04/07/2011 18:50 GMT+7

Gợi ý giải Lý, Toán khối A thi đại học 2011

TTO
TTO

TTO - Mời các bạn xem gợi ý bài giải môn Lý, Toán khối A kỳ thi tuyển sinh đại học 2011. Bài giải này chỉ mang tính chất tham khảo. Trưa mai, TTO sẽ đăng bài giải gợi ý môn Hóa khối A, mời bạn đọc đón xem.

Gợi ý giải Lý khối A tuyển sinh đại học 2011Gợi ý giải Toán khối A tuyển sinh đại học 2011Đề Lý dài, nặng phần bài tậpThí sinh than đề Toán khó

4YHhUydX.jpgPhóng to

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn toán tại trường đại học Bách Khoa (ĐHQG, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hai môn thi Toán, Lý trong ngày thi đầu tiên, theo nhận xét cuả nhiều thí sinh đều khó. Tại các điểm thi đại học Xây dựng, học viện Ngân hàng, đại học Thủy lợi, đại học Công đoàn, các thí sinh cho biết đề Toán có đến 3 câu rất khó, những câu được xem là dễ cũng phải mất nhiều thời gian suy nghĩ, tính toán. Còn đề Vật lý, có khoảng chục câu hỏi khó, trong đó có 5-6 câu là những dạng câu hỏi rất lạ. Một số thí sinh là học sinh giỏi Vật lý cũng nhận xét “chưa gặp các dạng câu hỏi đó bao giờ”

Đề Lý: Câu khó nhiều hơn năm trước, phần tính toán nhiều

Nhận xét về đề Lý, thầy Phan Văn Sõi - trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM cho biết: Nhìn chung đề thi trắc nghiệm môn Vật Lý năm nay có số câu khó nhiều hơn năm trước, tính toán nhiều, nên học sinh không làm kịp giờ.

Số câu lý thuyết (12 câu) chiếm 24%: không khó, không cần suy luận.

Số câu tính toán chiếm 76%.

Phần dao động cơ học, sóng cơ có các câu khó: 23, 27, 30

Phần dòng điện xoay chiều, dao động điện từ có các câu khó: 2, 13, 28, 35, 36

Phần quang lý, hạt nhân nguyên tử: các câu không khó nhưng phải nhớ 1 số công thức đặc biệt để chọn nhanh đáp án.

Cấu trúc đề thi như mọi năm, theo đúng nội dung sách giáo khoa, nhưng có liên quan đến lớp 10, 11.

Đề thi có tính phân hóa cao hơn mọi năm. Số học sinh đạt điểm cao ít. Dự kiến, điểm sàn khối A sẽ thấp hơn năm trước.

Thầy giáo Hà Huy Bằng, Phó khoa Vật lý - ĐH Khoa học tự nhiên-ĐHQGHN nhận xét: "So với năm 2010, đề thi khó hơn. Có quá nhiều câu hỏi ra vào phần điện từ trường và dao động cơ, trong đó có những câu hỏi khó chỉ những học sinh giỏi mới có thể làm được và phải dành nhiều thời gian cho nó. Với thời gian trung bình 1,5 phút/câu hỏi thì thí sinh không thể trả lời được nhiều câu hỏi, như câu hỏi về con lắc vật lý, hạt nhân....). Đặc biệt, đề có một số ý lạ, khác với cách hỏi các năm và chắc chắn thí sinh cũng không được ôn luyện sâu. Đây sẽ là những câu khiến nhiều thí sinh bị mất điểm."

Thầy Bằng dự đoán điểm thi môn Lý năm nay sẽ chủ yếu 4-5 điểm, điểm 7 – 8 trở lên sẽ rất ít

Đề Toán khó hơn năm trước

TS. Nguyễn Phú Vinh - Trưởng Khoa khoa học cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, nhìn chung, đề toán khối A năm nay khó hơn năm trước, có 70% đề ra trong chương trình lớp 12 và 30% lớp 10 và lớp 11. Trong đề thi, hầu hết các câu đều có yêu cầu khá cao, học sinh từ khá trở lên mới có thể làm được. Chỉ có một vài câu nhỏ tương đối dễ, học sinh trung bình có thể làm được. Do đó với đề thi này, điểm Toán sẽ không cao. Trong đề thi có một câu cực kỳ khó, chỉ học sinh xuất sắc mới có thể làm được.

- Câu 1 là hàm số nhất biến: Phần 1 có thể học sinh dễ dàng kiếm điểm. Phần 2 thí sinh cần nắm vững định lý Vi-ét và các kỹ năng tính toán thuần thục thì mới giải được câu này. Câu này dành cho học sinh trung bình khá.

- Câu 2 : Phần 1 là phương trình lượng giác thí sinh cần vận dụng các công thức nhân đôi và các công thức biến đổi. Học sinh trung bình khá có thể hoàn thành tốt câu này. Phần 2 câu hệ phương trình gồm 2 ẩn x,y học sinh cần biết biến đổi các hằng đẳng thức để đưa hệ về dạng quen thuộc để giải, câu này học sinh khá trở lên mới có thể làm được.

- Câu 3 là câu tích phân xác định, đề hơi cồng kềnh, thí sinh cần phải tách và sử dụng công thức quen thuộc của du/u. Câu này dành cho học sinh trung bình.

- Câu 4 là câu hình học không gian thuần túy. Học sinh cần nắm vững công thức tính thể tích có đáy là hình thang vuông. Phần 2 tính khoảng cách, phải biết vẽ thêm để hình dung khoảng cách chính là đường cao của một tam giác vuông. Câu này học sinh khá trở lên mới có thể làm tốt. Câu này cũng có thể giải bằng công cụ hình giải tích trong không gian nhưng phần tính toán rất phức tạp.

- Câu 5 là câu này dành cho học sinh xuất sắc. Tìm giá trị nhỏ nhất của một biểu thức không đối xứng và điều kiện ràng buộc cũng không đối xứng nên là một câu cực khó. Đây là câu phân loại thí sinh, không nhiều thí sinh làm được câu này.

- Câu 6a.1 là câu hình giải tích phẳng. Thí sinh phải biết tính IM2 sau đó đặt tọa độ của M theo tham số của IM2 = 25 để giải ra tham số m. Câu 6a.2 là câu hình giải tích không gian: học sinh cần tìm phương trình của đường thẳng là giao tuyến của mặt phẳng trung trực của AB và mặt phẳng (P). Sau đó đặt tham số của điều kiện MA = MB = 3. Cả hai câu này dành, học sinh khá trở lên mới có thể hoàn thành tốt.

- Câu 7a là câu số phức đơn giản học sinh trung bình có thể lãnh trọn điểm này.

- Câu 6b.1 là câu hình học giải tích Conic, học sinh cần ứng dụng bất đẳng thức Côsi để tìm ra lời giải cuối cùng. Câu này dành cho học sinh khá. Câu 6b.2 là câu hình giải tích không gian . Học sinh cần phải đặt tham số của tọa độ B đơn giản rồi từ điều kiện tam giác OAB đều để tìm ra các tham số đó. Câu này dành cho học sinh khá.

- Câu 7b là câu số phức, phức tạp hơn câu số phức ở trên nhưng biến đổi cũng đơn giản. Câu này dành cho học sinh trung bình.

Thầy giáo Hoàng Trọng Hảo, tạp chí Toán học tuổi thơ nhận xét đề thi có ba câu khó là câu 1 ý 2, câu 2 ý 2 và câu 5. Thầy Hảo nói: "Một đề thi có đến 3 câu hỏi phân hóa thí sinh lại có độ khó tương đương nhau theo tôi là không được hợp lý. Điều đáng nói là ba câu này không có hướng giải chung, nếu thí sinh giỏi tìm ra cách giải một câu sẽ có thể làm được cả ba câu. Ngược lại, thí sinh sẽ phải bỏ lại cả ba câu này." Thầy Hoàng Trọng Hảo nhận định phổ điểm môn Toán sẽ chụm ở khoảng 6-7 điểm, điểm 9, 10 sẽ khan hiếm

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên