chí vô trách nhiệm với nghề. Từ đó dẫn đến việc chúng ta ăn mòn vào quá khứ, có cái gì ăn cái đó, chẳng cần phải sáng tạo thêm nữa. Trong số đông người làm nghề vẫn có những người say mê, nhưng đó là những cá nhân ít ỏi và không thể tạo ra nhiều đột phá. |
Rối tre, rối bóng, rối tổng hợp... những màn rối cạn dưới sự điều khiển của bàn tay nghệ nhân khéo léo đã làm nức lòng khán giả Hà Nội suốt năm ngày qua.
Mỗi suất diễn kéo dài khoảng 40 phút nhưng khán giả đến trước giờ mở màn từ cách đó nửa giờ.
Đặc biệt, các suất diễn của đoàn Trung Quốc, Singapore, Indonesia... thu hút rất đông người xem. Đoàn Trung Quốc có mối tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, đoàn Myanmar có Vũ điệu của người đàn bà cuồng tín (một vũ điệu múa rối khá cổ), đoàn VN thì có Lý Thông - Thạch Sanh, Xúy Vân giả dại...
Với các nghệ nhân rất trẻ và các trích đoạn khá đơn giản, nhưng buổi diễn tại rạp Hồng Hà chiều 7-9 của đoàn Myanmar khiến các nghệ sĩ VN phải tấm tắc về độ tinh xảo và đẹp mắt của con rối.
Tuy nhiên, buổi biểu diễn tối 7-9 của đoàn múa rối Indonesia mới thỏa lòng những người đang mỏi mắt tìm kiếm sự phá cách trong biểu diễn rối. Vở diễn kể về người anh hùng trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ. Với những hình chiếu video art lên toàn bộ nền sân khấu, khán giả có thể song song chứng kiến hai hình ảnh: một là hình ảnh thực của những chú rối que, hai là sự kết hợp rối bóng và trình chiếu video art. Nghệ nhân dẫn chuyện dí dỏm và thông minh.
Và sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến dàn nhạc biểu diễn - những chàng trai Indonesia đeo mặt nạ, sử dụng kết hợp nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ hiện đại truyền cảm hứng cho người xem bằng âm nhạc.
Rối cạn VN dù tham gia với lực lượng khá hùng hậu cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phục trang và bài trí sân khấu vẫn khiến khán giả mất kiên nhẫn. Xem đi xem lại, rối cạn VN thiếu hẳn sự tinh tế từ khâu kịch bản đến dàn dựng sân khấu... Lời thoại thô mộc, tạo hình nhân vật rối thô sơ.
Một thành viên ban giám khảo thẳng thắn: “Múa rối là nghệ thuật của sự tinh tế, xinh xắn, nhưng tôi không hiểu sao chúng ta cứ nhầm lẫn rằng sân khấu hoành tráng, to lớn là hay. Như thế chẳng khác nào chúng ta phóng to sự ngô nghê của mình cho bạn bè quốc tế xem!”.
Nỗi cô đơn của rối nước
Có lẽ điều ấn tượng nhất của VN trong liên hoan múa rối lần này vẫn là rối nước. Giữa hàng chục tiết mục rối que, rối bóng thì rối nước không có đối thủ. Đơn giản bởi môn rối được sinh ra nơi ao làng của những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước chỉ có ở VN. Hàng chục năm nay chúng ta đã tự hào có rối nước và ít ai thấu hiểu rối nước cũng có nỗi cô đơn riêng.
Chưa nói đến việc tạo hình con rối vẫn như muôn năm cũ, một buổi diễn quanh quẩn với những trò xưa tích cũ như đi cấy, úp cá, múa rồng phượng... thì rối nước VN chẳng biết nhìn ai để thấy rằng mình lười sáng tạo.
Rối Indonesia ban đầu chỉ là rối que, rối bóng nhưng từ nhiều năm nay họ tăng cường tính tương tác và trình chiếu video art.
Cũng đã quá lâu rồi người xem không bị “hớp hồn” như vở rối nước Hồn quê trong Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 1-2008. Đó là một trong những vở rối hiếm hoi kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật rối nước truyền thống và các yếu tố của nghệ thuật đương đại.
Một khán giả từng là diễn viên múa rối thở dài: “Rối của ta, nhất là rối nước, ít trò quá. Cả đời làm nghề của tôi chỉ quẩn quanh với mấy trò quen thuộc”.
Nhà hát Múa rối VN mang đến một chương trình múa rối có tên Truyện kể Andersen. Nhiều thế hệ múa rối và cả khán giả VN tỏ ra hài lòng với một chương trình rối được dàn dựng công phu, khâu kịch bản được chú trọng. Tiết mục này được các diễn viên nhà hát tập từ đầu năm 2010 để tham dự liên hoan.
Tuy nhiên, những tích cực đó vẫn chỉ dừng lại ở việc dựng một câu chuyện hay bằng ngôn ngữ của rối nước. Hơn nữa, kịch bản này đã bắt đầu được dàn dựng từ năm 2005.
Sau cuộc so tài lần này, có thể hi vọng múa rối VN tìm thấy con đường đi riêng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận