01/07/2009 08:24 GMT+7

Iraq sau "Ngày chủ quyền"...

N.N.HÙNG
N.N.HÙNG

TT - Hôm qua, lực lượng vũ trang Iraq đã nhận bàn giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho tất cả các thành phố, thị trấn lớn nhỏ của nước này để quân đội Mỹ rút về đồn trú bên trong các khu vực được thỏa thuận theo hiệp định an ninh đã ký cuối năm 2008. Kể từ năm nay, ngày 30-6 được gọi là “Ngày chủ quyền” - một quốc lễ chính thức của Iraq.

A8OKwpYR.jpgPhóng to
Cảnh sát Iraq ở Baquba reo hò với thông tin binh sĩ Mỹ rút quân - Ảnh: Reuters

Từ đầu năm đến nay, quân đội Iraq đã dần tiếp nhận khoảng 95% số vị trí mà binh sĩ Mỹ đảm đương trong các thành phố của nước mình. Trong một cuộc họp với các tướng lĩnh ngày 29-6 tại thủ đô Baghdad, Thủ tướng Al Maliki giao trọng trách bảo vệ an ninh, chống khủng bố và hoạt động vũ trang bất hợp pháp trên toàn lãnh thổ cho các lực lượng vũ trang Iraq, trong đó các tư lệnh chiến trường được quyền “giải quyết các mục tiêu trong thời gian ngắn nhất” mà không cần đợi lệnh của bộ chỉ huy trung ương.

Mặc dù trên thực tế hơn 130.000 quân Mỹ vẫn tồn tại trên lãnh thổ Iraq, nhưng việc Mỹ bàn giao trách nhiệm bảo vệ an ninh trên toàn lãnh thổ cho lực lượng Iraq chứng tỏ chính quyền của Tổng thống Barack Obama quyết tâm thực hiện những bước đi cụ thể để bắt đầu lộ trình rút hết quân đội Mỹ khỏi nước này vào cuối năm 2011 như quy định của hiệp định an ninh Mỹ - Iraq. Đây cũng là một nội dung lớn trong kế hoạch chiến lược của Tổng thống Obama chuyển trọng tâm chống khủng bố sang chiến trường Afghanistan. Sự kiện này cho thấy cả Mỹ và Chính phủ Iraq đều tin rằng tuy một số vụ đánh bom nghiêm trọng vẫn xảy ra trong hai tháng gần đây tại Baghdad và một vài địa phương còn bất ổn, nhưng lực lượng khủng bố Al Qaeda và hoạt động vũ trang chống đối đã bị thu hẹp trên phần lớn lãnh thổ Iraq.

Nhưng một số nhóm “kháng chiến” của dòng Suna xem việc quân đội Mỹ không tham chiến trực tiếp như một cơ hội để gia tăng hoạt động. Một người phát ngôn của Đảng Al-Baath (cầm quyền thời Saddam Hussein) tuyên bố “tiếp tục kháng chiến” và sẽ nhắm mục tiêu là các căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ.

Vì vậy điều đáng lo ngại hơn cả trong lúc này là liệu người Iraq có đủ năng lực để hòa giải các lực lượng chính trị trong nước nhằm tập trung vào tái thiết đất nước hay không? Cuộc bầu cử hội đồng địa phương hồi đầu năm nay đã cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ trong nội bộ các khối liên minh phe nhóm Hồi giáo và tranh chấp quyền lợi dân tộc giữa người Kurd với người Ả Rập vẫn còn nan giải.

Nguy cơ chia cắt đất nước thành ba miền phân lập trong một cơ chế liên bang lỏng lẻo vẫn còn. Tham nhũng được coi là phổ biến trong toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp Iraq, khiến nguồn lực quốc gia bị xâm hại đáng kể. Tham vọng và sự can thiệp từ phía một vài quốc gia láng giềng vẫn là một nhân tố gây bất ổn trong nước. Chỉ có đảm bảo được ổn định cả về an ninh và chính trị cho Iraq từ nay đến cuối năm mới tạo tiền đề tích cực để Mỹ thực hiện rút quân quy mô lớn khỏi Iraq trong năm tới.

Thủ tướng Al Maliki đang ra sức hoạt động để thể hiện khả năng quản lý đất nước của một chính quyền trung ương thống nhất. Ông và những người ủng hộ trong bộ máy cầm quyền đang tỏ ra muốn thoát khỏi sự ràng buộc về tín ngưỡng của dòng Shi’a để hòa giải các lực lượng chính trị trong nước với khẩu hiệu đặt lợi ích của Iraq lên trên hết. Nếu chủ đích này của thủ tướng Iraq thành công, chứng minh được trong cuộc bầu cử quốc hội vào đầu năm tới thì tương lai của đất nước Iraq nhiều tiềm năng cả về tài nguyên và con người này sẽ thật sáng sủa.

N.N.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên