Phóng to |
Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn nhóm ngành Kỹ thuật - công nghệ - nông lâm - y dược - Ảnh: NHƯ HÙNG |
PGS TS Ngô Kim Khôi: Kỳ thi tuyể sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2011 về cơ bản giữ ổn định như những năm trước theo giải pháp ba chung. Đây là năm thứ 10 áp dụng phương pháp ba chung. Năm nay, HS là người nước ngoài muốn học tại các trường VN thì hiệu trưởng các trường kiểm tra kiến thức, trình độ tiếng Việt để xem xét cho vào học.
Với HS khuyết tật thì căn cứ mức độ khuyết tật của HS để ưu tiên cho các em có điều kiện tối đa được học các trường ĐH và CĐ. Đối với thí sinh, trước khi làm bài các em phải ghi đầy đủ họ tên, số báo danh vào giấy thi và giấy nháp, có chữ ký của cả hai cán bộ coi thi. Thời hạn phát hành các tài liệu về thi và tuyển sinh là trước 14-3-2011.
Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển là từ 14-3 đến hết ngày 14-4-2011. HS đang học THPT trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường đó. Thí sinh tự do nộp tại các địa điểm do Sở GD ĐT quy định. Về thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, các thí sinh sẽ nộp bắt đầu từ 25-8 đến hết ngày 15-9, kéo dài hơn so với năm trước năm ngày. Các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển NV2 trước ngày 20-9. Sau đó là hai mươi ngày để các em cân nhắc lựa chọn để nộp vào NV 3.
Về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và 3, có thay đổi ở chỗ: TS nộp hồ sơ vào các trường thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc trực tiếp tại trường. Các trường công bố công khai trên trang web của trường. Các em có thể thường xuyên cập nhật xem trường đã nhận chưa, các em đang đứng số bao nhiêu trong danh sách. Sau khi các em đã nộp hồ sơ, nếu các em có nguyện vọng rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác có khả năng trúng tuyển cao hơn thì vẫn được đề xuất với các trường để được rút hồ sơ.
Năm nay, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tăng hình thức chế tài và xử lý với các cán bộ vi phạm quy chế thi, để kỳ thi của chúng ta nghiêm túc, an toàn hơn. Thay mặt ban chỉ đạo TS của Bộ GD - ĐT, chúc các em một mùa thi tốt đẹp.
* Em nghe nói thi vào các trường ở TP.HCM khó đậu lắm. Vậy những thí sinh ở địa phương như em có gặp áp lực lớn khi thi vào các thành phố lớn không? Hay em nên học ở Cần Thơ?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Chúng ta thi theo phương thức ba chung, các em thi ở đâu cũng chung đề thi. Nhưng về mặt xét tuyển, mỗi trường ĐH có chỉ tiêu, điểm chuẩn khác nhau. Nếu em ham thích ngành mà mình đã chọn thì nên tham khảo điểm chuẩn tại các trường khác nhau xem có phù hợp với năng lực của mình không. Chọn đúng ngành, đúng trường thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao chứ không nên quá e ngại về việc thi các trường ở ĐB sông Cửu Long hay thi ở TPHCM.
- TS Đỗ Văn Xê: ngoài việc học thì sau khi trúng tuyển các em còn phải lo đến kinh phí ăn ở, học hành. Nếu kinh phí tốt thì thi và học ở TPHCM chắc chắn là có điều kiện tốt. Tuy nhiên các em nên tham khảo điểm chuẩn các trường để lượng sức mình.
* Em đăng ký dự thi ĐH Kiến trúc TPHCM và ĐH luật TPHCM. Theo quy định em sẽ thi ở ĐH Kiến trúc nhưng ở đợt thi thứ hai em có được thi TPHCM hay phải thi ở cụm thi?
- PGS TS Ngô Kim Khôi: Cum thi ở Cần Thơ sẽ tổ chức thi cho các thí sinh có hộ khẩu thường trú các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các em thi trường TPHCM nhưng thi ở Cần Thơ. Như vậy sẽ tiết kiệm được công sức và tài chính cũng như việc đi lại. Trường hợp em đi ôn luyện văn hóa tại TPHCM thì không yêu cầu thực hiện quy định trên, không cần thi ở cụm thi đã quy định mà có thể đến nộp hồ sơ cũng như dự thi trực tiếp tại các trường mà các em có dự định thi vào. Quy định là thi theo cụm nhưng quy định cũng vẫn tạo những điều kiện khác để hỗ trợ các em.
* Em là Võ Thị Mỹ Trinh, Trường THPT Thới Lai. Em muốn hỏi hiện nay giá trị của bằng liên thông ra sao và có gặp khó khăn khi xin việc làm không ạ?
- PGS TS Ngô Kim Khôi: các em có thể liên thông trung cấp lên cao đẳng, CĐ lên ĐH. Về văn bằng thì hệ chính quy và liên thông có giá trị ngang nhau, không phân biệt.
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Những năm gần đây các trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề cũng được thi và học liên thông.
Phóng to |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Em muốn làm bác sĩ nhưng sợ sức mình không đủ đậu ĐH, vậy em có thể học liên thông hay không, cần những tố chất nào để trở thành bác sĩ?
- Bác sĩ Trương Tấn Trung: Nếu bạn đã có định hướng như vậy thì ngay từ bây giờ phải trau dồi kiến thức, phấn đấu nhiều hơn những bạn khác. Khi đã tự tin vào khả năng của mình thì hãy đăng ký dự thi, đừng ngần ngại. Nếu có thi rớt thì cứ cố gắng thêm trong những lần tiếp theo. Còn nếu thi lần đầu mà cảm thấy lực của mình không đậu nổi thì hãy đăng ký học trung cấp của ĐH y dược Cần Thơ. Các bạn hãy nghĩ rằng: chúng ta phải học suốt đời và phục vụ cho xã hội. Tôi mong rằng các bạn sẽ thực hiện được hoài bão của mình.
* Trường ĐH Y dược tuyển sinh cả khối A lẫn B, vậy đào tạo có khác nhau với đầu vào hay không?
- BS Trương Tấn Trung: ĐH y dược chỉ thi khối B, ba môn toán - hóa - sinh.
* ĐBSCL có những trường nào đào tạo y dược?
- BS Trương Tấn Trung: Hiện nay ĐBSCL có trường ĐH y dược Cần Thơ. Bên canh đó tất cả các tỉnh đều có cao đẳng y tế… Nếu không thi dỗ y dược TPHCM hay y dược Cần Thơ thì các bạn đăng ký học trung cấp hay cao đẳng tại tỉnh nhà để có thể theo nghề này.
* Bây giờ em rất hoang mang chưa biết chọn ngành nào? Em phải làm sao?
- TS Nguyễn Kim Quang: Trước hết để chọn trường, các em phải có sự tìm hiểu các trường ĐH, CĐ của VN hiện nay có những trường nào cùng đào tạo ngành em quan tâm. Mình hãy cân nhắc sở thích và năng lực của mình để chọn nghề. Sau khi chọn nghề, em phải chọn trường mà vài năm qua có điểm chuẩn tuyển sinh em có thể trúng tuyển được. Mặt khác, trường đó là công lập hay tư thục, học phí ra sao, địa bàn có phù hợp việc đi lại hay tài chính gia đình hay không? Sau đó, em tập trung nỗ lực học tập cho khối thi của mình.
* Máy tính casio 570 có được sử dụng trong kỳ thi CĐ, ĐH sắp tới không?
- PGS TS Ngô Kim Khôi: Tất cả các máy tính cầm tay không có thẻ nhớ, không có chức năng soạn thảo văn bản thì được sử dụng trong kỳ thi. Bộ GD ĐT sẽ công bố danh sách tất cả các máy tính cầm tay mà thí sinh được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi CĐ, ĐH.
* Trường ĐH Cần Thơ có mở phân hiệu ở Hậu Giang hay không, có xét tuyển các tỉnh khác hay chỉ đào tạo nhân lực cho Hậu Giang?
- TS Đỗ Văn Xê: Trường ĐH Cần Thơ có một khu đất 130 hecta ở Hậu Giang, đó là nơi phục vụ nghiên cứu, bảo tồn sinh vật. Năm 2010, trường đã đầu tư xây dựng để phục vụ giảng dạy. Sắp tới trường sẽ mở 6 ngành ở đó. Tuyển sinh rộng rãi chứ không chỉ dành cho thí sinh Hậu Giang.
* Ngành công nghệ may nước ta phát triển mạnh, tại sao ĐH Cần Thơ lại không đào tạo ngành này. Con học CĐ Cần Thơ và muốn liên thông lấy bằng ĐH thì phải lên TP.HCM học đúng không ạ? Còn có những trường ĐH, CĐ nào đào tạo ngành nghề này?
- TS Đỗ Văn Xê: để mở một ngành học cần yêu cầu về cơ sở giảng dạy và lực lựợng giảng viên. Hiện ĐH Cần Thơ chưa đủ điều kiện mở ngành may mặc. Em có thể tham khảo cuốn những điểu cần biết để tìm các trường có đào tạo ngành này.
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trường ĐH công nghiệp TP.HCM, ĐH bách khoa, ĐH sư phạm kỹ thuật, ĐH quốc tế Hồng Bàng… là một số trường đào tạo ngành dệt may.
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành may mặc thì có thể lên TP.HCM học tại trường hoặc học hệ vừa học vừa làm. ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM có liên kết với trường CĐ nghề Cần Thơ một số ngành học nhưng ngành công nghệ may nhu cầu chưa cao nên hiện nay chưa có, nếu có nhu cầu thì có thể mở trong thời gian tới.
* Học ngành bất động sản, quản lý đất đai ra trường làm gì?
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành này là ngành kinh tế kỹ thuật, trang bị những kiến thức kỹ thuật. ĐH nông lâm còn có chuyên ngành quản lý thị trường bất động sản. SV sẽ được trang bị thêm kiến thức về kinh tế: thẩm định giá đất và các tài sản trên đất, xây dựng dự án, quản lý đất đai. Các em có thể làm việc trong các công ty nhà nước và tư vấn có liên quan đến ngành này.
* Hoàn cảnh gia đình em còn khó khăn, nếu đậu ĐH thì có được miễn giảm học phí hay không và thủ tục ra sao?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Hiện nay các SV trúng tuyển sẽ được vay tín dụng và còn có chế độ miễn giảm học phí. Nhà trường sẽ chứng nhận để các em được vay tín dụng tại ngân hàng hỗ trợ chính sách các địa phương.
* Em muốn học về an toàn, bảo mật mạng, vậy em phải học ở đâu?
- TS Nguyễn Kim Quang: đây là ngành đang được quan tâm hiện nay, một lĩnh vực thuộc khoa học về công nghệ thông tin. Bạn có thể học trường đào tạo công nghệ thông tin. Nhiều trường đang đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau trong nhóm ngành CNTT. Một số trường tuyển theo ngành cũng có trường tuyển theo nhóm ngành. Đó là các ngành khoa học máy tính, hệ thống thông tin… Một số trường bạn sẽ học đại cương rồi học theo chuyên ngành mà bạn chọn.
* Em muốn học kiến trúc sư xây dựng, vậy em thi khối nào?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Ngành kiến trúc xây dựng, em có thể đăng ký ngành kiến trúc, thi khối A hoặc V. Em có thể tham khảo thêm trong cuốn Những điều cần biết sẽ phát hành trước 14-3. Các em quan tâm đến ngành nào thì cũng nên tính trước đến mong muốn làm việc trong tương lai. Ví dụ có người tốt nghiệp ngành điện - điện tử nhưng lại làm ở khách sạn New World. Vì trong mỗi một công ty, doanh nghiệp có rất nhiều vị trí tuyển dụng hết sức phong phú.
* Nông nghiệp phát triển nông thôn và nông nghiệp trồng trọt có gì khác biệt về đào tạo, khối thi và cơ hội việc làm?
- TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành phát triển nông thôn đào tạo những vấn đề về xây dựng nông thôn, điện đường trường trạm, phục vụ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Còn ngành nông nghiệp trồng trọt học tập trung cho trồng trọt, phát triển cây trồng. Cơ hội việc làm hiện nay khá cao.
Phóng to |
Rất đông học sinh đến nghe tư vấn nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ - Nông lâm - Y dược - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Em muốn làm việc trong viện lúa ĐBSCL thì phải thi vào ngành nào? Cần học tập ra sao để được làm việc ở đó?
- TS Đỗ Văn Xê: Em có thể học ngành nông học, trồng trọt. Nếu tốt nghiệp loại giỏi trở lên thì có thể xin ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu.
* Ngành hoa viên cây cảnh là ngành gì, cơ hội việc làm ra sao?
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành cảnh quan học thiết kế cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, có cơ sở nền tảng là ngành trồng trọt, cơ hội việc làm là tạo ra những cảnh quan đẹp, cơ hội việc làm khá cao tại các công ty dịch vụ, đô thị. Ví dụ TPHCM còn có dịch vụ thuê chăm sóc cây kiểng, tạo cảnh quan cho các khu mỹ quan…
Hoạt động tư vấn chuyên sâu tại Khu vực tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược, nông lâm…đã tạm thời kết thúc, PGS TS Ngô Kim Khôi , thường trực ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia có đôi lời nhắc nhở và có một số lời khuyên cho các bạn học sinh trước kỳ thi CĐ, ĐH đã gần kề. PGS TS Ngô Kim Khôi chia sẻ: Chúng tôi thay mặt các thầy trong ban tư vấn gửi lời cảm ơn tới báo Tuổi Trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh. Chúc các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
* Khi thi vào ngành y, khoa sản, đối với nữ có cần yêu cầu gì. Em cần học tốt những môn nào để chuẩn bị cho việc thi vào ngành này? Cơ hội làm việc ra sao?
- Th.S Bác sĩ Trương Tấn Trung: ngành cử nhân nữ hộ sinh là ngành dành cho các bạn nữ trẻ để phục vụ sức khỏe cho sản phụ khoa, là hoạt động hỗ trợ bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Bạn thi khối B ba môn toán, hóa, sinh. Sau khi trúng tuyển, bạn học hai năm đại cương. Năm thứ ba và tư bạn chuyên về chăm sóc sức khỏe cho sản phụ khoa trong kỳ thực tập. Bạn cũng được học chăm sóc trẻ sơ sinh trong chương trinh đào tạo. Cơ hội làm việc tại các bệnh viện hiện nay rất cao.
* Ngành hóa dược của ĐH Cần Thơ, sau khi tốt nghiệp có chương trình học dược sĩ, cần điều kiện gì để học tiếp thành được sĩ?
- Th.S Bác sĩ Trương Tấn Trung: Ngành hóa dược, em học những kiến thức cơ bản về hóa và phần chuyên sâu về ứng dụng hóa học trong ngành dược. Em có thể học tiếp ngành dược và được miễn một số môn đã học trong quá trình học hóa - dược.
* Ngành khoa học cây trồng đào tạo gì? Em thích trồng trọt thì nên học ngành nông học hay khoa học cây trồng?
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: ngành nông học, ngành trồng trọt và khoa học cây trồng đều đào tạo liên quan đến cây trồng. Ngành trồng trọt đi sâu về kỹ thuật trồng, ngành nông học học về điều kiện để gây giống, bảo vệ, chăm sóc cây trồng. Ngành khoa học cây trồng thì chuyên sâu nghiên cứu về cây trồng. Bạn cũng có thể học các ngành này tại Trường ĐH Cần Thơ.
* Ngành công nghệ thông tin có bao nhiêu chuyên ngành, mỗi ngành có gì khác biệt?
- TS Nguyễn Kim Quang: CNTT là ngành hiện nay rất phát triển với nhiều ngành đào tạo, một số trường đã mở các ngành nằm trong nhóm ngành CNTT như công nghệ thông tin (nói chung), khoa học máy tính, mạng máy tính và viễn thông, hệ thống thông tin… Khi vào học nhóm ngành này, bạn sẽ tìm hiểu xem sở trường của mình hợp với lập trình, kỹ thuật hay an ninh mạng, hay truyền thông… rồi lựa chọn cho phù hợp. Đào tạo CNTT ở một số trường sẽ mang những bản sắc khác nhau, các em có thể xem xét lựa chọn.
* Em muốn học dầu khí nhưng không biết khi ra trường mức lương ra sao, xin việc có dễ không?
- TS Nguyễn Văn Thư: dầu khí có các nhóm chuyên ngành về thăm dò, khai thác dầu khí, nhóm dịch vụ vận tải dầu khí và nhóm chế biến dầu khí. Các trường ĐH Bách khoa, ĐH mỏ - địa chất, ĐH Vũng Tàu và một số trường ở phía Bắc đều có các ngành này. Trường ĐH Giao thông vận tải hiện có đào tạo các ngành vận tải biển, các dịch vụ vận tải dầu khí. Cơ hội việc làm hiện nay rất tốt.
* Ngành quản lý công nghiệp học gì, điểm chuẩn bao nhiêu, cơ hội việc làm có cao không?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Trường ĐH Bách khoa và ĐH sư phạm TP.HCM đều có ngành này. Đây là ngành liên quan đến kinh tế và công nghệ nên các em vừa học về quản lý kinh tế công nghiệp vừa học về công nghệ. ĐH Sư phạm kỹ thuật điểm chuẩn ngành quản lý công nghiệp là 14,5 điểm và 16,5 cho NV2.
* Ngành công nghệ sinh học học những gì, thời gian đào tạo bao lâu, nếu rớt ĐH có thể học liên thông được không?
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: bạn sẽ học nghiên cứu về các quy luật tự nhiên để phục vụ cho nhiều lĩnh vực trong đời sống như phục vụ y học (thụ tinh ống nghiệm, chiết xuất thảo mộc, dược phẩm), phục vụ lĩnh vực thực phẩm, công nghệ môi trường (xử lý chất thải), ngành nông nghiệp (tạo ra giống cây trồng vật nuôi). Ngành này tương đối rộng, đào tạo trong 4 năm. Ra trường có thể làm ở công ty dược phẩm, công ty phân bón, thuốc trừ sâu, các sở ban ngành về môi trường….
* Em nghe nói có thể thi một ngành nào đó học một năm và thi vào một ngành khác học song song thì khi ra trường sẽ có hai bằng? Có đúng hay không?
- Thầy Đỗ Văn Xê: Ở ĐH Cần Thơ, sau khi học một năm, đạt điểm theo yêu cầu nhà trường, các em có thể học ngành thứ hai. Sau khi tốt nghiệp ngành thứ nhất các em học tiếp để hoàn thành tấm bằng thứ hai. Em có thể chọn ngành nào cũng được, khối nào cũng được nhưng nếu học những ngành gần gũi nhau thì sẽ giản lược các tín chỉ và rút ngắn được thời gian.
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Học thêm văn bằng thứ hai giúp các em có cơ hội việc làm tốt hơn. Một SV có thể học song song hai ngành (nói song song nhưng thường là chênh nhau một năm). Các em sẽ được chuyển điểm của các môn đã học trong ngành chính sang ngành thứ hai. Quy định về chuyển điểm thì mỗi trường có quy chế học vụ, các em có thể tham khảo tại phòng học vụ nhà trường.
* Học trung cấp y dược ở đâu? Có liên thông được không?
- Bác sĩ Trương Tấn Trung: Các trường ĐH y dược tại Cần Thơ và TP.HCM đều có hệ trung cấp. Bạn thi đại học rồi lấy điểm hai môn toán, sinh để xét tuyển, bạn học trong vòng hai năm rồi theo dõi chương trình tuyển dụng liên thông của các trường. Hiện cũng có liên thông từ trung cấp dược lên ĐH dược. Bạn có thể đăng ký ở ĐH y dược Cần Thơ.
* Em muốn thi tài chính ngân hàng của ĐH Cần Thơ nhưng đào tạo tại Hậu Giang. Vậy khi tốt nghiệp thì bằng của Hậu Giang cấp hay của ĐH Cần Thơ cấp?
- Thầy Đỗ Văn Xê: Khu Hòa An ở Hậu Giang là một cơ sở của ĐH Cần Thơ. Nếu em thi đậu và học tại cơ sở này thì cũng giống như mọi sinh viên khác của ĐH Cần Thơ, không có khác gì về bằng cấp.
* Ngành Kỹ thuật điện có bao nhiêu nhóm ngành và học những gì?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Ngành kỹ thuật điện ở Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM thuộc nhóm ngành điện công nghiệp. Các bạn sẽ học về các trạm truyền tải điện năng, hệ thống chiếu sáng, thiết bị điện công nghiệp. Ở ĐH bách khoa, ngành này nằm trong ngành điện - điện tử. Ngoài ra, nếu các bạn học những ngành có mã số SPKT phía trước, thì học trong vòng 4 năm rưỡi, được miễn hoàn toàn học phí, khi ra trường vừa có bằng kỹ sư điện hoặc kỹ sư cơ khí chương trình bốn năm, vừa có chứng chỉ sư phạm bậc hai thì cơ hội việc làm tốt hơn nhiều. Những ngành này chỉ khoảng 14 điểm nên dễ đậu hơn nhiều so với các ngành khác.
* Ngành cơ khí có bao nhiêu nhóm ngành? ĐH Cần Thơ có đào tạo ngành này hay không, điểm chuẩn bao nhiêu?
- Thầy Đỗ Văn Xê: ĐH Cần Thơ có cơ khí chế tạo máy, cơ khí chế biến và cơ khí giao thông. Những ngành này không có nhiều người thi nên năm ngoái lấy 14 điểm và có tuyển NV 2.
- TS Nguyễn Văn Thư: ngành này đang được đào tạo ở khoảng 49 trường ĐH nên các em có rất nhiều lựa chọn.
* Ngành cơ điện tử học gì?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Các thiết bị ngành này đều được tư động hóa. Các bạn sẽ học về cơ khí, điện tử và cả công nghệ thông tin. Các bạn thấy SV thi robocon đa số là từ ngành cơ - điện tử. Ngành này liên quan đến các thiết bị điều khiển tự động, cơ hội việc làm rất cao ở các công ty nước ngoài có dây chuyền tự động.
* Học bác sĩ đa khoa đào tạo bao nhiêu năm, thực tập ra sao? Học chuyên khoa tim mạch thì đăng ký ra sao?
- Bác sĩ Trương Tấn Trung: khi đã thi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa, mã số 301, chương trình 6 năm trong đó hai năm đầu là học thông tin đại cương. Sau đó bạn thực tập tại bệnh viện với các công việc như quan sát, hộ lý… Hết năm thứ 3, bạn sẽ vừa học lý thuyết về sinh lý học, sinh lý bệnh của từng bộ phận trên cơ thể con người và luân phiên học ở bệnh viện trong khoảng 11 tháng. Đến năm thứ sáu bạn sẽ được thực tập ở tất cả các bệnh viện trong thành phố. Bạn học giải phẫu bệnh, chẩn đoán, và đến năm thứ sáu có thể tham gia điều trị bệnh. Nếu tiếp tục thi vào hệ nội trú hoặc hệ ngoại trú, sau khi hoàn tất trường sẽ giữ lại bạn làm cán bộ giảng dạy. Nếu không đỗ, bạn làm việc hai năm nữa và thi vào chuyên khoa nội tim mạch. Chuyên khoa sẽ gắn liền với công việc của bạn sau này.
* Sự khác nhau giữa cơ khí chế biến và cơ khí chế tạo máy? Ngành nào ưu việt hơn trong thời đại mới?
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Có nhiều trường đào tạo ngành cơ khí. ĐH Nông lâm có ngành cơ khí nông lâm, cơ khí bảo quản chế biến nông sản, thực phẩm. Những ngành này nghiên cứu, chế tạo những thiết bị dùng để chế biến thực phẩm như máy xay, máy nghiền, máy trộn…
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Muốn chế tạo ra một chi tiết, bộ phận của một máy móc thiết bị thì phải qua các công đoạn hàn, điện, phay, bào. Ngành này bạn học để chế tạo ra các sản phẩm cơ khí. Đây là ngành cần thiết, cơ hội việc làm ổn định.
* Học bác sĩ tâm lý học thì thi khối nào, học bao nhiêu năm?
- Bác sĩ Trương Tấn Trung: Nếu thực sự tốt nghiệp và trở thành một bác sĩ thực thụ thì không phải lo ngại về việc làm. Bạn ở Cần Thơ, sau khi bạn tốt nghiệp, bạn sẽ có quyết định phân công về sở y tế, trong vòng một tháng bạn sẽ đến nhận nhiệm sở và như vậy có việc làm 100%. Nếu bạn học chuyên ngành bác sĩ tâm lý thì bạn phải thi vào bác sĩ đa khoa. Sau khi học hết 6 năm, bạn nghiên cứu về tâm lý học và học thêm hai năm chuyên khoa trong nước và nước ngoài, có nhiều học bổng và cơ hội cho bạn. Bạn học chuyên về tâm lý y học và trở thành bác sĩ tâm lý tư vấn cho cộng đồng.
* Ngành công nghệ thực phẩm học ra sao?
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Nếu học hệ đại học thì các bạn học 4 năm, nếu không trúng tuyển bậc ĐH các bạn có thể học các trường cao đẳng công nghệ thực phẩm hoặc hệ cao đẳng của một số trường và có cả những trường trung cấp đào tạo ngành này. Nếu kết quả tốt nghiệp cao đẳng tốt bạn có thể thi liên thông lên ĐH ngay còn nếu kết quả không tốt thì phải đi làm một năm rồi mới thi liên thông.
* Ngành kinh tế thủy sản của ĐH Cần Thơ tỷ lệ chọi ra sao, công việc sau này có ổn định hay không và mức lương ra sao?
- Thầy Đỗ Văn Xê: đây là lĩnh vực liên quan đến kinh tế nhưng chuyên về thủy sản. Mức lương ra trường bao nhiêu thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng hiện nay cơ hội tìm việc làm tại ĐBSCL rất lớn.
Danh sách ban tư vấn 1. PGS.TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT. 2. TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM. 3. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. 4. TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. 5. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM). 6. TS Nguyễn Thanh Nam - trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa TP.HCM. 7. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM. 8. ThS.BS Trương Tấn Trung - ĐH Y dược TP.HCM. 9. PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ. 10. TS.BS Nguyễn Trung Kiên - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ. |
Đơn vị tài trợ:
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận