27/06/2014 07:30 GMT+7

Người Việt ở Brazil - Kỳ 1: Đến đất khách, cùng "làm xách"

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Đại sứ Việt Nam tại Brazil Nguyễn Văn Kiền cho Tuổi Trẻ biết cộng đồng người Việt ở Brazil là một cộng đồng khá nhỏ, chỉ khoảng 150-200 người nếu tính luôn thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên tại xứ người.

Gặp các cổ động viên Việt trên sân MaracanaViệt kiều “hốt bạc” mùa World CupPhở Việt ở Brazil 248.000 đồng/tô

O9lx0MZ6.jpgPhóng to
Một nhóm người Việt đến Brazil năm 1979 - Ảnh tư liệu Naviose Portos

Nhưng sau gần một tháng đi qua nhiều thành phố tại Brazil để gặp gỡ và tìm hiểu về cuộc sống của những Việt kiều xa xứ, chúng tôi nhận thấy cộng đồng người Việt ở Brazil có nhiều đặc điểm riêng thú vị.

Nhiều người gốc Việt vượt qua gian khó thuở ban đầu, tạo lập sự nghiệp, gia sản và thành công đều gần như bắt đầu từ nghề duy nhất: làm xách. Đây là từ gọi tắt quen thuộc nghề gia công sản xuất và buôn bán túi xách, balô, bóp ví... mà 95% người Việt ở Brazil đã làm bền bỉ trong hơn 30 năm bôn ba ở xứ người.

Người Việt định cư tại Brazil từ bao giờ?

Hai trí thức người Việt ở Brazil

Giáo sư Nguyễn Hữu Tùng (hiện sống ở vùng Brooklin cách trung tâm Sao Paulo 10km) cho biết ông sang Brazil năm 1952 và bắt đầu công việc giảng dạy ở ĐH Sao Paulo. Hiện giờ ông vẫn là giáo sư của Học viện FIA đào tạo chuyên gia tài chính lĩnh vực kỹ nghệ và canh nông trực thuộc ĐH Sao Paulo. Giáo sư Tùng thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, là một nhà phân tích kinh tế, từng tham gia đào tạo hàng ngàn chuyên gia kinh tế, giám đốc tài chính ở Brazil và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về tài chính công, kiểm soát tài chính doanh nghiệp nông nghiệp... Từ năm 1972 đến nay ông là giám đốc Trung tâm đào tạo doanh nghiệp Centro de Treinamento Universidade - Empresa ở Sao Paulo.

Trong khi đó, GS.TS Phan Văn Ngân rời Việt Nam năm 1957 (lúc 18 tuổi), ông lấy học vị tiến sĩ ngành thủy sản ĐH Tokyo (Nhật) rồi làm việc tại Nhật đến năm 1974 thì sang Brazil làm giáo sư tại Hải học viện, thuộc ĐH Sao Paulo. GS.TS Phan Văn Ngân cho biết: “Tôi đã về hưu song vẫn tiếp tục nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên cao học làm luận án”.

Sẽ rất khó trả lời chính xác câu hỏi này bởi Brazil là một quốc gia nằm phía nam bán cầu xa xôi với Việt Nam xét về địa lý, quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Brazil và nước CHXHCN Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ năm 1989, các dữ liệu lịch sử liên quan đến người Việt ở Brazil hầu như không có.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ tại TP Sao Paulo, ông Võ Văn Phước (54 tuổi) - một Việt kiều đã sống ở Brazil 35 năm - cho biết ông đặt chân lần đầu tiên lên đất Brazil vào năm 1979. Lúc đó ông đã may mắn gặp bà Simonne, một phụ nữ lai hai dòng máu Việt - Pháp nói tiếng Việt rất sõi, đứng ra giúp đỡ một số người Việt mới sang như ông Phước (lúc đó chỉ mới 21 tuổi) kiếm được công ăn việc làm.

“Hồi đó bà Simonne cho biết bà theo người chồng Đức sang Brazil sống từ những năm 1940. Chính bà giúp tôi có việc làm đầu tiên là chân bốc vác ở hãng xe hơi, cũng như giúp đỡ về phiên dịch khi làm giấy tờ hành chính các loại để ổn định cuộc sống mới tại địa phương. Rất tiếc sau này tôi đã mất liên lạc với bà Simonne và không biết bà ở đâu, nhưng nếu bây giờ bà còn sống cũng phải trên 90 tuổi” - ông Phước nói.

Kế đến, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có ba người Việt sang Brazil từ thập niên 1950 là họa sĩ Trần Thơ (quê ở miền Trung Việt Nam, đã qua đời), GS Nguyễn Hữu Tùng và GS.TS Phan Văn Ngân đều từng giảng dạy tại Trường đại học Sao Paulo (đại học lớn nhất Brazil với 86.000 sinh viên) và hiện đều sống tại Sao Paulo.

Theo một số dữ liệu lịch sử hiếm hoi từ các tổ chức Brazil chuyên nghiên cứu về nhập cư mà chúng tôi tìm được như Cebri hay História da Marinha Mercante Brasileira thì từ năm 1979, có ba đợt người Việt gồm nam, nữ và trẻ em gần 150 người đặt chân đến Brazil và được cấp thường trú nhân rồi quốc tịch theo chính sách nhập cư.

Một số dữ liệu có thể chính xác hơn cho hay nhóm người Việt thứ nhất đến Brazil trên 50 người vào tháng 2-1979 (nhưng về sau này hầu hết đi sang các nước Canada, Mỹ, Úc... định cư). Nhóm thứ hai gồm 26 người đến vào tháng 9-1979 và nhóm thứ ba có 10 người đến vào đầu năm 1980. Nhiều người trong các nhóm này hình thành nên cộng đồng người Việt nhỏ bé từ đó đến nay, “phát triển với hơn 100 người gồm con và cháu, chiếm một vị trí nổi bật nơi một tiểu bang (Sao Paulo - PV) có nhiều doanh nhân thành đạt” (trích ghi nhận của tài liệu Navios e Portos - phần lược sử José Bonif ácio).

Đi lên từ làm xách

Những người Việt sang Brazil từ năm 1979 được chính phủ trợ cấp một năm đầu tiên, sau đó tất cả đều phải “tự bơi”, đối diện với nhiều khó khăn và phải bươn chải để sinh tồn trên đất khách.

Bà Nguyễn Kim Dung, sang Brazil năm 20 tuổi (1979), bắt đầu bằng nghề may gia công tại nhà cho chủ người Hàn Quốc. Gặp PV Tuổi Trẻ tại quận Moema (Sao Paulo), bà Dung hồi tưởng: “Thời đó chúng tôi may thuê mỗi ngày từ 6g tới 1g sáng hôm sau, liên tục không nghỉ kể cả những ngày cuối tuần. May riết thấy cực nhọc quá mà cũng không dư dả, chưa kể những lúc không đủ đồ để may thì lâm vào túng thiếu, tôi bèn bàn với ông xã quyết định liều một phen tự mở xưởng may nhỏ. Chúng tôi mua nguyên liệu về may thành phẩm từ quần áo đến túi xách, balô, bóp ví... mang ra khu chợ trời 25 de Marco (25-3) ở trung tâm Sao Paulo bán lẻ cho khách vãng lai, rồi bỏ mối số lượng rất lớn cho các thương lái người Brazil mang đi các tiểu bang trên cả nước. Doanh thu và lãi làm xách dần dần tăng cao, cuộc sống từ đó mới dễ thở hơn”.

Thành công từ nghề “làm xách” của gia đình bà Dung đã tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ và mở đường cho một lối mưu sinh khả quan cho nhiều người Việt khác lúc bấy giờ. Những năm 1980 đầu 1990, nhiều gia đình người Việt thi nhau làm túi xách, balô và mang hàng ra chợ trời Feira da Madrugada buôn bán sỉ lẻ. Tất cả đều có lãi tốt. Nhờ đó, hầu hết người Việt dành dụm tích lũy mua được nhà riêng, cho con cái ăn học đàng hoàng, dần dần ổn định cuộc sống trên đất khách.

Nhưng một nỗi lo lắng bất an của người Việt trong thời kỳ ăn nên làm ra là... bị cướp của. “Phần lớn người Việt đều từng bị cướp. Khi đi làm về vừa mở cửa bước vào nhà là cướp bất ngờ xuất hiện, nhào vào chĩa súng trấn lột sạch tiền mặt ngay tại nhà riêng. Bởi vậy không ai dám trữ tiền mặt quá nhiều, có tiền là làm vốn mua nguyên vật liệu để may túi xách hết. Về sau hầu hết người Việt đều dọn vào sống trong các căn hộ chung cư để không bị cướp nữa” - bà Kim Dung kể.

Những năm sau này, nghề làm xách không cực thịnh như trước và bị cạnh tranh mạnh từ các cộng đồng châu Á khác ở Sao Paulo. Dù vậy, người Việt làm nghề này vẫn có thể kiếm được khoảng 5.000 USD/tháng. So với mức chi tiêu hằng tháng cho mỗi gia đình tại Brazil khoảng 3.000 USD (đã tính luôn học phí của con em) thì vẫn còn gói ghém để dành được một năm khoảng trên 20.000 USD.

_____________

Kỳ tới: “Nhất Nghĩa...” và Công ty Goóc

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên