05/04/2011 08:36 GMT+7

Cuộc chơi của các "ông lớn"?

THU HÀ
THU HÀ

TT - Sự kiện bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh năm 2010-2011 được một công ty phân phối bản quyền châu Âu chia nhỏ và bán cả độc quyền lẫn không độc quyền cho cùng lúc nhiều kênh truyền hình VN với giá cao gấp hơn 2 lần lúc mua đã làm giới kinh doanh truyền hình VN chợt tỉnh giấc sau cơn mê dài “đua trả giá bản quyền”.

Hiệp hội truyền hình trả tiền:

wZilhcQV.jpgPhóng to

Giá bản quyền truyền hình tại Việt Nam quá caoK+ phải chia sẻ bản quyền

Quyết định “thành lập Hiệp hội truyền hình trả tiền” do Bộ Nội vụ ban hành đã ra đời ngày 15-12-2010. Vậy là đã đến lúc chợ họp công khai, thuận mua vừa bán, có phường có hội tương trợ nhau lúc khó khăn, bảo vệ nhau lúc bị bắt chẹt, khỏi bị mua rẻ bán đắt? Nhưng sự việc không đơn giản như vậy.

Danh sách thành viên tham gia ban vận động thành lập hiệp hội cũng vừa vặn con số 13 (bằng với những đơn vị và doanh nghiệp “xin tham gia”). Trong đó ngoài SCTV, Trung tâm truyền hình cáp TP.HCM, ban biên tập truyền hình cáp VN (VSTV) thì còn lại là các đài truyền hình tỉnh và đài khu vực: Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Bình Phước, Cà Mau, Tây Ninh, Bến Tre, Quảng Ngãi. Tất cả các đài này đều chỉ phát analog hoặc cáp. Trong khi đó, quy hoạch phát triển truyền hình đến năm 2020 của VN là tiến tới số hóa toàn bộ hệ thống truyền hình.

“Chúng tôi không được biết” và “chúng tôi xin được tham gia”

Theo quy định của pháp luật, 90 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập (15-12-2010), nghĩa là đúng 15-3-2011, ban vận động thành lập hiệp hội phải tổ chức được đại hội thành lập, nhưng đến ngày 23-3-2011, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình Lưu Vũ Hải vẫn còn phải ký công văn góp ý về việc tổ chức đại hội.

Trong văn bản này, ông Hải đề nghị ban vận động phải làm rõ các nội dung: quá trình vận động thành viên tham gia, đại hội đại biểu hay đại hội toàn thể thành viên, các định hướng hoạt động của hiệp hội trong thời gian tới.

Sở dĩ có sự chậm trễ đó vì cho đến ngày 7-3, Bộ Thông tin - truyền thông vẫn còn nhận được công văn “xin tham gia Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN” của một đơn vị sản xuất chương trình không những không xa lạ mà còn rất “đình đám” trong làng truyền hình: Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom).

Nội dung công văn đơn giản đến mức khó tin: “Chúng tôi được biết rằng ngày 5-3-2011 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra đại hội trù bị thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN. Do không được tiếp cận thông tin, vì vậy chúng tôi mong quý bộ, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, cho phép chúng tôi được tham gia trở thành thành viên của Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN. Trường hợp được chấp thuận, chúng tôi mong quý bộ có những hướng dẫn cụ thể về các điều kiện cần thiết để đăng ký làm thành viên của Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN”.

Cùng ngày 7-3, Bộ Thông tin - truyền thông cũng nhận được văn bản tương tự của AVG - Công ty cổ phần Truyền thông toàn cầu với nội dung tương tự. AVG còn “thòng” thêm một thông tin khác: “Qua tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, các đài phát thanh, truyền hình khác, trong đó có cả các đơn vị đang và sẽ là các nhà cung cấp Pay-TV (truyền hình trả tiền - PV) lớn tại VN, cũng có nhu cầu tham gia nhưng chưa có thông tin cụ thể gì về việc thành lập này”.

Bất ngờ lớn nhất là ngay cả Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, với đài truyền hình kỹ thuật số hoạt động mười mấy năm nay, hiện đã có gần 100 kênh kỹ thuật số, cũng chịu đứng chung danh sách “chúng tôi không có thông tin” và “chúng tôi xin được tham gia” này.

Danh sách “không có thông tin” còn kéo dài nữa. Để đến 18-3, ba ngày sau thời hạn bắt buộc phải tổ chức đại hội thành lập, phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình Chu Văn Hòa phải ký công văn gửi ban vận động thành lập hiệp hội đề nghị hướng dẫn điều kiện, thủ tục cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia hiệp hội theo đúng quy định pháp luật, kèm theo một danh sách 13 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có VTC, AVG, FPT Telecom, Trung tâm truyền hình cáp đài truyền hình TP.HCM, Công ty cổ phần truyền hình cáp Đà lạt, Công ty cổ phần điện tử tin học viễn thông Hải Phòng...

“Những ai cần vận động, chúng tôi đã vận động”

Ông Trần Văn Úy - tổng giám đốc Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN - đã trả lời như vậy khi Tuổi Trẻ hỏi về việc có nhiều đơn vị, doanh nghiệp muốn tham gia hiệp hội nhưng chưa có thông tin gì.

Theo ông Úy, tất cả doanh nghiệp có tham gia sản xuất chương trình truyền hình để phát sóng vào loại lớn nhất nước đều đã được vận động tham gia hiệp hội; hai đơn vị truyền hình trả tiền lớn nhất là VTV và SCTV (đều có trên dưới 20 kênh được sản xuất trong nước) cũng tham gia đầy đủ.

Trong dự thảo điều lệ Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN, phần chức năng nhiệm vụ của hiệp hội có nêu rõ: hiệp hội “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên trong mua bán, trao đổi bản quyền... trong lĩnh vực truyền hình trả tiền theo quy định của pháp luật”; “phổ biến, giúp đỡ hội viên những tiến bộ về khoa học, công nghệ mới, các thông tin thị trường trong nước, ngoài nước liên quan đến lĩnh vực truyền hình nói chung và truyền hình cáp nói riêng”; “phối hợp, giúp đỡ hội viên trong các hoạt động đàm phán, ký kết để nhập khẩu, mua bán, trao đổi trang thiết bị... bản quyền các chương trình truyền hình, phim ảnh...”.

Với “định hướng” như vậy, có thể thấy truyền hình cáp được đặc biệt ưu tiên trong chương trình hành động của hiệp hội. Một khi đã “định hướng” như vậy, liệu về lâu về dài, chuyện chung lưng đấu cật ở các thương vụ mua bán bản quyền quốc tế liệu có thành hiện thực, và ngay trước mắt đây thôi, chiếc bánh bản quyền Euro 2012 có được chia công bằng và sòng phẳng?

Ông Trần Văn Úy cho biết ngày 16-4-2011, đại hội thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN sẽ được tổ chức. Liệu hiệp hội ra đời, người xem truyền hình có còn phải tiếp tục ăn “quả đắng” cho những gói chương trình đã trả tiền của mình?

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên