17/07/2010 18:31 GMT+7

Cuốn sách cho tôi niềm tin

NGUYÊN NGHI
NGUYÊN NGHI

TTO - Không giống như những tự truyện, những hồi ký tôi đã đọc trước đây, Tự truyện Trần Văn Khê - những câu chuyện từ trái tim không phác họa lại chân dung một con người với hàng loạt trầm kha dâu bể của người ấy.

Đó đơn giản chỉ là những lời nhắn nhủ yêu thương của một ông cụ đã đi gần hết một đời người dành cho lớp hậu sinh.

GS Trần Văn Khê và tuổi 90 cùng sách

ktkLJfzu.jpgPhóng to

Dù trong phần Thay lời tựa, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê viết: “Mong các bạn trẻ không coi đây là những bài học”, nhưng khi đọc xong 12 câu chuyện trích ra từ 90 năm cuộc đời của ông, người trẻ là tôi vẫn nhận thấy mình cần phải học ở ông rất nhiều. Học cách “làm chủ bản thân trước những hỉ nộ ái ố là điều quan trọng để bạn có thể thực hiện được những điều mình mong muốn và có một cuộc sống buồn ít hơn vui”.

Học cách dựa vào chính mình để “vượt khỏi bóng mây buồn của tuổi thơ mồ côi", học cách lạc quan để đấu tranh với bão táp bệnh tật, học cách thích nghi với hoàn cảnh để khắc phục những khó khăn trước mắt hay lâu dài, học cách kiên định thực hiện lý tưởng của đời mình dù phải vượt qua bao chông gai khốn khó, học cách chế ngự cơn giận bằng việc “uống hai ba ly nước, đi chầm chậm đôi ba bước, khi đang giận thì không nên hành động, chuyện gì cũng dừng lại”... Mỗi bài học được chắt lọc ngắn gọn từ những trải nghiệm sinh động của giáo sư theo chiều dài cuộc đời.

Tôi cũng học từ giáo sư lòng yêu thương không chỉ dành cho con người mà cho những đồ vật vô tri vô giác và trên hết là yêu thương Tổ quốc. Trong tự truyện, trước sau như một, giáo sư khẳng định ông yêu bằng lý trí, nhưng tôi biết có một điều ông yêu bằng cả trái tim và khối óc, đó là Tổ quốc. Tình yêu đó sâu sắc, lớn lao đến mức khiến ông hi sinh những tình yêu khác để miệt mài theo đuổi sự nghiệp truyền bá âm nhạc truyền thống dân tộc suốt một đời, khiến ông dù bôn ba xứ người hơn 50 năm vẫn rành rọt tiếng mẹ đẻ. Và chất văn rặt Nam bộ mà tôi đọc được trong cuốn sách hẳn là cũng do ông giữ gìn vì tình yêu lớn này.

Trước khi đọc tự truyện này, tôi thường hình dung giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê như một thần tượng, một nhân cách lớn nhưng cao xa, khó chạm tới. Còn bây giờ, khi đã nhìn ông qua Những câu chuyện từ trái tim, tôi cảm thấy giáo sư gần gũi biết bao. Tôi thật sự xúc động khi chia sẻ với giáo sư mong muốn “học đến ngày cuối cùng của hành trình đời người” và“được say sưa nói về âm nhạc trong cả những phút cuối cùng được sống”. Tôi trân trọng sự thật giáo sư bày tỏ trong câu chuyện Việt Nam luôn trong tim: “Tôi là người của công việc và luôn mong mỗi một giây phút sống của mình phải có ích cho đất nước. Nếu chỉ sống mà chỉ để ăn, uống, tồn tại như cây cỏ - thì chắc tôi không sống nổi. Bao giờ mà tôi thấy mình không có ích cho ai nữa thì chắc không cần đợi có bịnh, tôi cũng e không còn sức sống nữa”.

Nếu chúng tôi - những người trẻ - nghiêm khắc với mình hơn, biết hi sinh nhiều hơn những quyền lợi cá nhân trước mắt, biết kiên trì đi trên con đường mình đã chọn như giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê thì chắc hẳn chúng tôi sẽ thành công. Những câu chuyện của ông đã động viên tôi bước về phía trước, giúp tôi tin tưởng vào bản thân mình, tin tưởng vào tương lai do chính mình xây đắp. Bởi như giáo sư nói: "Ai cũng có thể thành công nếu có ý chí".

Tôi cũng đọc được từ cuốn tự truyện sự cố gắng của giáo sư và người chấp bút. Đó cũng là hành trình hai tâm hồn già và trẻ đi tìm sự đồng điệu, thông cảm và sẻ chia. Không dễ dàng gì để hai con người có tuổi đời cách nhau hơn nửa thế kỷ có thể hiểu nhau, cùng nhau thực hiện một cuốn sách. Và tôi mừng vì qua công việc của Đào Trung Uyên - người chấp bút - tôi thấy rằng lớp trẻ chúng tôi đã và đang được tin tưởng giao nhiệm vụ để chúng tôi làm tốt trọng trách kế thừa thế hệ cha anh.

Sách do NXB Trẻ, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News thực hiện tháng 7-2010.

NGUYÊN NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên