03/04/2011 05:57 GMT+7

Đất sống cho lái buôn vũ khí

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Trong những năm gần đây, các nước phương Tây đã kiếm lợi hàng tỉ USD từ hoạt động bán vũ khí cho các nước Trung Đông và Bắc Phi. Chính quyền các nước này đã dùng vũ khí nhập khẩu để trấn áp làn sóng biểu tình, hành động mà phương Tây cho là vi phạm nhân quyền.

cqxJTs02.jpgPhóng to
Xe tăng quân đội Libya bị tên lửa liên quân phương Tây bắn cháy - Ảnh: AFP

Tạp chí Der Spiegel (Đức) dẫn nguồn Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) đưa tin chỉ vài tháng trước đây, bốn cường quốc phương Tây là Pháp, Ý, Anh, Đức cùng Nga đã cạnh tranh quyết liệt để bán máy bay chiến đấu, xe tăng, hệ thống phòng không và các loại vũ khí khác cho Libya. Trong hai năm 2009 và 2010, Anh kiếm được 142 triệu USD nhờ bán vũ khí cho chính quyền ông Gaddafi. Trong các mặt hàng mà Anh bán có súng bắn tỉa quân đội Libya đang sử dụng để chống lại phe nổi dậy. Toàn bộ lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Libya là do Anh đào tạo.

Thị trường vũ khí béo bở

Ý cũng xuất khẩu 158 triệu USD máy bay và trực thăng quân sự cho Libya, Malta bán 113 triệu USD súng đạn, trong khi Đức xuất khẩu 75 triệu USD thiết bị điện tử quân sự. Trong vài tháng trước cuộc nổi dậy ở Libya, Mỹ cũng lặng lẽ cung cấp 50 xe quân sự trị giá 77 triệu USD cho chính quyền Gaddafi. Ngoài ra, Anh và Pháp bán cho Libya những mặt hàng như “tác nhân hóa học và sinh học”, vật liệu phóng xạ và các thiết bị liên quan.

Số vũ khí này đang được quân đội Libya sử dụng để giao tranh với quân nổi dậy được phương Tây chống lưng và kháng cự lại chính những đợt không kích của Mỹ, Anh, Pháp... “Việc phương Tây bán vũ khí cho Libya rõ ràng đã giúp ông Gaddafi nắm giữ quyền lực” - một chuyên gia quân sự phương Tây nhận định. Nguyên nhân cũng khá dễ hiểu. Trước hết, đây là chuyện làm ăn buôn bán, với số tiền thu được lên đến hàng trăm triệu USD. Thứ nữa, trước khi lên án ông Gaddafi giết hại dân thường, vi phạm nhân quyền, phương Tây coi Gaddafi là một đối tác để bán dầu và ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi sang châu Âu.

Sau năm 2003, khi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya vì ông Gaddafi đã “làm lành” với phương Tây, chính quyền nước này chỉ sở hữu một lượng vũ khí cũ kỹ, hỏng hóc có từ thời Liên Xô. “Đó là cơ hội vàng để các công ty vũ khí phương Tây xâm nhập thị trường béo bở, có nhiều tiền từ việc bán dầu thô”, Hãng thông tấn Đức Deutsche Welle dẫn lời chuyên gia SIPRI Mark Bromley.

Và dù cuộc chiến Libya có kết thúc theo kiểu gì chăng nữa, đất nước này vẫn sẽ là thị trường mua vũ khí béo bở, bởi lượng vũ khí hiện tại của quân đội Libya đang bị máy bay và pháo phương Tây phá hủy. Đó cũng là lý do vì sao khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố thiết lập vùng cấm bay ở Libya, giá cổ phiếu của các công ty vũ khí trên sàn chứng khoán New York tăng vọt 5%.

Ngoài Libya, phương Tây cũng bán vũ khí cho rất nhiều nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi. Theo Deutsche Welle, trong năm 2009 Mỹ bán tổng cộng 40 tỉ USD tiền vũ khí. Khoảng 7,3 tỉ USD là các hợp đồng bán vũ khí cho một số nước Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Ai Cập mua 101 triệu USD, Bahrain mua 88 triệu USD. Các số liệu cho thấy hợp đồng bán hơi cay trị giá 458.000 USD cho Ai Cập. Báo chí địa phương đưa tin trước khi ông Mubarak từ chức, cảnh sát Ai Cập đã dùng hơi cay Mỹ để trấn áp người biểu tình.

Sẽ còn tiếp diễn

Báo Daily Mail (Anh) cho biết cuối năm 2009 đầu 2010, hoàng tử Anh Andrew đã ba lần đến thăm Yemen và hội đàm với Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Sau đó, Anh bán một số đạn dược và áo giáp chống đạn trị giá 260.000 USD. Hiện tại, lực lượng an ninh của ông Saleh đang dùng số đạn mua được từ nước ngoài để bắn người biểu tình. Nguồn tin báo chí địa phương cũng khẳng định quân của ông Saleh đã tấn công người biểu tình bằng khí độc tác động vào hệ thần kinh, mua từ phương Tây.

Năm ngoái, Mỹ đạt thỏa thuận bán cho Saudi Arabia 60 tỉ USD vũ khí, gồm máy bay chiến đấu F-15, máy bay trực thăng quân sự Apache, tên lửa, rađa và bom. Mỹ muốn Saudi Arabia có đầy đủ lực lượng để đối trọng với Iran và hợp đồng này cũng tạo ra 77.000 việc làm cho Hãng Boeing. Trong năm 2010, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) mua 40 tỉ USD vũ khí từ Mỹ. Ngày 14-3 vừa qua, Saudi Arabia đã điều quân sang Bahrain để giúp chính quyền nước này trấn áp các cuộc biểu tình bạo động. UAE cũng đưa quân sang Bahrain. Chính quyền Bahrain đã dùng vũ khí phương Tây để đối phó với người biểu tình.

Deutsche Welle dẫn lời chuyên gia Kaye Stearman thuộc Tổ chức Vận động chống lại thương mại vũ khí (CAAT, Anh) nhận định phương Tây phải ngừng hẳn bán vũ khí cho các nước Bắc Phi và Trung Đông thì mới thật sự chứng tỏ tinh thần ủng hộ dân chủ, nhân quyền ở khu vực này. Nhưng đó chỉ là chuyện viễn tưởng. Mới cách đây một tháng, Thủ tướng Anh David Cameron cùng đại diện tám công ty vũ khí lớn nhất nước Anh đã đến thăm hàng loạt quốc gia Trung Đông để chào bán vũ khí Anh.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên