10/07/2014 10:12 GMT+7

Pháp, Mỹ và ước mơ nhà nông trí thức

DUY TÌNH - HỮU TRIỂN
DUY TÌNH - HỮU TRIỂN

TT - “Chúng em sẽ làm tất cả mọi việc để được đi học, chỉ cần được đi học” - đó là tâm sự của hai anh em nhà nghèo vùng núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) Nguyễn Pháp, Nguyễn Mỹ.

Cô Phương bền chíThí sinh “Nấm lùn” đi thi đại học

clfJrE6X.jpg
Hai anh em Nguyễn Pháp (trái) và Nguyễn Mỹ trên đường từ nhà trọ đến phòng thi đại học ở Huế - Ảnh: Duy Tình

"Nguyễn Mỹ và Nguyễn Pháp là tấm gương về nghị lực cả trong học tập lẫn lao động kiếm sống. Hai anh em con nhà nông làm việc quần quật nhưng chưa hề bỏ buổi học nào"

Thầy VÕ DUY QUỐC (bí thư Đoàn Trường THPT Nam Đông)

Căn nhà cấp 4 chật hẹp ẩm thấp nằm lọt thỏm trong vùng núi cao của xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là nơi nung nấu giấc mơ học hành của hai cậu học trò nghèo Nguyễn Pháp và Nguyễn Mỹ. Gia đình có bốn anh chị em, Pháp là con đầu. Mẹ bị mất sức lao động vĩnh viễn không thể làm được gì. Ba thì điếc một tai và mù một mắt, lại mắc thêm căn bệnh xơ gan, cận kề cái chết. Cả nhà sáu người đều dựa vào 4 sào ruộng, mỗi năm chỉ trồng được một vụ vì thiếu nước. Cả bốn anh em phải lao động quần quật để theo đuổi việc học. Cậu em út năm nay lên lớp 11, vừa kết thúc năm học đã sang Lào rửa xe thuê để giúp hai anh trai Pháp và Mỹ thi đại học.

Trượt đại học lần đầu vì không đủ tiêu chuẩn chiều cao vào ngành giáo dục quốc phòng, thế là hằng ngày cậu học trò Nguyễn Pháp lại vào rừng làm thuê khai thác cây keo để kiếm thêm tiền nuôi cả gia đình, vừa có thời gian ôn thi đại học. Người em trai Nguyễn Mỹ cũng xuống suối bắt cá hoặc đi làm thuê với giá 150.000 đồng mỗi ngày.

Hết mùa khai thác cây keo, Pháp lại tất bật chuyển sang công việc nuôi ong thuê. Nguyễn Pháp cho biết công việc này rất nguy hiểm. Một lần vì lấy mật không cẩn thận đụng phải ong chúa, thế là cậu bị đàn ong đốt phải nằm điều trị mất cả tuần. Ong không sống được vào mùa mưa nên Pháp lại theo chân nhà chủ đưa đàn ong vào tận Tây nguyên để nuôi. Ở trong rừng với đàn ong, Pháp vẫn tranh thủ những giờ rảnh hoặc ban đêm để ôn thi.

Thời gian trôi qua cùng với công việc vất vả khiến kiến thức cứ như rơi khỏi đầu óc Pháp. Việc ôn thi càng khó khăn hơn với cậu học trò siêng năng ấy. Tài liệu mà hai anh em dùng ôn thi cũng là mượn của bạn bè. Nhưng với ý chí đã quyết, niềm tin nơi con chữ cũng đã giúp hai anh em Pháp vượt qua tất cả để chờ đến ngày thi lại đại học năm nay.

Cả hai anh em Nguyễn Pháp và Nguyễn Mỹ cùng thi vào Trường ĐH Nông lâm Huế. Mỹ chọn ngành lâm nghiệp với ước mơ sau này có thể trở về vùng núi Nam Đông này để phát triển kinh tế rừng. Còn Pháp chọn ngành chăn nuôi với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ bố mẹ. Mỗi người nung nấu một ước mơ riêng nhưng ai cũng đặt niềm tin vào con chữ, đều có khát khao cháy bỏng là thi đậu đại học.

tigvYvtI.jpgPhóng to
PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng - sau khi kiểm tra hồ sơ của thí sinh Huỳnh Thị Thu Thủy đã quyết định đặc cách cho thí sinh này - Ảnh: Đ.Cường

Thí sinh khiếm thị được đặc cách vào ĐH

Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ thi ĐH đợt 2, hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng đón một thí sinh nữ bị khiếm thị đến xin đặc cách vào ĐH. Đó là thí sinh Huỳnh Thị Thu Thủy. Thủy cho biết mới lọt lòng mẹ, mắt bên phải của em đã không nhìn thấy gì. Mắt trái nhìn thấy mờ mờ nhưng cũng chỉ thấy bóng dáng chứ không rõ.

Nhà có đến bảy anh chị em chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Học xong tiểu học, Thủy rời xa gia đình ở quê nghèo Phú Yên ra học tập và sinh hoạt ở Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Ở nơi đất khách quê người, xa cha mẹ nhưng Thủy vẫn cố gắng học tập. Sau đó, Thủy học hòa nhập ở Trường Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) luôn đạt học sinh giỏi. Năm lớp 10, Thủy đoạt giải nhì môn sinh trong kỳ thi học sinh giỏi của Đà Nẵng. Lớp 11, 12, dù bị đau ốm không thể tiếp tục tham dự đội tuyển nhưng Thủy vẫn có tên trong danh sách dự thi học sinh giỏi của trường.

Sau khi tốt nghiệp THPT loại giỏi, Thủy khăn gói về quê nhà Phú Yên thăm ba mẹ được đúng hai tuần thì quay lại Đà Nẵng để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH. Trường Nguyễn Đình Chiểu nghỉ hè, Thủy xin được tá túc tại đây. Mỗi buổi Thủy ra đại lý vé số lấy 200-300 tờ vé số để đi bán với hi vọng tự nuôi sống bản thân và có chi phí cho những ngày đi thi sắp tới.

Khi Thủy đang ôn bài, chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi ĐH thì em và cô giáo chủ nhiệm nghe được trên đài thông tin về đặc cách thi ĐH. Vậy là cô trò cùng làm hồ sơ gửi ĐH Đà Nẵng qua đường bưu điện. Oái oăm là hồ sơ bị thất lạc. Đến ngày 7-7, Thủy mang hồ sơ đến thì được hướng dẫn ngày 8-7 đến để kiểm tra.

PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng - sau khi kiểm tra hồ sơ của Thủy đã quyết định đặc cách cho em vào học ngành công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. “Không chỉ kết quả học tập giỏi, đạo đức tốt mà quan trọng không kém là Thủy lựa chọn ngành học mà chúng tôi rất hi vọng sau này em sẽ hỗ trợ được nhiều người có cùng cảnh ngộ” - PGS Nam nói.

ĐOÀN CƯỜNG

DUY TÌNH - HỮU TRIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên