"Mê mẩn" với những "chiêu độc" tại ngày hội tuyển sinhHáo hức đi dự hội tư vấn tuyển sinh
Phóng to |
“Em thích ngành này, em say mê ngành kia” là cụm từ thường gặp nhất trong những câu hỏi mà các thí sinh tương lai gửi đến ban tư vấn trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đầu tiên của năm nay diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngày 16-2.
“Thật mừng” là câu các thầy cô thường xuyên thốt lên trên bàn tư vấn. Điều ấy có nghĩa trước khi đặt câu hỏi, các thí sinh đã có quyết định của chính mình, đã đích thân chọn và nắm lấy tương lai cho mình.
Phóng to |
Đông nghịt học sinh đến dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngày 16-2 - Ảnh: Quang Định |
Mỗi người đều có một ước mơ
“Em theo dõi thông tin thấy kinh tế VN chuẩn bị bước vào giai đoạn khởi sắc trở lại sau giai đoạn suy thoái. Vậy các thầy có thể cho biết về cơ hội việc làm của khối ngành kinh tế, tài chính thời điểm 5, 6 năm tới?”, câu hỏi đầy bản lĩnh của bạn Vũ Hoàng Long đến từ Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang đến một khởi động nóng. Có đến ba thầy hào hứng tiếp nhau trả lời, đúng hơn là cổ vũ cho sự tự tin của Long.
Hãy cho con sự độc lập Tư vấn thêm cho thí sinh về ý nghĩa của sự tự chủ, tự tin, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, khuyên học sinh hãy chọn ngành nào mình thích, ngành nào mình học thấy thoải mái, hứng thú và vui vẻ, đồng thời hãy dành thêm thời gian để rèn luyện kỹ năng. Ông Tuấn nói thêm: “Các bậc phụ huynh nếu thương con hãy cho con mình sự độc lập, hãy tạo điều kiện để con mình mạnh mẽ. Bởi con cái càng mạnh mẽ thì cha mẹ càng yên tâm”. |
Long điềm tĩnh kể câu chuyện của mình: cha và anh trai đều theo ngành kỹ thuật, em học các môn khối A (toán, lý, hóa) cũng khá nên cả nhà đều muốn em theo ngành kỹ thuật, vừa có nền tảng gia đình vừa dễ có việc làm ổn định, nhưng em lại có một đam mê mãnh liệt với ngành kinh doanh. “Nên em sẽ thi vào ĐH Kinh tế” - Long quả quyết. Để thể hiện đam mê mãnh liệt ấy, Long thường xuyên tìm đọc trên báo, trên mạng những bài viết phản ánh thời sự kinh tế, tình hình tài chính, phân tích dòng chảy tiền tệ... dù những kiến thức chuyên ngành trong đó đôi khi vượt quá sức hiểu biết của một cậu học sinh lớp 12. “Và em cũng đã tập kinh doanh từ năm lớp 10, trên mạng và tại nhà, đã tự lo được những chi tiêu cá nhân của mình” - Long “bật mí”.
Đăm chiêu nghe tiếp những câu hỏi và trả lời của các bạn khác đến cuối buổi, Long tiếp tục giãi bày nỗi băn khoăn của mình với các thầy: “Em đang đứng ở một ngã ba: nghe theo ba mẹ; hoặc theo ngành kinh doanh đầy rủi ro, bất trắc mà em say mê; hoặc rớt ĐH và chọn một nghề khác...”, nhưng những người có mặt đều đã biết chắc con đường Long sẽ đi. “Mỗi ngành đều có những vấn đề, khó khăn nội tại của nó, nếu em đam mê, em sẽ biết cách hóa giải. Kể cả nếu thi rớt ĐH, em vẫn sẽ đi được với đam mê của mình vì ĐH chỉ là một cánh cửa” - thầy Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia) nói và Long mỉm cười thỏa mãn.
Cùng một sự quyết liệt của tuổi 18, ngồi ở khu vực tư vấn của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Lê Nguyễn Phước Giang - học sinh lớp 12A7 Trường THPT Tam Phú, TP.HCM - sôi nổi: “Hồi trước em từng nghĩ mình sẽ thi vào ngành kiểm toán, tài chính nhưng rồi em cân nhắc lại vì đó là mong muốn của ba mẹ, học ngành đó thì sau này ba mẹ có thể giúp em xin việc dễ hơn. Còn em chỉ thích ngành công nghệ thông tin. Nghe các thầy tư vấn, em biết độ cạnh tranh nghề nghiệp của ngành công nghệ thông tin khá khốc liệt nhưng em không ngại. Em sẽ thi”. Giang “triết lý” rất người lớn: “Đâu ai biết chắc chắn chuyện tương lai 5-7 năm nữa. Có khi ngành bây giờ đang “hot” mà mai mốt lại thất nghiệp. Chỉ có một thứ bây giờ mình biết chắc là sở thích và khả năng của mình thôi”.
Ngồi cạnh Giang, Lê Văn Hoàng, bạn học cùng lớp, cũng cho biết đến với ngày hội tuyển sinh năm nay bạn chỉ quan tâm đến ngành an ninh vì đã yêu thích, đã tìm hiểu thông tin và chọn sẵn từ lâu rồi. Hôm nay, Hoàng chỉ đến dự ở bàn tư vấn về tâm lý, sức khỏe để sẵn sàng cho kỳ thi phía trước.
Phóng to |
TS Phạm Tấn Hạ (ĐH KHXH &NV TP.HCM) tư vấn riêng sau khi kết thúc chương trình tư vấn - Ảnh: Như Hùng |
Phải chọn đam mê
Tại khu vực tư vấn nhóm ngành y dược, xã hội, công an, quân đội, một bạn trẻ gửi câu hỏi cho thầy Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: “Thưa thầy, với kinh nghiệm của các thầy thì chúng em nên chọn ngành theo sở thích hay chọn ngành “hot”?”. Chưa vội đưa ra câu trả lời, thầy Hạ hỏi: “Thầy muốn biết ở sân khấu này bao nhiêu em thích chọn thi vào ngành thời thượng?”. Có hai cánh tay giơ lên. Thầy Hạ hỏi tiếp: “Vậy những em nào muốn thi vào ngành mình yêu thích?”. Rất nhiều cánh tay đưa lên hào hứng.
Lúc này, thầy Phạm Tấn Hạ mới nói: “Lựa chọn của các em khiến tôi yên tâm. Tam giác chọn nghề là: sở thích - năng lực - nhu cầu xã hội, trong đó còn kết hợp thêm khả năng điều kiện của gia đình. Sẽ không có thầy cô hay cha mẹ nào dám đảm bảo cho các em học ngành gì thì không bị thất nghiệp, bởi vì có kiếm được việc làm hay không là do người học chứ không phải do ngành học”.
Đi dạo khắp các gian hàng tự giới thiệu của các trường, ngồi suốt một buổi tư vấn ở khu vực gỡ rối hướng nghiệp - chọn lối vào đời, chị Trần Thị Ngọc Oanh mấy lần định giơ tay lên hỏi nhưng rồi lại thôi. Chị giải thích: “Tôi định hỏi các thầy xem ngành địa lý sau này ra trường có thể tìm được việc làm tốt, thu nhập tốt hay không, nhưng nghe các thầy nhắc thí sinh nhiều rằng nên chọn ngành mà mình thật sự yêu thích thì lại thôi. Con trai tôi say mê môn địa lý, đã quyết định sẽ thi vào khoa địa của ĐH KHXH&NV rồi. Mình làm cha mẹ phải tôn trọng đam mê của con”. Một lát sau, con trai Lâm Bảo Anh, một “cây” hoạt động Đoàn Đội của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), chạy tới, tay cầm tập tư liệu giới thiệu của các trường, mắt sáng rực, bảo mẹ: “Về đi mẹ, con xong rồi”. Hỏi, Bảo Anh cười, rất tự tin: “Các thầy nói sau này em có thể nghiên cứu địa lý, địa chất hoặc có thể giảng dạy, hoặc cũng có thể cả hai”.
Như là cộng hưởng với những niềm đam mê tuổi 18 đang được từng bước trở thành hiện thực, Vũ Cát Tường - sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, á quân Giọng hát Việt - sau những bài hát sôi động trong phần giao lưu đã chia sẻ với những đàn em đi sau của mình: “Tường đang học ngành kỹ thuật và lại đang theo đuổi đam mê ca hát. Có lẽ là không có gì liên quan đến nhau, nhưng sống cho đam mê của mình thì sẽ rất “sướng” và không bao giờ phải hối hận. Các bạn hãy chọn ngành, chọn trường theo sự mách bảo của con tim mình”.
Chiều xuống, các khu vực tư vấn vẫn đông, các gian tự giới thiệu của các trường vẫn tấp nập. Nhưng trước kỳ thi quan trọng của đời người, các gương mặt tuổi 18 hôm nay đều rạng ngời đúng nghĩa với một “ngày hội”. Họ không hề lo lắng vì hầu hết đều đã tự tin với lựa chọn của mình.
Học để dạy và chữa bệnh cho em mình Dáng vẻ nhỏ nhắn, giọng nói có phần rụt rè nhưng quyết tâm của bạn Nguyễn Song Thảo Nguyên - học sinh Trường THPT Diệp Minh Châu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - đã khiến không chỉ bạn bè cùng lứa mà cả thầy cô tư vấn, phụ huynh có mặt cũng phải vị nể khi bày tỏ ước muốn thi vào ngành giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm. Cô bạn phân tích một cách am tường: “Em biết đi dạy đã không dễ, dạy trẻ em khuyết tật, tự kỷ càng khó, rất vất vả, không ít trở ngại, khó khăn phải vượt qua. Nhưng thuận lợi của em là bản tính yêu thương trẻ con, mong muốn giúp các em bị thiệt thòi”. Nguyên nhân sâu xa trong lòng Nguyên là cô có một người em họ bị bệnh tự kỷ. “Em ấy không đi học được, em rất thương. Em lựa chọn ngành này cũng như lựa chọn một thử thách để mình cố gắng vượt qua. Nếu thành công, em đạt được ước mơ và còn có thể về dạy và chữa bệnh cho em mình nữa” - Thảo Nguyên quyết tâm. |
Đồng hành cùng chương trình |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận