08/12/2008 08:03 GMT+7

Vua Trần Nhân Tông và công cuộc mở cõi

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Sau cuộc hội thảo nhân 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông diễn ra vào ngày 26-11 tại Hà Nội, tại TP Huế chiều 7-12, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học kỷ niệm 750 năm ngày sinh đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 2008).

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử và các vị chức sắc trong hàng giáo phẩm Phật giáo từ Hà Nội, TP.HCM và ở Huế đã tham dự. Các tham luận và ý kiến trao đổi đề cập nhiều về cuộc đời, sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông, một vị anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn hóa lớn, vị tổ sư khai sáng dòng thiền của riêng VN; đặc biệt làm rõ hơn về vai trò then chốt của vị vua trong công cuộc khai tiến đất phương Nam một thời...

edFcG382.jpgPhóng to
Đền thờ đức vua Trần Nhân Tông trong ngày khánh thành - Ảnh: Th.LỘC

Khánh thành đền thờ đức vua Trần Nhân Tông

Sáng qua 7-12, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã long trọng tổ chức đại lễ khánh thành đền thờ và kỷ niệm 750 năm ngày sinh đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân, vùng núi Ngũ Phong, TP Huế.

Công trình do Công ty cổ phần du lịch Hương Giang - Huế làm chủ đầu tư. Đền thờ chính là một kiến trúc theo hình thức cổ lầu dựa lưng vào núi Ngũ Phong, nơi đặt tượng thờ Trần Nhân Tông bằng đồng cao 3m, nặng 2 tấn. Cùng ngày, Trung tâm Sách kỷ lục VN đã trao chứng nhận đôi rồng chầu tại đền thờ vua Trần Nhân Tông dài nhất VN.

Đức hi sinh của người mở cõi

“Bây giờ đây chúng ta ngồi lại cùng nhau trên mảnh đất mà 700 năm về trước Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đem lại cho đất nước chúng ta. Nói về ngài vừa để tôn vinh vừa để nói với con cháu trong tương lai về tổ tiên mình!” - nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát, Viện Nghiên cứu Phật học VN, tác giả Toàn tập Trần Nhân Tông - mở đầu phát biểu của mình làm cả hội trường nín lặng trong xúc động.

Bởi lẽ, nói theo tác giả Lê Cung (TP Huế) thì Trần Nhân Tông chính là “người thiết kế, là ngọn nguồn của công cuộc mở nước, công cuộc Nam tiến của Việt tộc”. Ðó cũng là nội dung chủ đạo mà nhiều tác giả bàn đến xung quanh sự kiện thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã chu du xứ Chiêm Thành, và chấp thuận gả con gái yêu duy nhất cho vua Chiêm, đem đất Ô Lý về với Ðại Việt.

Nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý (Huế) diễn giải cảm giác của vua Trần Nhân Tông đương thời khi đem con gái gả cho vua Chiêm: “Thật đúng Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị tiên tri nhìn ra vận mệnh của đất nước từ lâu lắm rồi, hơn 700 năm về trước. Châu Ô, châu Lý vừa là “cửa sinh”, vừa là “cửa tử”. Cửa tử cho chính Trần Nhân Tông và Huyền Trân. Và chính vị Phật hoàng đã khai mở cửa tử ấy để trở thành cửa sinh của dân tộc. Ðây đích thực là gương hi sinh rạng rỡ, huyền nhiệm đến mức lạ lùng”.

Trên thực tế, công cuộc Nam tiến bắt đầu từ thời nhà Lý vào thế kỷ 11 với vùng đất ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính sáp nhập vào đất Ðại Việt (ngày nay là toàn bộ tỉnh Quảng Bình và phần phía bắc tỉnh Quảng Trị), kết quả của cuộc chinh phạt vào tận Ðồ Bàn bắt vua Chiêm Chế Củ đem về. Ðến thời Trần đầu thế kỷ 14, cuộc hôn phối lịch sử giữa công chúa Huyền Trân với vua Chiêm Chế Mân và món quà sính lễ là hai châu Ô, Lý (từ phía nam tỉnh Quảng Trị vào đến sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam) kéo dài thêm đất Ðại Việt.

Như vậy kể từ ngày nhà Lý vượt đèo Ngang mở đầu, cuộc Nam tiến chững đến hơn 200 năm mới được tiếp tục dưới hình thức nhẹ nhàng bằng một cuộc hôn nhân. Và trong suốt 700 năm, bao giờ công cuộc ấy cũng thấp thoáng dáng dấp của tuyệt sắc giai nhân Trần Huyền Trân. Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà nghiên cứu thì đằng sau giai nhân chính là vua Trần Nhân Tông, và đằng sau đó nữa là cả dân tộc Ðại Việt, với một sức mạnh đủ để nhiều lần chiến thắng quân Nguyên Mông, tạo ra một đội ngũ lưu dân hùng hậu tiến về phương Nam, lập tiền đề vững chắc cho công cuộc Nam tiến liên tục và xuyên suốt...

Sự nghiệp lừng lẫy, tôn vinh chưa xứng tầm

Sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông lừng lẫy như thế, song trên thực tế việc tôn vinh chưa xứng tầm làm nhiều nhà nghiên cứu ưu tư. Tác giả Ðỗ Bang (Huế) nhận xét: “Những công trình kỷ niệm và tôn vinh Trần Nhân Tông hầu như không đáng kể, rất ít thành phố lớn đặt tên đường Trần Nhân Tông, nếu có lại chọn những con đường nhỏ... Tại sao Trần Nhân Tông chỉ là chiếc bóng mờ của lịch sử, luôn đứng đằng sau những kỳ tích chói sáng do ông tạo ra?”.

Dẫn lời của vua Tự Ðức: “Công đức nhà Trần thật là to lớn vô cùng, kể ra từ đời họ Hồng Bàng trở xuống chưa bao giờ nước ta được thịnh trị như đời Trần Nhân Tông vậy” - tác giả Nguyễn Ðắc Xuân (Huế) cho rằng Tự Ðức “vốn là người sùng đạo Nho, giỏi thơ văn kinh sử, tự hào về sự huy hoàng thịnh trị của triều Nguyễn mà đã phải hạ bút viết như thế”.

Dẫn dụ đó làm nhiều người suy nghĩ cần thiết phải làm ngay những gì đối với vị danh nhân của đất nước trong thời đại ngày nay. Về điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nói: “Hãy mở đầu tiếp nhận những giá trị siêu việt của Trần Nhân Tông, tôi nghĩ rằng chúng ta nên đề xuất với Trung ương Ðoàn công việc này để làm sao giới trẻ tìm mà học được!”...

Tin bài liên quan

Vị anh hùng dân tộc khai sáng tư tưởng Phật giáo Việt NamTái hiện lịch sử nhà Trần tại HuếĐạo pháp đồng hành cùng dân tộcTrần Nhân Tông và tầm vóc của một thời đạiHuế: khánh thành đền thờ vua Trần Nhân Tông

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên