03/08/2012 09:01 GMT+7

Cành ôliu thay cho thanh gươm

Kishore Mahbubani
Kishore Mahbubani

TT - LTS: Những điều được GS Kishore Mahbubani tâm huyết viết ra ở đây không chỉ dành cho nước Mỹ trong câu chuyện với Iran. Nó còn là lời nhắn nhủ cho bất cứ nước nào khác đang nuôi ý đồ “đi chiếm đất của người khác, áp đặt sự thống trị trên người khác, thò tay ra ngoài và đô hộ người khác”.

36SNFGg4.jpgPhóng to
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta (trái) và người đồng cấp Israel Ehud Barak trong cuộc họp báo tại điểm phóng tên lửa của hệ thống phòng thủ Mái vòm thép hôm 1-8 - Ảnh: AFP

Trong đầu óc của nhiều người phương Tây, hình ảnh duy nhất họ có được về Iran lại là những hình ảnh tiêu cực: một đất nước bị áp bức bởi một chế độ thần quyền khắc nghiệt, một đất nước bị xem là chuyên gây bất ổn cho các nước láng giềng, một đất nước bị định hình là một nhà nước hạt nhân “ác ôn”. Nhiều người tin rằng chẳng có mấy hi vọng cải tạo Iran. Bởi thế, liên tục có những lời xì xào và gợi ý rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Iran là quân sự.

Iran có thể bị xâm chiếm. Song một cuộc xâm chiếm quân sự sẽ là một thảm họa. Nếu cuộc xâm chiếm Iraq đã làm suy yếu nghiêm trọng cả khả năng quân sự lẫn tinh thần của nước Mỹ thì một cuộc xâm chiếm quân sự đối với Iran sẽ còn hơn là một thảm họa cho nước Mỹ. Iran có khả năng trả đũa dữ dội hơn người ta tưởng và có khả năng chịu đựng đau thương và tổn thất còn mạnh mẽ hơn người ta nghĩ nhiều. Nó có cái bao tử đủ bền cho một cuộc chiến dài lâu. Còn nước Mỹ thì không thể (như đã có thể thấy qua những gì thúc đẩy Mỹ rời bỏ Iraq và Afghanistan dù rằng Mỹ chưa kiếm chác được gì tại hai sân khấu này).[...]

Ngoại giao: di sản từ 2.000 năm

"Song thay vì xích lại gần nhau, những người chủ trương cứng rắn ở Mỹ lại dùng gươm thay cho lưỡi cày"

Cản trở chính là Mỹ. Không một chính trị gia hàng đầu nào của Mỹ dám biện hộ cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Họ tất sẽ bị đóng đinh trên thập giá nếu dám đưa ra một đề xuất tương tự. Thậm chí rất ít người Mỹ nhận thức được rằng sự thiếu vắng quan hệ ngoại giao với Iran là cực kỳ bất thường. Nghệ thuật ngoại giao được phát minh hơn 2.000 năm trước, khi các vương quốc hay các bộ tộc đang kình chống nhau, là để giúp các xã hội có thể thương thảo với kẻ thù. Ấy thế mà nước Mỹ hiện đại lại không thể chiêm nghiệm và hoàn thành cái mà tổ tiên chúng ta đã có thể làm được từ 2.000 năm trước: đó là thiết lập quan hệ ngoại giao với một nhà nước thù địch.

Câu trả lời tiêu biểu của Mỹ trước lập luận này là cho rằng bản thân Iran đã tự loại mình ra khỏi cộng đồng các nước văn minh khi đã cầm giữ 52 nhà ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ Mỹ tại Tehran làm con tin trong suốt 444 ngày đêm. Rõ ràng hành động cầm giữ con tin này là đáng trách. Song nhiều hành động thậm chí còn đáng phàn nàn hơn còn diễn ra giữa các nước khác. Một nhà ngoại giao cao cấp của Iran nói với tôi rằng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ luôn khuyến khích Chính phủ Ấn Độ xúc tiến các cuộc thương lượng ngoại giao với Pakistan nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai nước láng giềng này. Nhà ngoại giao này đồng ý là cần phải làm việc này. Song sau đó ông ta bèn hỏi những người Mỹ vì sao họ không thương lượng với các nhà ngoại giao Iran. Liệu Mỹ có thương thảo với Iran nếu các điệp viên Iran tấn công đồi Capitol bằng bom đạn? Thế mà đây lại chính là điều Mỹ đã khuyến cáo Ấn Độ làm với Pakistan. Liệu Mỹ có làm những điều mà Mỹ rao giảng cho những người khác không?

Không có lý do gì để là kẻ thù của nhau!

Một trong những khai thông ấn tượng nhất trong lịch sử ngoại giao thế kỷ 20 là việc tổng thống Nixon đi thăm Trung Quốc tháng 2-1972. Với tư cách là khách mời trong bữa tiệc chiêu đãi tại Bắc Kinh, Nixon đã hết lời ca ngợi nước chủ nhà và tuyên bố:

“Nếu hai dân tộc chúng ta là kẻ thù của nhau thì tương lai thế giới mà chúng ta đang chia sẻ cùng nhau thật đen tối. Song nếu chúng ta tìm được một cơ sở chung để cùng cộng tác với nhau thì cơ may cho hòa bình thế giới là vô cùng lớn.

Trong quá khứ, chúng ta đã nhiều lần là kẻ thù của nhau. Chúng ta hôm nay còn có những khác biệt lớn. Điều đưa chúng ta đến với nhau là chúng ta đã có những quan tâm chung vượt lên trên những khác biệt ấy. Khi chúng ta tranh luận với nhau về những khác biệt thì không ai trong chúng ta chịu thỏa hiệp các nguyên tắc của mình. Song trong khi chúng ta không thể lấp đầy hố cách biệt giữa chúng ta, chúng ta lại có thể bắc một nhịp cầu qua hai bờ cách biệt ấy để có thể nói chuyện với nhau.

Bởi thế, trong năm ngày tiếp theo, nào chúng ta hãy bắt đầu một cuộc trường chinh, không phải bằng ngõ cụt mà trên những con đường khác nhau dẫn đến cùng một mục tiêu, đó là xây dựng một cấu trúc cho hòa bình và công lý trên thế giới, ở đó mọi quốc gia đều có thể cùng chen vai thích cánh với phẩm giá ngang hàng như nhau và ở đó mỗi quốc gia, nhỏ hay lớn cũng thế, đều có quyền tự quyết định hình thức nhà nước riêng của mình, không bị lệ thuộc vào sự can thiệp và thống trị của bên ngoài. Thế giới đang dõi theo chúng ta. Thế giới đang lắng nghe chúng ta. Thế giới đang chờ xem điều chúng ta sẽ làm. Thế giới là gì đây? Riêng tôi, tôi đang nghĩ đến đứa cháu gái đầu lòng của tôi mà hôm nay sẽ chào đời. Khi nghĩ đến nó tôi lại nghĩ đến mọi đứa trẻ trên thế giới, ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ mà rất nhiều những đứa trẻ ấy đã chào đời vào ngày đặt nền móng cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Chúng ta sẽ để lại di sản nào đây cho con cháu chúng ta? Liệu định mệnh của chúng là để chết vì những hận thù đã lan tràn khắp cái thế giới cũ hay là để sống vì chúng ta đã có tầm nhìn về xây dựng một thế giới mới?

Không có lý do gì để chúng ta là kẻ thù của nhau. Không ai trong chúng ta đi chiếm đất của người khác; không ai trong chúng ta áp đặt sự thống trị trên người khác; không ai trong chúng ta thò tay ra ngoài và đô hộ người khác.

Chủ tịch Mao đã viết: “Quá nhiều việc đang gào thét buộc ta làm, vì luôn cấp bách. Thế giới đang trôi đi. Thời gian đang qua đi. Mười vạn năm là quá dài. Hãy nắm lấy từng ngày. Hãy nắm lấy từng giờ”.

Đây chính là giờ, là ngày cho hai dân tộc chúng ta vươn lên những tầm cao vĩ đại để xây dựng một thế giới mới tốt đẹp hơn”.

Điều mà Nixon đã làm được với Mao giờ nước Mỹ có thể làm với Iran. Nước Mỹ có thể đi bước đầu tiên hướng đến một ngôn ngữ văn minh hơn, chứ đừng lăng mạ Iran. Việc tổng thống Bush gộp Iran vào “trục ác ôn” là một sai lầm lớn. Nhận định này chẳng đem lại gì cả (ngoài tiếng xấu cho người viết diễn văn khi chế ra một từ ngữ mới). Đa số người Mỹ cũng không ý thức được rằng một kiểu nhận định nhẫn tâm như thế chẳng khác nào xát muối vào mặt Iran.

Đa số người Mỹ đã tự coi mình là nạn nhân của Iran ngay từ khi những nhà ngoại giao Mỹ bị Iran giữ làm con tin. Ít có người Mỹ nào ý thức được rằng Iran cũng có lý do thậm chí còn lớn hơn để cảm thấy họ cũng là nạn nhân của Mỹ. [...]

Thảo luận là hành động văn minh cần làm

Mỹ và Iran không phải là hai quốc gia đầu tiên cảm thấy là nạn nhân của nhau. Lịch sử thừa mứa những dẫn chứng. Phần lớn các nước đều đã tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Nước Mỹ lại đứng riêng như một ngoại lệ khi từ chối xem xét một bước đi như thế, thậm chí xem xét một cuộc đối thoại trực tiếp với Iran.[...]

Dù còn có những khác biệt, song thảo luận vẫn là một hành động văn minh khác cần làm. Trong chốn riêng tư, nhiều nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có cả tổng thống Clinton, đã muốn đáp trả lại một cách tích cực. Tuy nhiên, họ lại sợ bị lên án ở ngay trong nước Mỹ. Đây có thể là cản ngại lớn nhất cho chính sách ngoại giao của Mỹ. Những chọn lựa nhạy cảm trong chính sách đối ngoại luôn bị bóp chết bởi tiến trình chính trị trong nước rất quyết định mà thường là sai lệch.

Israel thúc ép Mỹ đánh Iran

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 1-8 khi đến Israel tuyên bố sẽ tính đến khả năng hành động quân sự một khi không còn sự lựa chọn đối với Iran. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo rằng các nỗ lực ngoại giao và cấm vận của Washington đã không có tác dụng đối với chương trình hạt nhân của Iran.

“Chính ngài đã nói mấy tháng trước rằng khi mọi nỗ lực thất bại, Mỹ sẽ hành động. Nhưng những tuyên bố này chưa thuyết phục được Iran ngưng chương trình hạt nhân của mình - ông Netanyahu nói - Ngay lúc này đây, chính quyền Iran tin rằng cộng đồng quốc tế không quyết tâm trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của họ. Điều này cần phải thay đổi và phải hành động nhanh vì thời gian để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình không còn nhiều”.

Ở Israel hiện vẫn còn các đồn đoán cho rằng ông Netanyahu sẽ ra lệnh tấn công Iran vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Quốc hội Mỹ ngày 2-8 cũng đã thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với lĩnh vực năng lượng và đóng tàu của Iran. AFP dẫn lời thượng nghị sĩ Ros-Lehtinen, chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện, nhấn mạnh những biện pháp này nhằm làm cho chế độ này “ngạt thở”.

8qEQEpZ0.jpgPhóng to

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mái vòm thép của Israel - Ảnh: AFP

Kishore Mahbubani
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên