21/06/2010 08:41 GMT+7

Chất độc da cam và lẽ công bằng

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Thượng viện Mỹ sắp thông qua cho Bộ Cựu chiến binh Mỹ 17 tỉ USD bồi thường các cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, NextGov vừa loan tin. Tất nhiên, thủ tục như thế nào, các chứng cứ như thế nào, chữa trị những bệnh chứng gì..., Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã có hướng dẫn.

Xem như hồ sơ “chất độc da cam” cuối cùng cũng đã được xếp lại giữa nhà nước Mỹ với cựu chiến binh Mỹ. Còn một hồ sơ khác chưa được mở ra để xử lý là những người Việt Nam, cả thường dân lẫn cựu chiến binh, bất luận từng ở đâu trong chiến tranh và sinh sống ở đâu hiện nay, từng bị phơi nhiễm chất độc này.

Tất nhiên, cũng đã có một vài hé mở, như vài triệu USD tẩy rửa tại vài nơi từng là kho chứa chất này. Thế nhưng, nếu đất cát bị nhiễm có được mưa gió gột rửa đôi chút, thì sinh linh con người chưa được! Vụ kiện năm 2005 của những nạn nhân da cam Việt Nam, Tòa án Brooklyn (New York) có thể bác vì lý do này, lý do nọ cũng dễ hiểu: đó là phán quyết của con người và con người thì có quyền... sai lầm.

Thế nhưng, có một tòa án khác, với các đương đơn khác. Đó là tòa án của lương tâm, của tính nhân và nhân đạo. Các đương đơn không chỉ là ba mươi mấy người trong danh sách, mà có người nay đã xanh cỏ, và tất cả những người đã bị tiếp xúc với chất ấy. Có thể đó là người Việt, Campuchia, Lào. Và cả Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan... trong các đơn vị “quân đội đồng minh” tham chiến... Báo Tuổi Trẻ tại Hội nghị quốc tế về tác hại của chất độc da cam/dioxin do Hội Hữu nghị Pháp - Việt tổ chức ở thủ đô Paris chiều 12-3-2005 đã nêu vấn đề chung này.

Thật vậy, phơi nhiễm chất da cam không chỉ có người Mỹ hay người Việt. Và chất ấy không chỉ tác hại nơi người Mỹ mà thôi như một đặc thù sinh học, di truyền học... Những người thuộc các dân tộc khác đã bị tiếp xúc với chất ấy không có một “tổng vốn” gen nào khác người Mỹ. Tất cả đều là người, là tạo vật của đấng tạo hóa như người Mỹ xưa và nay vẫn đang tin tưởng nguyện cầu, xin chúc phúc.

Mới hôm 16-6 vừa qua, giáo sĩ Steve Gutow - chủ tịch Hội đồng Do Thái quan hệ công chúng, tiến sĩ luật khoa, sáng lập viên Hội đồng Do Thái của Đảng Dân chủ - đã viết trên cơ quan thông tấn của người Do Thái tại Mỹ Jewish Telegraphic Agency: “Hãy chữa lại một thế giới đã tan tác vì chất da cam. Chúng ta không thể làm gì khác, ít nhất cũng là cùng đứng bên người Việt và tìm các giải pháp cho các kinh hoàng gây ra bởi các chất độc mà cuộc chiến tranh của chúng ta đã để lại sau lưng. Đó là trách nhiệm của tôi, như là một người Do Thái, một giáo sĩ Do Thái giáo và một người Mỹ. Chúng ta chẳng thể làm gì ít hơn chừng đó”.

Tiếng nói của giáo sĩ Steve Gutow là khởi đầu của một giai đoạn. Sau một thời để im lặng là một thời để nói với nhau. Một thời để thù ghét và một thời để yêu thương nhau. Một thời cho chiến tranh và một thời cho hòa bình, như đoạn kinh thánh giáo huấn Eccl.3 đã tuyên cáo.

Đã có những khởi động ngồi lại với nhau. Một kế hoạch gom góp vốn để chi 30 triệu USD mỗi năm cho việc giải quyết hậu quả này ở Việt Nam cho cả người lẫn môi trường bị nhiễm. Hi vọng rằng bên cạnh những lý do như hòa giải, nhân đạo, còn có lý lẽ của tính công bằng. Thân xác người Mỹ hay người Việt trước chất dioxin không khác gì nhau, song thân phận họ có khác. Và không thể bác ái, từ thiện, nhân đạo khi chưa giữ lẽ công bằng.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên