15/03/2010 21:00 GMT+7

Du học sinh, nỗi khổ người về

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTCT - Có người ví du học sinh (DHS) là những người phải biết tái hòa nhập với cuộc sống hai lần - khi đi lẫn trở về. Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó là sự thật.

W3gWhSEA.jpgPhóng to
Duy Phan (phải) cùng một người bạn cũng là DHS đã quyết định trở về VN làm việc, nhưng trong họ vẫn còn trăn trở nhiều điều - Ảnh Duy Phan cung cấp

Cái gì cũng phải cao?

Quan điểm “du học = lương cao” khiến nhiều DHS phải dở khóc dở cười khi trở về nước làm việc.

T.Nguyên tốt nghiệp từ một trường đại học xịn của Singapore, hành trang trở về của cô không chỉ là những điểm số đỏ chói mà còn là sự háo hức được đóng góp công sức của mình cho quê hương. Vậy mà: “Con có bằng cấp như thế này, ai trả dưới một ngàn thì đừng nhận nghen con. Ba mẹ đầu tư như vậy không phải để con lĩnh lương ba cọc ba đồng. Đừng để người ta tưởng mình bị nước ngoài chê nên mới về nước...”, câu nói mát mẻ đó từ gia đình ngờ đâu lại trở thành nỗi ám ảnh với Nguyên.

Do yêu thích môi trường sư phạm từ thuở bé nên Nguyên mong được làm giảng viên. Nhưng làm sao kiếm được trường có mức lương cao như thế khi mỗi tiết dạy thường chỉ được trả 40.000-45.000 đồng? Nguyên không màng lương thấp, cao nhưng cô bạn rất sợ mỗi khi đại gia đình họp mặt, cô lại bị lôi ra cân đo đong đếm với những người anh em bà con cũng du học trở về với mức lương cao chót vót.

Tương tự, H.Ngọc (cựu DHS Mỹ) cũng đang gặp nhiều phản ứng mạnh từ người thân khi đồng ý làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương chỉ tầm 4 triệu đồng/tháng. “Họ không biết rằng bây giờ kiếm việc được đã khó, kiếm việc phù hợp càng khó gấp bội. Huống hồ tấm bằng của tôi chỉ thuộc dạng... đậu vớt nên đâu thể nào đưa ra đòi hỏi cao” - Ngọc thở dài.

Sự dòm ngó, so sánh của mọi người cũng là một áp lực lớn với tất cả DHS. “Khi chúng tôi làm được việc họ cho rằng đó là lẽ hiển nhiên. Còn khi chúng tôi phạm sai lầm, họ lại sẵn sàng cười trước mặt, thậm chí nghi ngờ cả chất lượng tấm bằng. Tôi cũng nhiều lần nhận sự từ chối hợp tác thẳng thừng từ các đồng nghiệp của mình” - K.Anh (cựu DHS Pháp) ấm ức nhớ lại.

K.Anh cho biết khoảng thời gian sáu năm ở nước Pháp đã tập cho cô cách sống độc lập, chủ động trong mọi việc và không bao giờ ngại đóng góp ý kiến... Đâu ngờ điều này khiến cô bị mang tiếng “chảnh” trong các buổi họp ở cơ quan. “DHS đâu phải ai cũng là người tài, ý kiến của chúng tôi có thể đúng hoặc sai, thế nhưng mọi người luôn đánh đồng “DHS = hoàn hảo” để rồi sau đó cứ đem ra bàn tán, chỉ trích chúng tôi” - Q.Thịnh (cựu DHS Singapore) nhíu mày nói.

Làm sao để vượt qua?

“Điều này là không khó nếu bạn chịu khó vạch hướng đi đúng đắn từ đầu” - A.Khoa (cựu DHS Mỹ) cho biết. Khoa đã sớm xác định mình sẽ quay trở về nước làm việc sau khoảng thời gian học ở Mỹ nên bạn thường xuyên cập nhật thông tin tình hình mọi mặt ở quê nhà thông qua báo mạng. Những kỳ nghỉ dài hoặc tranh thủ các khoảng thời gian thực tập, Khoa về VN xin thực tập ở các doanh nghiệp trong nước. Chính nhờ những điều này mà ngày trở về thật sự, Khoa không có cảm giác bỡ ngỡ, ngơ ngác như những DHS khác.

M.Huy (cựu DHS Anh) cũng đồng ý với nhận định trên và cho biết chính bản thân mình là một ví dụ điển hình. Huy tốt nghiệp thạc sĩ và nhận được một việc làm tốt khi trở về nước, thế nhưng sau nửa năm làm việc với rất nhiều ý tưởng được đề ra, bạn vẫn cứ loay hoay và không thể nào tạo ra bước đột phá như kỳ vọng của ban tổng giám đốc. “Tất cả chỉ vì mình đã có lỗ hổng kiến thức về nền kinh tế VN quá lớn, chưa kể mình cứ áp dụng rập khuôn những điều đã được học vào công ty khi cơ sở hạ tầng ở đây vẫn còn nhiều giới hạn. Chắc phải cần một thời gian dài nữa mình mới “chạy” đúng nhịp được” - Huy thừa nhận.

Theo nhiều DHS, bên cạnh sự tự thân vận động của chính các bạn thì Nhà nước, các ban ngành trong nước... cần có những hỗ trợ nhất định để giúp các DHS vượt qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu. Nên có những chương trình đào tạo, bổ sung thông tin về tình hình VN bên cạnh sự cải thiện rõ rệt trong mức lương đối với DHS... để họ an tâm làm việc với thái độ, năng suất cao nhất. Có như thế mới không cần những dự thảo như “Quy chế quản lý công dân Việt đang đào tạo ở nước ngoài”, họ cũng sẽ trở về...

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên