15/12/2013 07:16 GMT+7

Hồi hương sau siêu bão

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (từ Manila)
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (từ Manila)

TT - “Chị ơi, có thật vợ chồng tôi và hai con được về không? Có thật không chị?” - giọng của Phan Thị Hoài Oanh run rẩy nghẹn ngào vọng về từ Tagbilaran.

FZMRFe4t.jpgPhóng to
Những nạn nhân người Việt của siêu bão Haiyan đã có mặt đầy đủ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines - Ảnh: Quế Mai

Trong suốt 34 ngày ròng rã sau siêu bão Haiyan, Oanh đã cùng chồng bồng bế hai đứa con, đứa lớn mới 6 tuổi, đứa nhỏ mới 11 tháng trôi dạt từ Tacloban đến Ormoc, từ Ormoc về Cebu, rồi từ Cebu về Tagbilaran - một thành phố nhỏ thuộc hòn đảo Bohol, Philippines. Họ đã đi qua hàng trăm cây số, trên biết bao chuyến xe và chuyến phà ken đặc người đang tháo chạy khỏi sự chết chóc và nạn cướp phá hoành hành Tacloban. Siêu bão Haiyan đã cuốn của họ tất cả. Hầu như không ngủ trong suốt 34 ngày qua, họ loay hoay tìm nơi tá túc, loay hoay xoay xở với số tiền ít ỏi còn lại.

Sự giúp sức của kiều bào Việt

Thoát khỏi cái chết

Anh Nguyễn Duy Đức cho biết trước khi bão ập đến, anh và con trai Nguyễn Nhật Duy và con rể Huỳnh Tiến Phát trú trong nhà. Bão đến thổi bay nóc nhà và ba cha con phải bám víu vào đồ đạc, đội mũ bảo hiểm để che chắn đầu. Nhưng rồi nước dâng lên rất cao buộc họ phải chạy ra ngoài và trèo lên một cây dừa. Nhưng cây dừa đó cũng bị bật tung gốc, trôi đi cùng dòng rác cao ngất.

Thật may mắn, họ được dòng rác đẩy dạt đến ngôi nhà hai tầng gần đó. Bám vào lan can của ngôi nhà, họ đã phải đứng dưới sức gió khủng khiếp trong suốt bốn tiếng đồng hồ. Họ gào khóc nhưng rồi cũng cạn nước mắt.

Cơn bão đi qua, tất cả những ngôi nhà quanh đó đều bị sập, chỉ có ngôi nhà hai tầng vẫn còn đứng vững.

Hàng xóm chết ngổn ngang, không có thức ăn và nước uống, ba cha con đã phải trèo qua những đống rác cao, lội qua những con đường nước đen ngòm bập bềnh xác chết để tìm đến trung tâm thành phố Tacloban, nơi họ gặp những người Việt khác.

Cuối cùng đêm 12-12, sau những ngày mòn mỏi mong chờ, 29 nạn nhân bão Haiyan, trong đó có bốn trẻ em, đã đáp những chuyến bay từ Cebu, Tacloban, Tagbilaran và Surigao về thủ đô Manila. Những chuyến xe của chị Minh Phượng Đặng - một Việt kiều luôn hết mình vì cộng đồng - đang chờ sẵn ở sân bay quốc nội để đưa họ về mái nhà Đại sứ quán Việt Nam. Ở đó, họ được tiếp đón nồng hậu. Ở đó, những tấm hộ chiếu mới được trao cho những ai đã bị siêu bão Haiyan cuốn mất hết tất cả giấy tờ. Ở đó, lần đầu tiên họ có được một bữa cơm đầm ấm đoàn tụ tất cả mọi người. Và đó là đêm đầu tiên trong 34 ngày qua, mỗi người trong số họ được ngủ trên một chiếc giường riêng (trong một khách sạn nhỏ cạnh đại sứ quán).

Liên lạc với họ trong những ngày sau cơn bão Haiyan, tôi không thể tưởng tượng một ngày nào đó có thể gặp mặt họ đông đủ tại đây để tiễn đưa họ về nước. Hơn một tháng trước, hầu hết những nạn nhân của cơn bão không có hi vọng hồi hương: họ sang đây với visa du lịch ngắn hạn và ở lại buôn bán làm ăn. Vì thế, họ nợ Cục Di trú Philippines số tiền thuế và tiền phạt rất lớn - số tiền mà có lẽ họ sẽ không thể nào trả được. Cụ thể như anh Nguyễn Duy Đức, một người sang đây làm ăn buôn bán đã 13 năm, nếu muốn ra khỏi Philippines phải đóng số tiền thuế và tiền phạt là 298.000 peso (tương đương 140 triệu đồng). Để được về Việt Nam, anh Đức và mỗi người Việt bị nạn còn cần một số tiền rất lớn để di chuyển về Manila, rồi từ Manila về nước.

Nhưng rồi những tấm lòng của cộng đồng đã cho chúng tôi hi vọng: các cán bộ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số người Việt cam kết tài trợ một số vé máy bay cho họ về nước và Tổ chức Di cư quốc tế IOM bắt đầu xem xét những hồ sơ xin giúp đỡ mà chúng tôi gửi đến. Thêm vào đó, các cán bộ đại sứ quán làm việc ngày đêm để hoàn thành giấy tờ thủ tục giúp họ được miễn thuế và tiền phạt do ở quá hạn.Để đảm bảo điều kiện ăn ở, đi lại cho bà con, đại sứ Trương Triều Dương quyết định sử dụng thêm số tiền tài trợ của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn để giúp các nạn nhân bão hồi hương.

Anh Huỳnh Ngọc Sang cho biết rất xúc động trước tấm lòng của những người Việt ở Philippines. Cụ thể như anh Trương Minh Hà - một người Việt ở Ormoc - đã không quản tính mạng lặn lội về những vùng xa xôi của Tacloban để đưa người Việt bị nạn về Ormoc bằng ôtô của anh. Vợ anh Hà là chị Phan Thị Mỹ Viên đã thu xếp chỗ ăn ở, cưu mang chăm sóc cho tất cả mọi người trong chính căn nhà của anh chị. Hơn 20 người may mắn có được sự cưu mang của gia đình anh chị Trần Mẫn và Lương Thị Phấn tại Cebu. Trong gần một tháng trời, anh Mẫn - chị Phấn đã cung cấp thức ăn, nước uống miễn phí và chăm sóc những người bị nạn.

Tinh thần nhân đạo

Những nạn nhân bão Haiyan lần này hết sức may mắn: họ đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Manila, Cục Di trú Philippines và Tổ chức Di cư quốc tế IOM chung tay giúp đỡ.

Theo anh Hoàng Nghĩa Cảng, bí thư thứ ba và là người phụ trách bộ phận lãnh sự của đại sứ quán, tổng số tiền thuế và tiền phạt vì ở quá hạn mà đại sứ quán xin miễn cho các nạn nhân bão Haiyan là người Việt Nam đợt này lên đến trên 2 triệu peso, tương đương gần 1 tỉ đồng. Anh cho biết Cục Di trú Philippines miễn tiền thuế và phạt lần này để thể hiện tinh thần nhân đạo đối với các nạn nhân bão là người Việt Nam. Trên thực tế, đây là số tiền những nạn nhân siêu bão phải “nợ” Cục Di trú Philippines: nếu muốn quay trở lại đất nước này, mỗi người phải đóng đủ số tiền được miễn lần này, và phải có sự đồng ý của cục mới có thể nhập cảnh lại.

Ngoài ra, chương trình Hỗ trợ hồi hương tự nguyện của Tổ chức Di cư quốc tế IOM đã quyết định hỗ trợ nóng mỗi người bị nạn số tiền 1.000 USD. Một nửa số tiền đó (500 USD) được trao ngay khi họ về nước, nửa còn lại trao trong vòng 2-3 tháng từ ngày họ trở về.

Đối với những người Việt bị nạn bởi cơn bão Haiyan, nếu ngày hôm nay tràn ngập sự xúc động thì chặng đường phía trước tràn ngập nỗi lo. Anh Nguyễn Hùng, đại diện những người bị nạn, cho biết bản thân anh đã mất hết số vốn gần nửa tỉ đồng. Mười ba năm xa Tổ quốc, giờ đây anh phải làm lại từ đầu và vẫn chưa biết có thể tìm được công việc gì ở Việt Nam.

Thật khó để các nạn nhân của bão Haiyan có thể sống bình yên trong thời gian tới khi tâm trí họ vẫn luôn bị ám ảnh bởi tiếng gầm rú của cơn bão, bởi hàng trăm thi thể họ đã nhìn thấy, bởi những ám ảnh của các hố chôn người tập thể, bởi mùi tử thi nồng nặc và nỗi sợ hãi cướp bóc dọc những con đường hoang tàn mà họ tháo chạy qua trong đêm tối.

Tiễn họ về nước, tôi thầm mong cộng đồng Việt Nam nơi đất mẹ sẽ mở lòng đón những người con trở về, giúp họ tái hòa nhập, giúp họ tìm được công ăn việc làm ổn định để họ không phải tiếp tục tha hương.

“Chúng tôi cảm ơn...”

8g30 sáng 14-12, chuyến bay mang số hiệu PR 591 của Hãng hàng không Philippines Airlines liên danh với Vietnam Airlines từ Manila (Philippines) đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Có 19 hành khách đặc biệt trên chuyến bay này: những người VN là nạn nhân bão Haiyan trở về quê nhà.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại khi đang trên đường về Phú Yên, anh Nguyễn Tấn Hoàng (khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cho biết: “Ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất chúng tôi vui lắm. Chúng tôi tưởng không còn cơ hội trở về với người thân của mình”. Theo anh Hoàng, trước đó ngày 13-12, nhóm đầu tiên gồm 10 người là thành viên của ba gia đình anh Nguyễn Kim Kha, anh Trần Công Thành, anh Trần Quốc Duy cũng đã về đến TP.HCM rồi được IOM đón và đưa ngay về Phú Yên. “Thay mặt anh em trong đoàn, chúng tôi cảm ơn những người Việt có lòng hảo tâm đã giúp đỡ trong thời gian qua, cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đến tận Moalboal nơi chúng tôi cư ngụ trong những ngày chờ đợi thủ tục về VN để trao tặng quà và tiền giúp những người gặp hoạn nạn như chúng tôi. Cảm ơn Đại sứ quán VN, những nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế đã giúp chúng tôi trở về quê hương, đoàn tụ gia đình” - anh Hoàng nói.

Trong ngày 15-12, dự kiến gia đình ba mẹ con chị Nguyễn Kim Phụng, sống ở khu ổ chuột TP Mandaue, cũng sẽ từ Philippines trở về VN. Tuy nhiên đến phút cuối, phía quản lý nhập cư tại đây đã không thể tìm được thông tin nhập cảnh của chị nên chuyến về nước đã bị chậm lại. Báo Tuổi Trẻ và Đại sứ quán VN tại Philippines đã tiếp tục liên lạc bổ sung, hoàn tất các thủ tục để đưa gia đình chị về nước trong thời gian sớm nhất.

LÊ NAM

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (từ Manila)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên