Hội nghị ASEAN+3 nước Đông Bắc Á hôm sau sẽ càng sát với thực tế căng thẳng ở Đông Bắc Á khi tình hình hầu như đang bế tắc với những cuộc tập trận qua lại vờn nhau. Còn hội nghị hậu - Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (PMC) ngay sau đó sẽ là những cuộc gặp mở rộng với các “đối tác đối thoại” của ASEAN, bao gồm gần như nhóm các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (EU thay cho Anh và Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc) cùng có mặt ở Hà Nội.
Tất nhiên, sẽ không có một nghị quyết nào như ở Hội đồng Bảo an mà là những tiếp xúc, vận động, tranh thủ, họp báo tuyên bố, giải thích, “tấn công ngoại giao”... khi các bên đang xung khắc đều có rất nhiều điều muốn nói. Lần này còn có cuộc đối thoại của các quan chức quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực (ARF).
Trong bối cảnh đó, có thể dự kiến AMM sát với thực tế tình hình hiện tại, để có thể sát với khẩu hiệu nền tảng của ASEAN là “Tiến đến cộng đồng ASEAN: từ cái nhìn đến hành động”. Nghĩa là để ASEAN là một cộng đồng thì phải cùng “nhìn” và cùng “hành động”. “Nhìn” ở đây là trong ý nghĩa “nhìn thấy”, “nhìn đúng” để cùng hành động cho một vận hội mở ra chung cho nhau hay cùng hành động nhằm giải quyết những thách đố chung đang đặt ra cho nhau.
Tất nhiên, không đợi đến “thế giới phẳng” ASEAN mới mở cửa lắng nghe mọi ý kiến các nước liên quan đến ASEAN qua ARF. Năm 1995, ASEAN từng tỏ thái độ về vấn đề phi hạt nhân trong khu vực bằng hiệp ước SEANWFZ với mong muốn ASEAN phải là khu vực hoàn toàn không có bóng dáng vũ khí hạt nhân.
Thực tế gần đây cho thấy hiệp ước vì hòa bình và ổn định này đang bị đe dọa. Bởi lẽ ít nhất đang có một căn cứ tàu ngầm hạt nhân ngay trong biển Đông cũng như các động thái quân sự đơn phương... cho dù Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COD) đã được long trọng ký kết và tuyên cáo ngày 4-11-2002 tại Phnom Penh giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Tuyên cáo này mở đầu: Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Chính phủ CHND Trung Hoa nhận thức nhu cầu xúc tiến một môi trường hòa bình, hữu nghị, hài hòa trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc...
Điều 4 cam kết: Các bên liên quan tiến hành giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng các phương cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tác động đến hòa bình và ổn định. Điều 5: Cam kết tự kiềm chế trong hành vi để không làm phức tạp hay leo thang các tranh chấp... Ký kết này là một trong nhiều nội dung ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc như Hiệp định tự do mậu dịch ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) ngày 4-11-2002. Từ 1-1-2010, hiệp định tự do mậu dịch này đã đi vào thực hiện như đã ký.
Hi vọng COD cũng được thực hiện tốt như hiệp định tự do thương mại song sinh với nó. Cũng hi vọng ARF (trong đó có Mỹ, Trung Quốc và cả CHDCND Triều Tiên) sẽ tháo gỡ bớt những răn đe vô lý và vô ích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận