21/03/2010 07:52 GMT+7

Kim Khánh và vai diễn sau 19 năm chờ đợi

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Những ngày cuối tuần gần đây Kim Khánh có thói quen mới. Sau 12g trưa không ra đường, chỉ quanh quẩn trong nhà, sắp xếp đồ diễn, đọc lại kịch bản dù đã thuộc lòng, rồi 4g chiều đã làm tóc, 5g đã trang điểm.

Kim Khánh đến sân khấu Hoàng Thái Thanh rất sớm, có khi từ 6g, nôn nao chờ đến 8g để được trở thành một con người khác. Vai diễn trong vở kịch Trần gian phải có tình yêu, với chị, là niềm mơ ước đã thành sự thật sau 19 năm chờ đợi.

A92xmv2F.jpgPhóng to
Hai nghệ sĩ Kim Khánh và Thành Hội trong vở kịch Trần gian phải có tình yêu - Ảnh: GIA TIẾN

Cuộc đời nghệ thuật cần chữ duyên. Có lẽ Kim Khánh hiểu rõ điều này hơn ai hết. Chị chờ đợi một vai đầy đặn với những diễn biến tâm lý phức tạp, nội tâm giằng xé. Cái sàn gỗ đôi khi thật cũ kỹ, chẳng lộng lẫy, tưởng thật đơn giản, nhưng khi ánh đèn bật sáng, sân khấu như có ma lực và chị như một “con thiêu thân” âm thầm mơ ước mình được đứng trên đấy. Nhưng “con thiêu thân ấy” chỉ giữ mơ ước cho riêng mình.

Vai diễn trong mơ

Một tối tháng 11-2009, đạo diễn Ái Như gọi điện cho Kim Khánh và mời chị vào một vai với hai tính cách trái ngược trong vở kịch mới. Đó là Bích Trầm, người phụ nữ giàu có, yêu nghệ thuật, bị lừa tình nên thành chua ngoa và Mưa (cũng là Trầm bị tai nạn, mất trí nhớ) khờ khạo, cả tin, đáng yêu đến tội nghiệp. “Tôi nói chuyện rất lâu với chị Như về vai diễn và cuối cùng đã thổ lộ vai diễn này là mơ ước từ lâu của tôi” - Kim Khánh kể.

Đây không phải là lần đầu tiên Kim Khánh diễn kịch. Vai diễn cựu người mẫu Thạch Ngọc trong vở Tôi là ai? (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh) hồi năm 2007 là vai đầu tiên trên sân khấu kịch của chị. Kết vở,Thạch Ngọc phát điên khi nhận ra bị chồng, bạn thân, những người xung quanh phản bội và đèn tắt. Lần đầu đó, cảm xúc của vai diễn hầu như chưa được truyền tải trọn vẹn. Còn bây giờ, ba năm sau, vai Trầm - Mưa đã đem đến một Kim Khánh khác. Người ta gọi đó là sự lột xác.

Vai diễn nặng ký trong một vở kịch tâm lý có kết cấu chặt chẽ giúp chị thể hiện được điểm mạnh của ánh mắt biết nói, của đài từ đã trở nên khỏe hơn, lúc thì nũng nịu, tội nghiệp, lúc thì ghê gớm, giận dữ. Những diễn biến phức tạp của những người phụ nữ được Kim Khánh thể hiện sống động với độ chín về nghề, kỹ thuật biểu diễn và kinh nghiệm sống.

“Cảm giác khi đóng kịch rất khác. Khán giả ồ lên, im lặng hay thở dài, diễn viên đều cảm nhận được ngay”. Được sống hết mình cuộc đời khác trên sàn diễn làm khuôn mặt chị rạng ngời. “Nghệ thuật cho tôi những điều mà tiền không mua được, cho tôi sâu sắc hơn con người mình - chị bật ra câu nói ấy rồi trầm ngâm...

Có một chuyện ngày xưa

Giải á khôi cuộc thi trẻ - khỏe - đẹp - thời trang năm 1991, vừa làm diễn viên múa và người mẫu đã giúp Kim Khánh lần đầu tiên bước vào điện ảnh với vai thứ chính, bên cạnh diễn viên Thu Hà và Trần Lực trong Đời hát rong của đạo diễn Châu Huế. Nhưng Kim Khánh chưa bao giờ là siêu sao.

Chị cũng đã qua thời thanh xuân - thời điểm thường được cho là “dễ thành sao nhất” và chị cười phá lên khi được hỏi về “khát vọng thành sao” của người làm nghệ thuật. Chị chỉ vào vết sẹo trên mu bàn tay và trên cổ. Đó là kỷ niệm của “giải thưởng” Trái cóc xanh mà báo Tuổi Trẻ Cười dành cho “ca sĩ hát dở nhất”. Buồn và suy sụp với rất nhiều lo lắng, băn khoăn, chị dại dột lấy axit nhỏ vào những nốt ruồi, hi vọng những nốt ruồi xui xẻo biến mất sẽ giúp chị may mắn hơn. Vết sẹo ở cổ đã tan đi nhưng ở tay thì vẫn còn sau hơn 10 năm.

Vượt qua nỗi buồn, Kim Khánh tiếp tục hát, đi đóng phim vì “nếu không làm thì chết mất”. “Kịch ngắn, kịch dài, Trong nhà ngoài phố, điện ảnh, phim nhựa, cái gì mình cũng có mặt” - Kim Khánh kể về công việc của mình, vẫn đầy hào hứng. Cứ lao vào yêu nghệ thuật và vai diễn Thảo Linh - cô thư ký xinh đẹp, thông minh và xảo trá trong Lưới trời (đạo diễn Phi Tiến Sơn) đem lại cho chị giải Mai vàng của báo Người Lao động năm 2003.

Đóng nhiều phim, có những vai câm, không có thoại, chỉ cầm hồ sơ đi bên cạnh một ngôi sao, nhưng vẫn “vui quá, thích quá”. Lao động nghệ thuật khiến chị trở thành gương mặt quen thuộc của điện ảnh và truyền hình VN, nhưng không phải trên sân khấu.

Cho đến khi “gặp” Bích Trầm và Mưa.

oOo

Kim Khánh muốn khán giả nhớ tới mình, nhưng điều chị mong muốn hơn là tìm được ý nghĩa trong từng vai diễn. “Nếu họ nhớ tới tôi thì tuyệt vời quá, nhưng tuyệt vời hơn là họ nhớ tới Trầm hay Mưa và hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, hiểu rõ tiền không đem lại hạnh phúc và hạnh phúc chỉ có thể lâu dài bởi vẻ đẹp tâm hồn”.

Khái niệm thành công của Kim Khánh thì đơn giản: được làm những gì mình thích và cảm thấy vui. “Cái làm con người hạnh phúc là từ tâm hồn. Tôi làm nghệ thuật thì thấy vui, sung sướng khi được diễn, được sống với nghệ thuật. Đừng bắt tôi làm gì khác nhé” - người nghệ sĩ đa đoan lại nồng nhiệt nói.

Nghệ sĩ Hữu Châu

Về mặt nghề nghiệp, tôi thấy hiếm có ai luôn khát khao được làm nghề một cách nghiêm túc như Kim Khánh. Trong thời gian tập vở Tôi là ai ở Idecaf, khi tôi chỉ cho Khánh một cách diễn nào đó, lập tức cô ấy thực hành ngay rồi qua hôm sau lại đề nghị tôi thị phạm lần nữa để nhớ. Dù không được đào tạo chính quy ở trường sân khấu hay điện ảnh, nhưng tôi dám chắc Khánh hơn hẳn một số diễn viên khác có học trường lớp trong việc có trách nhiệm với vai diễn của mình. Theo tôi, đó là điều cực kỳ quan trọng của một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên