24/10/2011 07:40 GMT+7

Ông Gaddafi đã không thức thời!

NGÔ HẠNH
NGÔ HẠNH

TT - Vạn vật đều có một mùa của chúng và có một thời khắc cho mỗi việc dưới bầu trời này: có một thời để được, có một thời để mất, có một thời để giữ, có một thời để vứt bỏ!

CS9QExrR.jpgPhóng to

Nhiều người Libya xếp hàng ở Misrata ngày 22-10 để tận mắt thấy thi thể ông Muammar Gaddafi - Ảnh: Reuters

Cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya quả rất đáng tiếc! Ông phải chết cho dù Tòa án hình sự quốc tế có muốn ông phải sống đi nữa để đưa ông và con cái ra xét xử về các “tội ác chống lại nhân loại dưới hình thức các vụ giết người khắp đất nước Libya bởi bộ máy nhà nước cùng lực lượng an ninh Libya”. Song như trong mọi cuộc lật đổ bạo lực khác, hiếm khi nào không “nhổ cỏ, nhổ tận gốc” để tránh hậu họa một khi “đương sự” còn sống.

Liên quan đến cái chết của ông Muammar Gaddafi, Reuters ngày 23-10 dẫn lời một người tham gia khám nghiệm tử thi cựu lãnh đạo Libya cho biết ông Gaddafi thiệt mạng do vết thương từ đạn.

Việc khám nghiệm diễn ra ở một nhà xác tại thành phố Misrata, sau đó thi thể ông Gaddafi sẽ được đưa trở lại kho lạnh của một siêu thị cũ của thành phố, nơi nhiều người xếp hàng dài để tận mắt thấy thi thể người đã cai trị Libya suốt 42 năm qua.

Ông Mahmoud Jibril, thủ tướng lâm thời Libya, cho biết sẵn sàng cho phép một cuộc điều tra toàn diện về cái chết của ông Gaddafi dưới sự giám sát của quốc tế.

Ông Gaddafi quả đã không thức thời để hiểu rằng muốn hay không muốn, ông cũng phải chấp hành nghị quyết ngày 17-3-2011 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. “Hội đồng Bảo an yêu cầu: 1-Thực hiện ngay ngưng bắn và chấm dứt toàn bộ mọi hoạt động vũ lực cùng mọi sự tấn công và ngược đãi thường dân. 2-Thiết lập vùng cấm bay trên toàn cõi Libya. 3-Cho phép mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân cùng các khu dân cư...”.

Ông đã không nhận ra rằng nghị quyết này một khi đã được 15/15 quốc gia thành viên thông qua hoặc bỏ phiếu trắng có nghĩa ông đã bị xem như là “có lỗi” rồi và đang ở trong “tầm ngắm” của những thế lực quốc tế muốn “lấy đầu” ông qua trung gian là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chỉ cần một nghị quyết như thế là đủ để kết liễu ông rồi. Song ông lại không thức thời để nhận ra rằng lần này Nga và Trung Quốc đã không phủ quyết như vẫn thường phủ quyết, coi như “định mệnh đã an bài” và ông không tài nào “cải số” được nữa, nhất là bằng vũ lực!

Nếu ông đủ tỉnh táo để “đọc” nghị quyết đó, có lẽ ông đã phải nhận ra cái gọi là “lệnh cấm bay” chỉ là thứ yếu, đứng sau yêu cầu thứ nhất là “ngưng bắn và chấm dứt toàn bộ mọi hoạt động vũ lực cùng mọi sự tấn công và ngược đãi thường dân”. Nếu ông hiểu đó mới là cái “thòng lọng” hờm sẵn, có lẽ ông đã không làm như ông đã làm, để ba tháng sau, ngày 27-6, Tòa án hình sự quốc tế có cơ sở để ra bản cáo trạng số ICC-01/11, trong đó liệt kê tội trạng ông như sau: “Trong diễn văn trên truyền hình nhà nước ngày 15-1-2011 cùng trong một loạt diễn văn sau đó, Muammar Gaddafi và con trai mình là Saif Al-Islam vốn đang nắm quyền thủ tướng trong thực tế đã khẳng định ý định tận diệt mọi sự phản kháng chống chế độ...

Hôm 22-2-2011, Muammar Gaddafi tuyên bố: Chúng ta sẽ di dời hàng triệu người để lành mạnh hóa từng centimet của đất nước Libya, từng ngôi nhà, từng con ngõ... Về vấn đề vừa nêu, tòa ghi nhận có những chứng cớ cho thấy: 1- Lực lượng an ninh đã trải ra trên khắp nước. 2- Đã có những hoạt động tuyển mộ người nước ngoài làm lính đánh thuê để yểm trợ cho bộ máy an ninh. 3-Đã có những chỉ thị ra lệnh tuyển 2.000 người chuẩn bị sẵn sàng hành động tại Benghazi...”.

Nếu ông đủ tỉnh táo như ông từng tỉnh táo, có lẽ ông đã không chết và vô số người Libya thuộc cả hai phe, nhất là thường dân, cũng đã không phải chết! Thật vậy, cách đây năm năm, chỉ sáu ngày sau khi ông Saddam Hussein của Iraq bị bắt, ông Gaddafi đã lẹ làng tuyên bố từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời hoan nghênh quốc tế đến thanh tra xem ông có “nói là làm” hay không.

Trước đó năm 2003, ông đã chịu “nhận trách nhiệm về hành động của các viên chức Libya” về cái chết của 259 người trên chuyến bay 103 của Hãng hàng không Mỹ Pan Am bị nghi do tình báo Libya đánh bom rơi trên bầu trời Lockerbie ngày 21-12-1988, và chi 2,7 tỉ USD cho gia đình các nạn nhân.

Phải nói là những “bài học xương máu” của phe Taliban ở Afghanistan năm 2001 và của ông Saddam Hussein năm 2003 ở Iraq đã tác động rất nhiều đến khả năng thức thời của ông Gaddafi. Tiếc thay, lần này ông đã không nhận ra đâu là điều khoản sinh tử trong nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an!

Thức thời là điều mà nay đặt ra cho không ít người trong hoàn cảnh như ông Gaddafi.

NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: NATO Lybia Muammar Gaddafi