Phóng to |
Hong từng giúp thông qua đạo luật chống buôn người ở bang Washington, Mỹ - Ảnh: CSMonitor |
Sóng gió ập vào tuổi thơ của Hong từ năm 7 tuổi khiến cô phải xa lìa gia đình ở Ấn Độ hơn 20 năm sau đó. Gia cảnh khốn khó buộc gia đình Hong phải gửi cô đến nhà một phụ nữ mà họ quen biết để chăm sóc.
Họ vẫn đến thăm Hong cho đến một ngày nhận thông báo cô đã được gửi đi học ở xa. Nhưng thực chất Hong đã bị bán đi. “Họ đưa tôi đến nơi mà tôi không biết tiếng, toàn người lạ” - cô kể. Hong bỏ ăn và bị bệnh khiến bọn buôn người gửi cô đến Canada để làm con nuôi.
Những tháng ngày bị nhốt, đánh đập, bỏ đói của cô gái nhỏ chỉ chấm dứt sau khi cô được một phụ nữ nhận nuôi, được học hành và sau đó chuyển đến Mỹ.
Cơn ác mộng chưa bao giờ thôi ám ảnh Hong nhiều năm sau đó, khiến cô sợ trở về Ấn Độ để đối mặt với những ký ức kinh hoàng và tìm lại cha mẹ ruột. Nhưng sự giúp đỡ của những người xung quanh, đặc biệt từ mẹ nuôi, đã truyền cảm hứng để Hong theo đuổi con đường đấu tranh chống nạn buôn người. Cô nhận ra rằng trên thế giới mỗi năm có hơn 800.000 người bị buôn bán, phần lớn bị bắt làm việc khổ sai như nô lệ, mại dâm hoặc đi ăn xin.
Sau khi trở thành cố vấn của Liên Hiệp Quốc, Hong thành lập Tổ chức Tronie để giáo dục cộng đồng về nạn buôn người và hỗ trợ các nạn nhân. Cô thuyết phục cộng đồng về sự tồn tại sâu rộng của mạng lưới buôn bán trẻ em hiện đại, thậm chí từng xuất hiện trên chương trình của nữ hoàng talk show Mỹ Oprah Winfrey năm 2006. Cô cũng giúp thông qua đạo luật chống buôn người đầu tiên tại bang Washington. Cuối năm ngoái, cô đã trình lên Liên Hiệp Quốc kế hoạch xóa sổ nạn buôn người để giải phóng hàng triệu phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.
Con người của Hong giờ đây thay đổi rất nhiều so với khi còn nhỏ, với một nụ cười thân thiện luôn trên môi, ánh mắt ấm áp và luôn truyền cảm hứng cho người đối diện. Cô cũng dạy các con về nạn buôn người từ rất sớm và con trai lớn học lớp 5 của cô thậm chí gây quỹ được hơn 4.500 USD cho Tổ chức Tronie. “Tôi muốn thế giới thay đổi cách nhìn về nạn nô lệ. Không có khoản tiền nào là quá nhiều để làm việc đó” - cô hào hứng nói. “Tôi chưa từng thấy ai tận tụy như vậy - công tố viên Mỹ Paul Hirose nói trên Christian Science Monitor - Hầu hết mọi người không biết rằng nạn buôn người có ảnh hưởng lớn đến chúng ta qua các vật dụng chúng ta sử dụng hằng ngày, từ thực phẩm đến quần áo. Tôi cũng đã không biết cho đến khi Hong giúp tôi nhìn rõ điều đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận