Phóng to |
Hiến binh Pháp giải tán người biểu tình trước lối vào Nhà máy lọc dầu Grandpuits, đông nam Paris, ngày 22-10 - Ảnh: Reuters |
Đình công tại Pháp: công đoàn vẫn tự sức mình
Hai tuần nghỉ Lễ các thánh vừa bắt đầu tại nước Pháp và một phần châu Âu theo Thiên Chúa giáo La Mã. Lâu nay, thời gian trai trẻ nghỉ học ở nhà dài như vậy cũng là thời gian “chùng xuống” của các phong trào xã hội. Chính quyền muốn nhân dịp này để hạ nhiệt đường phố nhưng xem ra không thành công. Các cuộc xuống đường phản đối và đình công vẫn hừng hực khí thế, thậm chí còn trở nên “cứng” hơn trong những ngày tới sau khi chính phủ ra đòn ép thượng viện.
Thủ tục “bỏ phiếu một lần một”
Chẳng là tối khuya thứ sáu vừa qua, sau 165 giờ thảo luận, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách chế độ hưu trí, theo đó tuổi về hưu sẽ kéo dài thêm hai năm từ 60 lên 62 tuổi. Để đạt được kết quả này, chính phủ đã phải sử dụng mánh khóe pháp lý là thủ tục “bỏ phiếu một lần một”.
“Bỏ phiếu một lần một“ là gì? “Bỏ phiếu một lần một” là thủ tục được ghi trong điều 44-3 của hiến pháp cho phép chính phủ có quyền yêu cầu lưỡng viện của quốc hội biểu quyết bằng một lần bỏ phiếu duy nhất về những điều khoản sửa đổi mà chính phủ đã đồng ý. Thủ tục này giúp tiết kiệm thời gian nhưng hạn chế quyền hành động của các nghị sĩ, buộc họ phải chọn: hoặc thông qua “trọn gói” dự luật do chính phủ đưa ra hoặc bỏ phiếu chống. Thường là số đông nghị sĩ sẽ ngả theo chính phủ dù họ biết những phản đối của phe đối lập đối với một số điểm cũng rất hợp lý và đáng được lắng nghe. |
Vấn đề lớn: bất bình đẳng
Ông Nicolas Tanzer, nhà kinh tế học từng là cựu lãnh đạo ở Ban hoạch định chính sách kinh tế Pháp, nhận định: “Việc cải cách lẽ ra phải đem lại lợi ích cho cả đôi bên”. Nhưng dự luật cải cách lần này lại không phải như thế. Bởi ông nhấn mạnh “vấn đề bất bình đẳng đang là vấn đề lớn ở Pháp”. Nhưng tại sao lần này, giới trẻ - những người còn lâu lắm mới đến tuổi về hưu - lại xuống đường biểu tình rầm rộ đến thế? “Cuộc xung đột hiện nay đang bộc lộ cho thấy những âu lo cho tương lai, một cảm giác chán ngán trước tình trạng bất công đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội Pháp - nhà kinh tế học Tanzer giải thích - Thêm vào đó là những nhân tố cộng hưởng như sự sụt giảm uy tín của chính quyền hiện tại, sự yếu kém của một chính phủ sắp được bầu lại, cả những vụ bê bối liên quan đến giới chính trị, tình trạng bất an kéo dài...”. Ngay cả cách điều hành của Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng góp phần vào tình hình tồi tệ hiện nay.“Sự hiện diện mọi lúc mọi nơi của vị nguyên thủ quốc gia có thể là ưu thế cho việc cải cách nếu ông ấy được lòng dân, nhưng sẽ là đà kìm hãm nếu ông ấy không được dân yêu thích” - ông Tanzer nhấn mạnh...
Tóm lại, nếu mọi người, kể cả những người đình công, đồng tình về chuyện cần cải cách chế độ hưu trí thì họ lại phẫn nộ về cách thức tiến hành của Tổng thống Sarkozy, mà theo mô tả của giới chính trị gia là “thô bạo” và “áp đặt”. Trong một xã hội dân chủ, lấy được lòng cử tri là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, thái độ cương quyết hiện nay của ông Sarkozy rất dễ chia nước Pháp làm hai và như thế tạo cơ hội cho các đảng phái cực hữu và cực tả. Thu phục lòng dân bằng cách giải thích luôn đòi hỏi thời gian và khó khăn. Nó biểu hiện sức mạnh của dân chủ nhưng cũng gây chậm trễ cho các vấn đề cần cải cách vì cần có thời gian để tìm sự đồng thuận.
Thế nhưng, khi nhà lãnh đạo Pháp giải thích “Chúng ta (người Pháp) không có lựa chọn nào khác ngoài cách kéo dài thời gian đóng góp để cứu lấy quỹ lương hưu” thì rõ là ông ta chưa nói hết sự thật. Bởi vì vẫn có những cách khác để tìm thêm tiền. Chẳng hạn đánh thuế thu nhập từ các giao dịch tài chính, cho dù là con số tối thiểu 0,001 xu đối với mỗi giao dịch.
Trong thực tế, việc kéo dài thời gian làm việc chỉ liên quan đến một số ít người. Các doanh nghiệp trước đó đã tìm mọi cách để sa thải những nhân viên trên 50 tuổi. Bằng chứng là số người trên 50 tuổi đang đứng đầu bảng nhóm thất nghiệp. Giới chủ thích chọn nhân công trẻ vì có thể trả lương ít hơn và nhóm này lại năng động hơn.
Khi những người biểu tình xuống đường cùng các khẩu hiệu kết tội tổng thống bảo vệ “bạn bè, những kẻ giàu có” thì rõ ràng họ không nhầm chút nào. Lối sống xa hoa cùng cô vợ diễn viên, sự gần gũi với giới tỉ phú của nhà lãnh đạo cao nhất nước Pháp này ít nhiều đã gây ra sự lấn cấn khi ông đăng đàn kêu gọi những người lao động thấp cổ bé họng nhất ra sức đóng góp. Ngay cả chuyện cậu con trai 22 tuổi của ông là Jean Sarkozy - một sinh viên không chút giỏi giang trên đường học vấn bỗng dưng sáng chói trên đường chính trị cũng khiến thiên hạ bàn tán về chuyện “con vua thì lại làm vua” - một điều rất khó chấp nhận trong xã hội dân chủ và tiến bộ.
Ông Sarkozy đang đặt cược cả tương lai chính trị của mình trong cuộc cải cách hưu trí lần này theo kiểu “được ăn cả ngã về không”. Hoặc ra đi hay tiếp tục thêm một nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Hoặc là ông sẽ cùng cô vợ diễn viên rời điện Elysées nhường chỗ cho cánh tả, hoặc là ông sẽ hùng mạnh hơn và được ngợi ca là “can đảm”, là “tổng thống giỏi nhất” mọi thời vì đã cải tổ được nước Pháp, đất nước nổi tiếng là “không thể cải tổ được”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận